Cùng phụ nữ thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Thu Hà 07:14, 19/12/2024

Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” là một trong 10 dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tại Thái Nguyên, qua 4 năm triển khai, Dự án 8 không chỉ góp phần nâng cao nhận thức, xóa bỏ định kiến giới mà còn thúc đẩy việc chăm lo đời sống, giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Nhiều chị em tham gia buổi truyền thông cộng đồng về bình đẳng giới do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức.
Nhiều chị em tham gia buổi truyền thông cộng đồng về bình đẳng giới do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức.

Là Tổ trưởng Tổ truyền thông cộng đồng xóm Chòi Hồng, xã Tràng Xá (Võ Nhai), chị Dương Thị Công, dân tộc Mông, Bí thư Chi bộ, người có uy tín của xóm, đã trở thành chỗ dựa cho những chị em gặp phải khó khăn trong cuộc sống. Từ chuyện gia đình, công việc cho đến những vấn đề thầm kín của phụ nữ, chị đều cởi mở, thân tình, lắng nghe chia sẻ giúp chị em tự tin giải quyết vấn đề của mình.

Chị Công cho biết: Trước đây, mỗi khi gia đình có mâu thuẫn, chị em dân tộc Mông trong xóm thường âm thầm buồn khổ chứ ít khi chia sẻ. Hiểu rõ điều đó, tôi đã gần gũi để chị em mở lòng tâm sự, rồi tìm cách hòa giải, hàn gắn cho các đôi vợ chồng. Ngoài ra, với đặc thù các hộ dân sinh sống thưa thớt, Tổ truyền thông chúng tôi đã chia thành nhóm nhỏ đến tận các chòm để vận động bà con, đồng thời tuyên truyền trực tiếp tại các cuộc họp xóm, để bà con hiểu pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới và kỹ năng phòng, chống bạo lực…

Cùng với chị Công, thực hiện Dự án 8, tỉnh Thái Nguyên đã có gần 2 nghìn thành viên thuộc các tổ truyền thông cộng đồng hoạt động hiệu quả. Các thành viên với sự gần gũi nhiệt tình đã kịp thời hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái vùng dân tộc thiểu số trong các vấn đề bình đẳng giới.

Song song với đó, Dự án 8 còn có hoạt động đạt hiệu quả cao là các chiến dịch truyền thông tại cộng đồng. Các buổi truyền thông không chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin mà còn kết hợp với các hoạt động thực tế như: Tọa đàm, trò chơi may mắn, vẽ tranh tuyên truyền về bình đẳng giới…

Những nội dung tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ, trẻ em gái và xóa bỏ những tập tục văn hóa có hại… cũng được lồng ghép trong các buổi truyền thông. Nhờ vậy, nhận thức của người dân về bình đẳng giới ngày càng được nâng cao.

Qua triển khai Dự án 8, nhiều cặp vợ chồng người dân tộc Mông ở xóm Lân Quan (xã Tân Long, Đồng Hỷ) đã chia sẻ nhiều hơn với nhau trong công việc gia đình.
Qua triển khai Dự án 8, nhiều cặp vợ chồng người dân tộc Mông ở xóm Lân Quan (xã Tân Long, Đồng Hỷ) đã chia sẻ nhiều hơn với nhau trong công việc gia đình.

Sau 4 năm triển khai Dự án 8, các hoạt động đã được người dân đón nhận, thực hiện tại cộng đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 206 tổ truyền thông cộng đồng, với gần 2.000 thành viên thường xuyên tham gia. Xây dựng được 9 mô hình sinh kế ứng dụng công nghệ 4.0 để thúc đẩy phát triển kinh tế vùng khó khăn.

Các cấp hội cũng củng cố và thành lập mới 192 mô hình địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, xây dựng được 37 câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi, với gần 1.000 trẻ em tham gia.

Ngoài ra, các cấp hội còn tổ chức 36 hội nghị đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn bản, với trên 3.000 người tham dự. Đồng thời,tích cực tổ chức các hoạt động tập huấn, nâng cao năng lực kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho 275 trưởng xóm, già làng, trưởng bản, người có uy tín và tổ chức 29 lớp tập huấn nâng cao chất lượng các mô hình của Dự án 8 cho trên 600 lượt người tham gia…

Bà Phạm Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: Trong thời gian tới, các cấp hội LHPN sẽ tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác tham mưu với Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia, Ban điều hành dự án 8 để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra. Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp triển khai các nội dung, hoạt động của Dự án ở các cấp với phương châm hướng về cơ sở để nắm tình hình, phát hiện những vấn đề bất bình đẳng giới, những hủ tục để có những giải pháp tuyên truyền nhằm thay đổi hành vi, nếp nghĩ không còn phù hợp; đẩy mạnh các hoạt động hướng dẫn, chia sẻ những kinh nghiệm vận hành các mô hình cốt lõi của Dự án.

Việc tiếp tục duy trì và mở rộng các mô hình thành công sẽ đóng góp vai trò then chốt trong việc thực hiện bình đẳng giới trong thời gian tới. Qua đó từng bước giúp chị em vươn lên khẳng định vị thế, vai trò của mình trong gia đình và xã hội.