Nhằm cung cấp bằng chứng khoa học cho việc đánh giá tần suất sử dụng và nhu cầu cai nghiện của bệnh nhân có sử dụng thuốc lá, đồng thời có cơ sở định hướng lựa chọn xây dựng mô hình tư vấn hỗ trợ và điều trị cai nghiện thuốc lá trên địa bàn tỉnh, nhóm nghiên cứu gồm các cán bộ của Trung tâm Kiểm sát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành thu thập thông tin, dữ liệu. Từ đó, phân tích thực trạng sử dụng và nhu cầu cai nghiện của bệnh nhân hút thuốc lá mắc bệnh nội khoa tại một số bệnh viện tuyến tỉnh trên địa bàn tỉnh.
Nhóm nghiên cứu tư vấn, thu thập thông tin từ bệnh nhân hút thuốc lá mắc bệnh nội khoa tại bệnh viện tuyến tỉnh trên địa bàn. |
Qua thu thập thông tin từ 7.000 phiếu sàng lọc và 1.400 bệnh nhân nam sinh sống trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, mắc các bệnh nội khoa đang điều trị tại 4 bệnh viện tuyến tỉnh (Bệnh viện A, Bệnh viện C, Bệnh viện Phổi Thái Nguyên, Bệnh viện Gang Thép), nhóm nghiên cứu đã mô tả thực trạng sử dụng thuốc lá của bệnh nhân hút thuốc lá mắc bệnh nội khoa; nhu cầu cai nghiện thuốc lá của bệnh nhân hút thuốc lá mắc bệnh nội khoa tại 4 bệnh viện.
Từ những thông tin thu thập được cho thấy, phần lớn bệnh nhân sử dụng thuốc lá lâu năm - đối tượng nghiên cứu đều mắc các bệnh mạn tính, thời gian điều trị tại bệnh viện kéo dài và số lần điều trị trong năm khá nhiều. Đa số bệnh nhân nghiện thuốc lá trên 20 năm, mức độ phụ thuộc Nicotine nặng ảnh hưởng đến khả năng cai thuốc kém.
Nhóm tuổi có bệnh nhân hút thuốc lá cao, chiếm 25,5% (từ 45-54 tuổi) và 22,8% (nhóm 55-64 tuổi). Người hút thuốc lá sử dụng thuốc lá điếu chiếm 88,3%, có 43,4% sử dụng thuốc lào và một số ít sử dụng thuốc lá điện tử, shisa. Số điếu hút trung bình/ngày: 6-9 điếu (53%); 10-19 điếu (26,6%); trên 20 điếu (11,8%) và 1-5 điếu (8,6%).
Hầu hết các bệnh nhân cũng nhận thấy rằng việc sử dụng thuốc lá là nguyên nhân dẫn đến một số bệnh tim mạch, ung thư, bệnh hô hấp mãn tính và bệnh đường tiêu hóa. Trước thực tế hút thuốc lá có hại đối với sức khỏe, họ có nhu cầu cai nghiện thuốc lá. Tuy nhiên, biện pháp chủ yếu là tự cai tại cộng đồng.
Cán bộ của Trung tâm Kiểm sát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên thu thập thông tin, dữ liệu từ cán bộ, bác sỹ bệnh viện. |
Một số ít bệnh nhân nhờ tư vấn tổng đài hỗ trợ và sử dụng thuốc hỗ trợ trong thời gian vừa qua tỷ lệ thành công không cao. Hầu hết các bệnh nhân sẵn sàng cho hoạt động tư vấn cai nghiện thuốc lá tại bệnh viện, khi được hỗ trợ về nguồn lực và tư vấn chuyên sâu của bác sĩ.
Theo ông Nguyễn Ngọc Minh, thành viên của nhóm nghiên cứu: Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Ban chỉ đạo Chương trình Phòng, chống tác hại của thuốc lá thành lập từ năm 2010 và được kiện toàn hằng năm. Dưới sự hỗ trợ từ Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá, tỉnh Thái Nguyên tăng cường các hoạt động truyền thông về Luật phòng, chống tác hại thuốc lá; tăng cường thực thi quy định về môi trường không khói thuốc tại cơ quan đơn vị, tuyên truyền giáo dục sức khỏe nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá... Tuy nhiên, trong những năm qua, công tác tư vấn, hỗ trợ điều trị cai nghiện chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, đặc biệt là việc tư vấn hỗ trơ điều trị cai nghiện thuốc lá tại các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của tỉnh....
Trước thực tế trên, các bệnh viện cần tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe và tư vấn cai nghiện thuốc lá cho bệnh nhân nhằm giảm bớt tác hại của thuốc lá tới bệnh nhân, đồng thời nâng cao hiệu quả điều trị; thực hiện các biện pháp truyền thông giáo dục sức khỏe nhằm tư vấn cai nghiện thuốc lá dưới nhiều hình thức; trong đó có tư vấn trực tiếp và tư vấn qua tổng đài.
Đặc biệt, cần ưu tiên triển khai mô hình tư vấn tại bệnh viện tuyến tỉnh; huy động các nguồn lực triển khai xây dựng mô hình phòng tư vấn và hỗ trợ điều trị người nghiện thuốc lá cai nghiện; tăng cường bác sĩ tư vấn chuyên sâu đối với bệnh nhân và người sử dụng thuốc lá có nhu cầu cai nghiện. Các bệnh viện cần xây dựng môi trường không khói thuốc để đem đến cơ hội tốt cho những người hút thuốc cố gắng cai thuốc và bảo vệ bệnh nhân, cùng những người liên quan khỏi nguy cơ phơi nhiễm khói thuốc...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin