Nguồn vốn tín dụng chính sách: "Điểm tựa" phát triển sinh kế

Minh Phương 08:35, 28/11/2024

Thời gian qua, việc triển khai kịp thời các nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp nhiều hộ nghèo và đối tượng chính sách khác tại Thái Nguyên vươn lên trong cuộc sống. Từ đó góp phần giải "bài toán" việc làm, thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững.

Với 3ha quế, trung bình mỗi năm gia đình bà Bàn Thị Minh (xóm Đồng Đình, xã Kim Phượng, Định Hóa) thu lãi 50 triệu đồng.
Với 3ha quế, trung bình mỗi năm gia đình bà Bàn Thị Minh (xóm Đồng Đình, xã Kim Phượng, Định Hóa) thu lãi 50 triệu đồng.

Gia đình bà Bàn Thị Minh (ở xóm Đồng Đình, xã Kim Phượng, Định Hóa) trước đây thuộc diện hộ cận nghèo. Đời sống của gia đình rất khó khăn, chỉ trông chờ vào 3-4ha rừng trồng theo Dự án 327 từ những năm 1990.

Năm 2021, gia đình bà làm thủ tục vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) với số tiền 50 triệu đồng theo chương trình vốn vay cho hộ cận nghèo. Với số tiền này, gia đình bà có thêm điều kiện để chăm sóc, cải tạo 1ha quế lâu nay vẫn bỏ mặc, nhờ đó có thêm nguồn thu nhập.

Đến năm 2023, bà đã trả được nợ gốc và tiếp tục vay 100 triệu đồng để trồng thay thế toàn bộ diện tích rừng còn lại bằng cây quế. Bà Minh chia sẻ: Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình tôi có điều kiện nuôi con ăn học và đầu tư trồng rừng tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, kinh tế từng bước ổn định...

Gia đình anh Liểu Văn Quyền (ở xóm Suối Lửa, xã Tân Thành, Phú Bình) cũng là một trong những hộ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH. Năm 2018, gia đình anh vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ cận nghèo để đầu tư nuôi lợn. Với sự cố gắng, chăm chỉ làm ăn, kinh tế gia đình anh Quyền dần được vực dậy.

Năm 2021, anh đã hoàn trả được đầy đủ vốn vay khi đến hạn và tiếp tục vay chương trình hộ cận nghèo với mức 50 triệu đồng để đầu tư nuôi 1 cặp trâu. 3 năm qua, từ số tiền bán nghé cộng thêm làm rừng, gia đình anh đã có thu nhập ổn định để nuôi 2 đứa con ăn học.

Anh Quyền tâm sự: Tôi sẽ tiếp tục sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, trả lãi đầy đủ hằng tháng và hoàn trả gốc cho NHCSXH đúng hạn.

Trên đây chỉ là hai trường hợp trong số gần 113.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn tỉnh được vay vốn chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH kể từ khi Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội" đi vào cuộc sống.

Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Định Hóa giải ngân vốn tạo việc làm cho lao động tại xã Kim Phượng.
Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Định Hóa giải ngân vốn tạo việc làm cho lao động tại xã Kim Phượng.

Ngoài ra, NHCSXH tỉnh còn cho vay 19 chương trình tín dụng, bao gồm: Học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn; giải quyết việc làm; hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và một số chương trình cho vay khác. Tổng dư nợ đến thời điểm ngày 31/10/2024 đạt trên 4.900 tỷ đồng, với hơn 111.800 khách hàng dư nợ.

Giai đoạn 2014-2024, toàn tỉnh có trên 307.000 lượt hộ được vay vốn ưu đãi, trong đó trên 112.800 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hơn 29.100 lao động có việc làm ổn định; xây dựng hơn 192.400 công trình cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; hơn 10.400 học sinh, sinh viên vay vốn trang trải chi phí học tập; hơn 2.000 căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách; gần 40.000 lượt hộ ở vùng khó khăn được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh…

Kết quả đó góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng nhiều mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập. Đồng thời làm quen dần với việc vay, trả nợ ngân hàng, từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thời gian tới, NHCSXH tỉnh tranh thủ nguồn vốn phân bổ từ Trung ương, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác và các nguồn lực tài chính xã hội để mở rộng cho vay, đáp ứng tốt nhu cầu vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần giảm nghèo và nâng cao đời sống người dân.

Tiếp tục phối hợp với chính quyền các cấp, tổ chức hội, đoàn thể, tổ tiết kiệm và vay vốn để định hướng, tư vấn cho các hộ gia đình về phương án phát triển sản xuất, kinh doanh trước khi vay vốn; tăng cường giám sát, giúp đỡ, đôn đốc các hộ sử dụng vốn vay đúng mục đích và hiệu quả.

Rà soát các hộ có nhu cầu vay vốn, trên cơ sở đó đề nghị cấp trên bổ sung vốn các chương trình tín dụng phù hợp với đặc thù địa phương để hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống và thoát nghèo bền vững... 



Website https://creditcard.com.vn Chia sẻ kiến thức thẻ tín dụng