Chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu trong Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nắm bắt xu thế này, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đồng Hỷ chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác hội và phong trào phụ nữ, giúp các cán bộ, hội viên bắt nhịp với công nghệ số, chuyển đổi số.
Cán bộ, hội viên phụ nữ xã Hóa Trung (Đồng Hỷ) thực hành tạo lập và quét mã QR tài liệu trên thiết bị di động. |
Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII với khâu đột phá “Đổi mới phương thức hoạt động hội, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin”, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đồng Hỷ đã chỉ đạo các cơ sở hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), CĐS trong đời sống, công việc. Từ đó góp phần nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác hội và phong trào phụ nữ.
Một trong những ứng dụng CNTT hiệu quả của Hội LHPN huyện Đồng Hỷ là triển khai “Phần mềm quản lý cán bộ, hội viên” của Hội LHPN Việt Nam. Huyện hội tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn cho các cán bộ ở 15 xã, thị trấn thực hành trực tiếp với phần mềm.
Đến nay, 100% cơ sở hội đã sử dụng thành thạo phần mềm, góp phần cập nhật, quản lý dữ liệu về hội viên đảm bảo đầy đủ, kịp thời, chính xác, khoa học.
Cùng với đó, Hội LHPN huyện chú trọng thực hiện tốt việc khai thác văn bản chỉ đạo, điều hành và trao đổi thông tin trên hệ thống văn bản điện tử của huyện; các cấp hội thực hiện gửi, nhận văn bản trên môi trường mạng, giúp làm việc khoa học và hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó,100% hội LHPN cấp cơ sở được trang bị máy tính có kết nối mạng, báo cáo các hội nghị từ huyện đến cơ sở đều được phản ánh bằng hình ảnh, video, tạo sức hấp dẫn, thu hút người xem.
Cũng nhờ ứng dụng hiệu quả CĐS, cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Đồng Hỷ có thêm điều kiện tham dự các hội nghị, cuộc thi do các cấp, ngành tổ chức.
Điển hình như tham gia Hội thi “Ứng dụng CNTT trong tổ chức sinh hoạt hội” năm 2024 do Hội LHPN tỉnh tổ chức, Hội LHPN huyện có gần 100 ý tưởng, bài dự thi từ các cơ sở. Huyện hội tuyển chọn gửi 5 bài dự thi, trong đó đề tài “Sử dụng mã QR trong công tác hội phụ nữ” của chị Nguyễn Thị Mỹ Lệ, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Hóa Trung, giành giải Khuyến khích.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Lệ chia sẻ: Nhận thấy các cuộc họp, hội nghị của tỉnh, huyện đều có xu hướng “không giấy tờ”, tôi đã tìm hiểu kiến thức trên mạng, học hỏi từ các bạn trẻ am hiểu CNTT và đã tạo mã QR thành công. Hiện nay, khi cần truyền tải tài liệu hay đường dẫn trang chủ fanpage của Hội LHPN xã, tôi đều lập và gửi mã QR...
Nhằm phát huy vai trò của cán bộ, hội viên phụ nữ trong thực hiện CĐS, Hội LHPN đã huy động 148 cán bộ cơ sở hội tham gia 143 tổ công nghệ số cộng đồng, tuyên truyền hỗ trợ người dân cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử; sử dụng thành thạo các phần mềm tiện ích...
Cùng với đó, Hội LHPN huyện đã ra mắt trang facebook “Phụ nữ Đồng Hỷ khỏe đẹp, hạnh phúc” và “Hội LHPN huyện Đồng Hỷ” thu hút trên 1,8 nghìn lượt người theo dõi; 15/15 hội xã, thị trấn đều lập trang facebook và nhóm zalo riêng.
Các trang hội nhóm nêu trên không chỉ tuyên truyền kịp thời, chính xác những vấn đề thời sự trong và ngoài tỉnh mà còn cập nhật thông tin, hình ảnh, các hoạt động thường nhật của hội; giúp các hội viên, phụ nữ dễ dàng tiếp cận, chia sẻ thông tin hữu ích, lan tỏa các các tấm gương điển hình, đẩy mạnh các phong trào chung của địa phương.
Đến nay, hội phụ nữ cơ sở đã xây dựng được 35 mô hình tập hợp thu hút hội viên; tỷ lệ thu hút hội viên trên địa bàn dân cư đạt 91,5%. Hằng năm, 17/17 cơ sở hội xã, thị trấn và đơn vị công an, quân đội đều được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó 20% đạt xuất sắc.
Bên cạnh đó, xác định CĐS sẽ mở ra nhiều cơ hội cho hội viên phụ nữ khởi nghiệp, nâng cao thu nhập, Hội LHPN huyện đã tổ chức 4 lớp tập huấn ứng dụng CNTT, hướng dẫn hội viên phụ nữ thực hiện thanh toán điện tử giao dịch tại chợ 4.0; cài đặt và sử dụng các ứng dụng điện tử của tỉnh, huyện, của hội; đưa các sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại và nền tảng mạng xã hội...
Hội viên phụ nữ xã Minh Lập (Đồng Hỷ) sử dụng công nghệ để lan tỏa hình ảnh Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp. |
Đến nay, toàn huyện có 7 hợp tác xã (HTX), 18 tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ thì tất cả các chị em đều thành thạo ứng dụng CNTT trong bán hàng, quảng bá sản phẩm.
Điển hình như chị Nguyễn Thị Bình, Giám đốc HTX nông nghiệp và dược liệu Thiên Phúc, ở xã Minh Lập. Chị Bình không chỉ lan tỏa sản phẩm của HTX mình qua các kênh facebook, tiktok cá nhân mà còn là thủ lĩnh phụ trách điều hành team “Tôi yêu nông sản Thái Nguyên”, phối hợp tổ chức được 25 chương trình livestream giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của tỉnh trên nền tảng số. "Bán hàng trực tuyến đã giúp HTX tăng đơn hàng và doanh thu từ 15-25% so với truyền thống" - chị cho biết: .
Chị Nguyễn Thị Hoài Linh, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Đồng Hỷ, đánh giá: Từ thực tế có thể thấy CĐS là xu thế tất yếu, đem lại nhiều hữu ích. Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ số cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ phụ nữ dễ bị lừa đảo, quấy rối, bị lợi dụng... Vì vậy, Hội LHPN huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh tập huấn, nâng cao kỹ năng số cho hội viên, phụ nữ; triển khai các mô hình “An toàn cho phụ nữ, trẻ em trên không gian mạng”; đồng thời tuyên dương những cá nhân, tập thể điển hình trong công tác CĐS, ứng dụng CNTT...
Việc đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong công tác hội góp phần giúp Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đồng Hỷ hoàn thành 4/8 và hoàn thành vượt mức 4/8 chỉ tiêu nghị quyết nửa nhiệm kỳ đại hội đại biểu phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đề ra. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đồng Hỷ huyện hiện có trên 20.760 hội viên, sinh hoạt tại 17 cơ sở hội; tỷ lệ thu hút hội viên đạt trên 60%. 100% các chi, tổ hội có lực lượng nòng cốt; 100% các cơ sở hội đạt vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên... |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin