Chuyện về Anh hùng Dương Thanh Việt

Minh Khôi 18:15, 19/12/2024

Liệt sĩ Dương Thanh Việt sinh năm 1933 (quê ở xóm Núi, xã Xuân Phương, Phú Bình), nguyên là trinh sát hình sự Công an Hà Nội, cán bộ an ninh tỉnh Bình Phước. Ông đã anh dũng chiến đấu, hy sinh năm 1968, là tấm gương sáng vì nước quên thân, sẵn sàng nhường lại sự sống cho đồng đội. Năm 2012, ông được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vì có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Anh Dương Nghĩa Trung (bên trái, con trai liệt sĩ Dương Thanh Việt) giới thiệu những hình ảnh, kỷ vật về người cha thân yêu của mình.
Anh Dương Nghĩa Trung (bên trái, con trai liệt sĩ Dương Thanh Việt) giới thiệu những hình ảnh, kỷ vật về người cha thân yêu của mình.

Gần đến Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12), chúng tôi tìm về gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân, Liệt sĩ Dương Thanh Việt ở xóm Núi, xã Xuân Phương (Phú Bình). Anh Dương Nghĩa Trung, con trai Liệt sĩ Dương Thanh Việt, xúc động kể: Cha hy sinh khi tôi mới 4 tuổi nên tôi chỉ biết qua câu chuyện của mẹ, người thân và những người đồng nghiệp của cha.

Anh hùng LLVT nhân dân, Liệt sĩ Dương Thanh Việt là con thứ 4 trong một gia đình có truyền thống yêu nước (nhà có 6 anh chị em). Năm 1952, ông xây dựng gia đình với người bạn đời cùng tuổi, cùng làng. Sau đó một năm, ông tham gia Khóa 1, Trường Đào tạo Công an tại tỉnh Tuyên Quang.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc, ông về nhận công tác tại Công an Hà Nội. Trong những năm tháng chống Pháp, chồng tham gia học tập, phục vụ kháng chiến, vợ cũng tích cực tham gia dân công hỏa tuyến. Thành thử, hai vợ chồng mới cưới đành gác lại hạnh phúc riêng để lên đường chiến đấu.

Năm 1960, ông vinh dự là một trong những chiến sĩ Công an được tham gia bảo vệ Đoàn công tác của Trung ương do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu về thăm tỉnh Thái Nguyên. Đây cũng là năm vợ chồng ông đón niềm vui mới khi con gái đầu lòng chào đời. Tuy nhiên, ông cũng chỉ được ở nhà với con gái ít ngày rồi lại lên đường thực hiện nhiệm vụ. Năm 1964, vợ chồng ông sinh thêm cậu con trai.

Tháng 4-1965, ông Việt được điều động đi chiến trường B. Từ năm 1966 đến 1968, ông là cán bộ an ninh, là Đội phó Đội Mũi công tác ấp chiến lược 1 và 2 thuộc đồn điền cao su Phước Thiện, xã Phước Lục, quận Bố Đức (nay là huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước).

Thực hiện chủ trương lúc bấy giờ là vừa đánh địch, vừa ra sức xây dựng thực lực cách mạng, vận động nhân dân tiếp tục phá ấp chiến lược, xây dựng làng xã chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng; tích cực động viên thanh niên tòng quân, ông Việt đã cùng các chiến sĩ vận động quần chúng nhân dân giác ngộ cách mạng, xây dựng thành cơ sở nằm vùng trong ấp chiến lược.

Đêm 24/3/1968, thực hiện lệnh tổng tấn công đợt 2, Mậu Thân 1968, Đội Mũi công tác do ông Việt chỉ đạo được giao nhiệm vụ vào ấp chiến lược rải truyền đơn, treo cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng trong ấp. Sáng ra bìa rừng cao su phục kích chờ địch hành quân xuống thu nhặt truyền đơn và cờ của ta thì sẽ đón đánh.

Nhưng rồi tình huống bất ngờ xảy ra. Địch không lọt vào ổ phục kích mà đi luồn rừng vòng phía sau lưng tấn công đội hình của ta. Hai bên đối đầu và nổ súng quyết liệt. Ông Việt bị thương vào chân, máu chảy lênh láng không thể đi lại. Trong lúc địch tập trung hỏa lực vào đội hình của ta, đồng đội quyết định cõng ông thoát khỏi vòng vây. Biết mình bị thương nặng không thể đi lại được, nếu để anh em cõng thì không còn người bắn yểm trợ chặn đánh địch, toàn đội không tránh khỏi thương vong thêm. Vì thế ông nén cơn đau, ra lệnh toàn đội tập trung đạn cho mình, còn lại anh em vượt vòng vây.

Có đủ đạn, ông Việt ở lại nhằm thẳng vào đội hình địch bắn xối xả yểm trợ cho toàn đội nhanh chóng vượt khỏi vòng vây một cách an toàn. Cuộc chiến đấu không cân sức kéo dài hàng giờ đồng hồ, một mình chống chọi với cả trung đội địch, phải nghiến răng chịu đựng cơn đau. Bọn địch tuy đông, thế mạnh nhưng không dám xông lên mà ở đằng xa kêu gọi ông Việt đầu hàng. Cứ mỗi lần chúng kêu gọi, ông đáp trả bằng một loạt súng cho tới khi bị một viên đạn bắn trúng và anh dũng hy sinh...

Trong ký ức của đồng đội và nhân dân, ông Việt luôn là người sống hòa đồng, tình cảm, quyết đoán, được Chi bộ tín nhiệm bầu làm Bí thư từ 1966-1968. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, ông luôn nêu cao khí phách của người cộng sản kiên trung, tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí, lập nhiều thành tích xuất sắc, sẵn sàng chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Năm 2012, Liệt sĩ Dương Thanh Việt được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trong ảnh: Anh Dương Nghĩa Trung (con trai Liệt sĩ) đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân mà người cha được truy tặng.
Năm 2012, Liệt sĩ Dương Thanh Việt được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trong ảnh: Anh Dương Nghĩa Trung (con trai Liệt sĩ) đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân mà người cha được truy tặng.

Những chiến công và sự hy sinh của ông Dương Thanh Việt đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của quân và dân ta trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Với những đóng góp to lớn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Ba...

Đặc biệt, ngày 17/8/2012, ông được Chủ tịch nước truy tặng Danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân vì có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Anh Trung dành nhiều thời gian kể cho chúng tôi về chuyến đi ý nghĩa vào miền Nam thăm lại chiến trường xưa - nơi người cha yêu quý của anh đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Ngày 10/12/2012, anh cùng người anh rể vào miền Nam dự Lễ trao tặng và đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ, trong đó có Liệt sĩ Dương Thanh Việt.

Anh Trung kể: Khi đặt chân xuống sân bay, tôi vỡ òa hạnh phúc trước sự đón tiếp của những đồng đội của cha năm xưa. Nhiều người mái tóc đã bạc trắng nhưng họ vẫn nhớ và kể lại bằng tình cảm trân trọng yêu mến khiến tôi cảm thấy thật tự hào. Gia đình tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước vì đã quan tâm và ghi nhận xứng đáng thành tích của cha tôi.

Anh có 4 ngày được đồng đội, đồng nghiệp của cha đưa đi thăm lại chiến trường xưa nơi ông đã chiến đấu và hy sinh. Anh Trung luôn ao ước được tìm thấy phần mộ của cha mình. Nhưng thời gian đã bào mòn tất cả, mảnh đất nơi ông Việt hy sinh nay đã khác xưa nhiều, những phần mộ chôn cất ở đây không còn dấu tích.

Trải qua năm tháng, đất nước hòa bình, mảnh đất nơi ông Việt ngã xuống nay được xây dựng một ngôi trường học mới râm ran tiếng trẻ thơ.

Anh Trung gói gém một phần đất đúng nơi cha đã hy sinh, cẩn thận mang về với đất mẹ Xuân Phương (Phú Bình)...