Để giải quyết hài hòa giữa vấn đề tâm linh và đời sống, phát triển sản xuất, những năm qua, việc quy hoạch và xây dựng nghĩa trang nhân dân được các địa phương trong tỉnh Thái Nguyên quan tâm thực hiện. Quy hoạch và nghĩa trang đã có, nhưng thực tế triển khai ở nhiều nơi vẫn còn lộn xộn và tùy tiện. Đây là "bài toán" không dễ, đòi hỏi giải pháp đồng bộ và lộ trình lâu dài.
Ở một số địa phương, tình trạng người dân xây dựng nghĩa trang gia đình ở gần khu dân cư còn diễn ra phổ biến. |
Phần mộ tự phát chôn cất ngay sát khu dân cư, trên đất canh tác nông nghiệp; nhiều nghĩa trang thiếu quy hoạch nên lộn xộn, công tác quản lý còn lỏng lẻo… đó là thực trạng đang diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Điều này kéo theo nhiều hệ lụy như: Phá vỡ quy hoạch sử dụng đất, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp…
Mạnh ai nấy làm
Dù một số địa phương đã có chủ trương quy hoạch riêng biệt vùng chôn cất, mai táng, nhưng nghĩa trang tự phát vẫn còn phổ biến, thực trạng người chết “nằm” cạnh nơi ở hay nơi sản xuất của người sống cũng không ít. Đơn cử như ở xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ), phần đa các hộ dân vẫn an táng người thân qua đời tại đất của gia đình. Xã mới đang thực hiện quy hoạch nghĩa trang nhân dân (NTND) đối với 3 xóm: Đoàn Kết, Cao Phong và Suối Khách.
Sống cạnh nghĩa trang đã gần 20 năm nay, nhiều khi bà Bùi Thị Bảy (xóm Gò, xã Tân Hòa, Phú Bình) cũng cảm thấy "phiền lòng". Hiện, trên đất canh tác của gia đình bà Bảy cũng có 2 ngôi mộ nằm xen lẫn với diện tích cây màu.
Ở nhiều địa phương, NTND được người dân sử dụng để chôn cất người mới mất. Còn sau khi cải táng, người dân lại chuyển về nghĩa trang của gia đình, thường được đặt tại đất ruộng, vườn, đồi bãi của gia đình đó. Điều này dẫn đến tình trạng mộ được chôn cất không tập trung, phân tán ở nhiều khu vực.
Chính bởi “mạnh ai nấy làm” nên việc xây dựng mộ cũng theo ý gia chủ, có nhà xây mộ to, có nhà mộ nhỏ. Nhiều ngôi mộ dành cho người đã khuất còn được xây dựng với kiến trúc hiện đại, độc đáo, bề thế, có trường hợp người dân xây dựng khu nghĩa trang riêng của gia đình trên những khu đất rộng, có cổng vào và tường rào bao quanh không khác gì khuôn viên của một gia đình khi còn sống. Và lẽ dĩ nhiên, việc ngay hàng thẳng lối, đồng bộ về quy mô diện tích… khó có thể thực hiện được.
Một trong nhiều khu mộ gia đình nằm giữa cánh đồng ở xã Tân Hòa (Phú Bình). |
Ông Đào Trọng Thủy, ở xóm Cầu Tuất, xã Phúc Lương (Đại Từ), cho biết: Ở địa phương, việc thực hiện cát táng trên phần đất của gia đình khá phổ biến và đã diễn ra từ nhiều đời nay. Khi điều kiện kinh tế tốt lên thì nhiều nhà mở rộng thành nghĩa trang gia đình trên chính phần đất đã đặt những ngôi mộ trước đó.
Tại nhiều khu vực đã có nghĩa trang, việc bố trí các ngôi mộ cũng chưa được quy củ. Các ngôi mộ nằm lộn xộn, không theo hàng lối và cũng không chung hướng mà quay theo các hướng khác nhau, miễn là gia đình thấy “hợp”.
Bên cạnh một số cá nhân lấn chiếm đất nông nghiệp để xây mộ thì vẫn còn tình trạng người dân giành đất bằng cách xây mộ gió, mộ giả. Việc này cũng gây không ít khó khăn cho công tác quản lý vì "đụng" đến vấn đề tâm linh và khó xác định mộ thật hay giả.
Hệ lụy tới sản xuất và môi trường
Việc người dân tự ý xây dựng mộ trên đất nông nghiệp và trong khu dân cư, ngay cạnh nhà ở đã kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng xấu đến cảnh quan và sản xuất nông nghiệp. Nhiều trường hợp khi thực hiện cải táng cho người đã khuất, nhưng chưa có ý thức giữ gìn môi trường, gây mất mỹ quan và vệ sinh môi trường.
Thông tư số 01/2021/TT-BXD ngày 19/5/2021 của Bộ Xây dựng quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng nêu rõ: Khoảng cách an toàn môi trường nghĩa trang đối với khu huyệt mộ hung táng phải cách công trình nhà ở tại đô thị và điểm dân cư nông thôn tập trung 1.000m; khu huyệt mộ nghĩa trang chôn một lần là 500m và khu huyệt mộ nghĩa trang cát táng là 100m. |
Hai ngôi mộ nằm trên đất ở của gia đình ông Hoàng Văn Thắng (xóm Tân Tiến 4, xã Tân Dương, Định Hóa) chưa được di dời. |
Quy định là vậy, nhưng việc thực hiện tại các nơi lại không đồng nhất. Ông Hoàng Văn Thắng, ở xóm Tân Tiến 4, xã Tân Dương (Định Hóa), chia sẻ: Trước kia, chỗ ở của gia đình tôi từng là nghĩa trang tự phát, sau đó khu vực này được quy hoạch thành khu dân cư. Dù đã mua đất, làm nhà từ lâu, song gần 100m2 thổ cư của chúng tôi đang phải bỏ không bởi trên đó vẫn còn 2 ngôi mộ chưa thể di dời. Nhiều lần chúng tôi ý kiến với gia đình có mộ phần nhưng họ chưa đồng ý chuyển đi.
Không những vậy, việc xây dựng phần mộ trên đất nông nghiệp còn ảnh hưởng đến việc canh tác, sản xuất của người dân. Ông Nguyễn Văn Từ, xóm Nam Cơ, xã Kim Phượng (Định Hóa), cho biết: Cánh đồng Bản Lác (nằm giữa 3 xóm Bản Lác, Bản Ngói, Nam Cơ) rộng khoảng 100ha bằng phẳng nhưng lại xuất hiện nhiều ngôi mộ giữa đồng. Không chỉ ảnh hưởng đến canh tác nông nghiệp, việc dồn điền đổi thửa cũng khó thực hiện.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Trưởng xóm Soi, xã Ký Phú (Đại Từ), cho biết: Tại xóm còn tồn tại một số phần mộ từ lâu trên đất ruộng. Do vậy, khi thực hiện Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc, chủ đầu tư và chính quyền địa phương đã phải vận động để di dời 40 ngôi mộ về nghĩa trang tập trung nhằm đảm bảo mỹ quan và tiến độ Dự án. Trong đó, chủ đầu tư đã bỏ kinh phí để thực hiện di dời đối với các ngôi mộ vô danh.
Tình trạng đặt phần mộ trên đất nông nghiệp, gần khu dân cư còn làm ô nhiễm nguồn nước, đất và không khí. Việc an táng, xây mộ tùy tiện đã phá vỡ quy hoạch sử dụng đất, gia tăng vi phạm về đất đai, thu hẹp diện tích đất canh tác, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thực hiện các dự án thu hồi đất, không bảo đảm nếp sống văn minh...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin