Hút thuốc lá là thói quen có hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Mặc dù nhiều người biết tác hại của hút thuốc lá, nhưng việc bỏ thuốc lá không dễ dàng. Phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ, bác sĩ Vi Trần Doanh, Giám đốc Trung tâm Ung bướu (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) về quá trình cai nghiện thuốc lá tại cộng đồng.
Tiến sĩ, bác sĩ Vi Trần Doanh, Giám đốc Trung tâm Ung bướu (Bệnh viện Tung ương Thái Nguyên). |
P.V: Thưa Tiến sĩ, bác sĩ (TS. BS) Vi Trần Doanh, xin ông cho biết lợi ích cơ bản của việc bỏ thuốc lá?
TS. BS Vi Trần Doanh: Thuốc lá đã trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe con người, đặc biệt là giới trẻ. Trước những tác hại khôn lường do thuốc lá gây ra, để bảo vệ sức khỏe của mình, người thân và cộng đồng, những người hút và nghiện thuốc lá nên bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt.
Những lợi ích của việc bỏ thuốc bắt đầu ít nhất 1 giờ sau điếu thuốc cuối cùng và sau mỗi năm không hút thuốc, sẽ giảm nguy cơ gây nên bệnh tật và cải thiện sức khỏe tổng thể. Lợi ích khi bỏ thuốc lá đầu tiên phải kể đến là: Giảm độc hại tích tụ trong cơ thể và tăng cường khả năng tuần hoàn máu lên não và các bộ phận khác trong cơ thể; giúp ăn ngon miệng, cải thiện trí nhớ, cải thiện thị lực, hạn chế rụng tóc, bạc tóc...
Tiếp theo là giảm chi phí hằng năm và những khoản chi phí khác liên quan đến bệnh tật; làm tăng tính sáng tạo và từ bỏ nhiều thói quen xấu khác, như ngồi lỳ trước màn hình hàng giờ, bỏ thói quen thức khuya, dậy muộn, lười tắm giặt... Tại công sở hay những nơi công cộng, bỏ thuốc lá giúp môi trường trong sạch; đồng nghiệp và những người xung quanh không bị hít phải khói thuốc;
Khi bỏ thuốc giấc ngủ sẽ sâu hơn, không bị gián đoạn bởi hiện tượng “đói nicotin”. Bỏ thuốc lá cũng giảm thiểu rủi ro mắc các bệnh về phổi, tim mạch, đột quỵ, các bệnh liên quan đến thần kinh mãn tính và những căn bệnh nan y như: ung thư phổi, khoang miệng, ung thư vú, bàng quang…, và nhiều căn bệnh khác liên quan đến khói thuốc.
Tiến sĩ, bác sĩ Vi Trần khám và tư vấn cho bệnh nhân về phòng, chống tác hại của thuốc lá. |
P.V: Từ những lợi ích của việc bỏ thuốc, xin ông chia sẻ, hướng dẫn người nghiện thuốc lá phương pháp cai nghiện thành công tại cộng đồng?
TS. BS Vi Trần Doanh: Thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong toàn cầu. Ai cũng biết hút thuốc lá có hại cho sức khỏe, nhưng không phải ai cũng dễ dàng từ bỏ việc hút thuốc lá, vì trong thành phần của khói thuốc có chứa nicotin là chất gây nghiện, nó tác động lên não và tạo ra cảm giác sảng khoái, tâm trạng vui vẻ...
Để cai thuốc lá thành công, thứ nhất, người hút thuốc lá cần lên kế hoạch bỏ thuốc và cam kết với bản thân, lường trước những khó khăn của việc cai thuốc lá để từ bỏ thói quen xấu hiệu quả. Việc lên kế hoạch cụ thể ít nhất 6 tháng, chia cường độ sử dụng thuốc giảm dần theo từng tháng để cơ thể dễ dàng thích nghi và quyết tâm giảm dần đến khi mỗi ngày không hút điếu thuốc nào.
Thứ hai, cần viết ra những lý do để bỏ hút thuốc, chẳng hạn: Hút thuốc lá gây hại cho sức khỏe bản thân và người xung quanh, là một trong những nguyên nhân gây ung thư; tổn hại kinh tế gia đình...
Thứ ba, ghi lại thời điểm hút thuốc, tại sao hút thuốc và mình làm gì khi hút thuốc, để hiểu rõ những gì kích thích mình hút thuốc.
Thứ tư, lập danh sách việc bạn có thể làm và sẵn sàng làm những việc khác thay vì hút thuốc, ví dụ như: Chơi thể thao, tập yoga, đọc báo, xem ti vi, tham gia các hoạt động lành mạnh…
Thứ năm, hỏi bác sĩ về việc sử dụng thuốc hoặc miếng dán nicotine, không được tự ý dùng bất kỳ loại thuốc nào, bởi một số loại thuốc giúp cai thuốc lá có tác dụng phụ làm thay đổi hành vi, gây kích động, stress....
Thứ sáu, khi thèm thuốc trở lại, hãy hít một hơi thật sâu, giữ nó trong tối đa 10 giây và thở ra từ từ, lặp lại nhiều lần cho đến khi ham muốn hút thuốc qua đi.
Tuy nhiên, giảm hút thuốc dần đến cai được thuốc là một quá trình khó khăn với nhiều người, người cai nghiện thuốc lá trải qua những giai đoạn quan trọng: Buổi sáng sau khi tỉnh giấc, rồi sau 72 giờ để giảm lượng nicotine. Sau đó là 14 ngày để phục hồi cơ thể và 48 ngày để chấm dứt và cải thiện thói quen, 90 ngày để có thể ngủ mà không nghĩ tới hút thuốc. Khi người cai thuốc hiểu rõ quá trình này và nỗ lực, quyết tâm đến đích của từng giai đoạn sẽ giúp việc bỏ thuốc lá thành công.
Trường THCS Tiên Phong (TP. Phổ Yên) tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá. |
P.V: Để người cai nghiện thuốc lá không tái nghiện, theo ông phải làm gì?
TS. BS Vi Trần Doanh: Khi bỏ thuốc lá, người ta thường gặp phải hội chứng cai thuốc lá hay cơn thèm thuốc, điều này thường khiến họ quay lại sử dụng thuốc lá. Người cai thuốc thường gặp các hội chứng mệt mỏi, căng thẳng, bứt rứt, khó chịu, lo âu, dễ bị kích động, khó ngủ, mất tập trung, giảm nhịp tim... Bởi vậy, cần phải học cách đối phó với các triệu chứng đó.
Để bỏ thuốc lá hoàn toàn, tránh tái nghiện, người cai thuốc lá cần kiên trì và quyết tâm cao độ, tránh những nơi, những việc có thể làm hút thuốc lá trở lại, không đi ngang qua hoặc lướt qua nơi có quầy thuốc lá vẫn thường mua; từ chối dứt khoát lời mời của mọi người. Bên cạnh đó, cần sự hỗ trợ, động viên của người thân trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp để người cai không hút thuốc lá trở lại.
Đặc biệt, cần biết các tình huống dễ tái nghiện để tránh xa: Phản xạ có điều kiện (khi uống rượu, cà phê); yếu tố kích thích từ bên ngoài (người khác mời, thấy người khác hút, ngửi thấy mùi thuốc lá...); rối loạn tâm thần kinh khi cai thuốc lá (trầm cảm, lo âu...); tăng cân do cai thuốc...
P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin