Cuộc sống đổi mới, tư duy đổi mới, cùng với chủ trương về mở rộng không gian phát triển đô thị trên địa bàn huyện Phú Lương đã mang lại cho xã Phấn Mễ diện mạo mới, hiện đại hơn. Và nay, người dân Phấn Mễ đã chính thức trở thành công dân thị trấn Đu và thị trấn Giang Tiên.
Xóm Làng Mai trước ngày trở thành tổ dân phố thuộc thị trấn Đu (Phú Lương). |
Nằm dọc Quốc lộ 3, giữa hai thị trấn Đu và Giang Tiên, bao năm qua, đời sống của hơn một vạn dân xã Phấn Mễ mặc dù đã có nhiều đổi thay tích cực nhưng vẫn là vùng nông thôn kề bên hai thị trấn.
Bà Đào Thị Chiêm, ở xóm Bò 1, năm nay đã ngoài 80 tuổi, nhớ lại: Trước đây, cả tháng người trong xóm mới ra chợ Đu, chợ Giang Tiên một lần, vì đường đất lầy lội, mòn theo năm tháng dưới vết chân trâu…
Thế rồi cuộc sống thay đổi, nếp sống, nếp nghĩ của mọi người từ khi địa phương xây dựng thành công nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, rồi nông thôn mới kiểu mẫu, những thứ vốn thuộc về thôn quê cũng dần thay đổi.
Trước đây, cả xóm chỉ có 1-2 hộ khá giả sắm được ti vi, đài cát-sét. Vậy mà giờ đây, hầu như mọi nhà đều có các phương tiện nghe nhìn hiện đại. Nhiều nhà còn sắm được cả ô tô. Rồi đường làng, ngõ xóm được “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã hết cảnh đường đất ngập ngụa, lầy lội.
Đường bê tông nâng cấp từ rộng 3 lên 6m, thậm chí có chỗ làm 8m phẳng lỳ, rộng rãi, điện sáng đến các ngõ. Đồng ruộng cũng theo đó mà đổi thay, trâu cày được thay bằng máy, gặt đập nay cũng bằng máy… thật sự là làng đã thành phố.
Từ năm 2020 đến nay, Phấn Mễ đã đầu tư xây dựng trên 12km đường giao thông, với tổng mức đầu tư trên 8,5 tỷ đồng. Đến nay, trên địa bàn có 7 trục đường liên huyện, liên xã và 100% trục đường liên xóm, đường xóm được cứng hóa. Mạng lưới giao thông kết nối phát triển, thúc đẩy giao thương và định hình quy hoạch đồng bộ giữa dân cư với hệ thống thương mại, dịch vụ.
Đến trước thời điểm nhập về hai thị trấn, xã có trên 400 cơ sở sản xuất - kinh doanh (tăng 80 cơ sở so với năm 2020). Các ngành nghề kinh doanh đa dạng, như: dịch vụ ăn uống, tạp hóa, thời trang, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, cơ khí… Hằng năm, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn nộp ngân sách nhà nước trên 300 triệu đồng.
Thương mại - dịch vụ phát triển đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng nâng lên.
Một khu dân cư thuộc xã Phấn Mễ trước ngày được nhập về thị trấn Đu (Phú Lương). |
Ngay trước ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có hiệu lực (1/12/2024), ông Lý Quảng Nam, Bí thư Đảng ủy xã Phấn Mễ, hồi tưởng lại: Năm 2015, thu nhập bình quân trong xã mới đạt trên 26 triệu đồng/người/năm, đến năm 2020 tăng lên 34 triệu đồng và nay đã đạt hơn 60 triệu đồng/người/năm.
Làng quê đổi thay và người dân rất đỗi tự hào với những thành quả đạt được, nhất là nhập vào hai thị trấn, để xóm trở thành tên gọi mới là tổ dân phố, tâm trạng ai cũng phấn khởi. Đúng vậy! Trước khi làng lên phố, một xã Phấn Mễ đã có những bước phát triển mang tính đột phá.
Việc điều chỉnh địa giới hành chính nhập 8 xóm của xã Phấn Mễ về thị trấn Đu với trên 5.000 nhân khẩu và 11 xóm với trên 6.800 nhân khẩu về thị trấn Giang Tiên là động lực thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp của huyện Phú Lương trong giai đoạn mới. Từ đó, thị trấn Đu và Giang Tiên vừa là trung tâm, vừa là điểm trung chuyển giao thương kết nối liên vùng.
Giờ đây trang sử mới đang bắt đầu với vùng đất này, khi không gian đô thị được mở rộng tạo đà cho quá trình đô thị hóa của thị trấn Đu và Giang Tiên. Những thành tựu mà Đảng bộ, nhân dân xã Phấn Mễ đạt được cũng chính là nguồn lực để chuyển hóa vùng nông thôn vươn mình lên thành thị trước những yêu cầu phát triển mới.
Dẫu tên làng, tên xóm không nhiều đổi thay, nhưng Phấn Mễ đã thuộc về lịch sử và làng đã chính thức lên phố trước ngưỡng cửa của một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình cùng đất nước.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin