Đổi mới chương trình đào tạo; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề; đầu tư cơ sở vật chất; mở rộng hợp tác, liên kết đào tạo nghề được coi là khâu đột phá cơ bản của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trong thời hội nhập quốc tế.
Trong thời gian học tập, nhiều học sinh, sinh viên được tiếp cận với chuyên gia người nước ngoài. |
“Thực học, thực hành”
Thời công nghệ 4.0, thị trường lao động đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng làm việc của người lao động. Để đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng, trong đào tạo nghề, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã nhanh chóng chuyển đổi theo hướng giảm lý thuyết, tăng thực hành. Từ thiết thực, cụ thể trong đào tạo nghề, học sinh, sinh viên (HSSV) không bị mất thời gian cho những bài học không liên quan đến nghề nghiệp.
Trong những năm gần đây, các trường thực hiện rút gọn giờ học lý thuyết xuống 30%, tăng giờ học cho thực hành lên 70%. Do được thực hành thường xuyên nên đến kỳ học cuối, hầu hết HSSV đã làm được sản phẩm như những thợ lành nghề. Theo đánh giá của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Giáo dục dạy nghề có chất lượng tốt, đạt 64%, tỉnh Thái Nguyên thuộc nhóm cao trong cả nước; 94% HSSV sau tốt nghiệp đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.
Hiện, trên địa bàn tỉnh có 37 cơ sở GDNN và cơ sở có hoạt động GDNN (gồm 25 cơ sở công lập và 12 cơ sở ngoài công lập), với tổng quy mô đào tạo trình độ các cấp bình quân gần 100.000 HSSV. Trung bình hằng năm, các cơ sở GDNN thực hiện tuyển sinh hơn 40.000 người, trong đó hơn 3.000 người trình độ cao đẳng, gần 9.600 người trình độ trung cấp, gần 10.800 người trình độ sơ cấp và hơn 17.000 người đào tạo thường xuyên. Ngoài các ngành nghề phổ biến như: Điện tử công nghiệp, công nghệ ô tô, cơ khí chế tạo, công nghệ thời trang, quản trị nhà hàng, kỹ thuật chế biến món ăn…, nhiều ngành nghề được lựa chọn theo học với số lượng lớn là: Trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, vi mạch bán dẫn, kinh tế số, truyền thông số, nghệ thuật số.
Một giờ học thực hành của học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch. |
Nhóm ngành công nghệ thông tin; công nghệ kỹ thuật chiếm ưu thế trong tuyển sinh đào tạo, với trên 45% HSSV theo học các hệ cao đẳng, trung cấp. Nhóm ngành sức khỏe, dịch vụ, du lịch chiếm 15%... Nhóm ngành nghề truyền thống phục vụ cho chương trình xây dựng nông thôn mới cũng được duy trì, ưu tiên tuyển sinh, chủ yếu là trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng. Từ coi trọng “thực học, thực hành”, hệ thống GDNN tỉnh Thái Nguyên đã tạo ra được đội ngũ những người lao động mới, có tác phong công nghiệp, ý thức kỷ luật cao, có kiến thức cơ bản cũng như trình độ tay nghề, kỹ năng làm việc đáp ứng yêu cầu thị trường lao động trong nước và thế giới.
Lợi ích kép trong hợp tác đào tạo
Trong kinh tế thị trường, việc bắt tay hợp tác giữa các cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp là xu hướng tất yếu, phù hợp với sự phát triển của thời đại số; mang lại lợi ích kép cho các bên. Nhờ doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề có thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ hiện đại cho người học được trực tiếp thực hành. Ngược lại, thông qua cơ sở đào tạo nghề, doanh nghiệp tuyển dụng được nguồn nhân lực có tay nghề vững. Dù mới tốt nghiệp ra trường, song người lao động có thể vào làm việc ngay trong dây chuyền sản xuất mà doanh nghiệp không phải mất thời gian, kinh phí đào tạo lại.
Điển hình trong gắn kết đào tạo nghề là Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật, với việc ký kết, hợp tác với hơn 50 doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Riêng hợp tác đào tạo với Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên, từ gần 10 năm nay, Trường đào tạo, cung cấp từ 500-600 lao động/năm cho Công ty. Hiện, Trường đang thực hiện Chương trình hợp tác đào tạo liên thông và trao đổi sinh viên với 3 trường đại học của Hàn Quốc là: Trường Ngoại ngữ Busan; Trường Đại học Jeonju và Trường Đại học Keimyung.
Giáo viên Khoa Điện, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật (Đại học Thái Nguyên) chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy trên hệ thống điện. |
Trong hợp tác, giữa Nhà trường và các đối tác Hàn Quốc tăng cường năng lực đào tạo toàn diện, trong đó tập trung vào các hoạt động xây dựng chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế; tuyển sinh đào tạo trình độ cao đẳng; đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên dạy nghề; hỗ trợ hợp tác với các công ty, doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam và tại Hàn Quốc để giải quyết việc làm, hỗ trợ máy móc, thiết bị đào tạo. Còn Trường Cao đẳng Thái Nguyên đang thực hiện hợp tác quốc tế trong đào tạo cho người nước ngoài trình độ cao đẳng nghề công nghệ kỹ thuật điện tử truyền thống; công nghệ thông tin; quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng; dịch vụ pháp lý, chủ yếu cho con em nước bạn Lào và Campuchia.
Mỗi trường đều tự tìm cho mình một hướng hợp tác phù hợp. Ví như Trường Cao đẳng Việt Đức thực hiện đào tạo Chương trình chuyển giao từ Cộng hòa Liên bang Đức nghề cắt gọt kim loại. Đồng thời, Trường được hơn 20 doanh nghiệp hợp tác, tạo điều kiện cho HSSV năm cuối đến thực tập nghề. Còn Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch có liên kết hợp tác với hơn 30 doanh nghiệp cho HSSV thực hành kỹ năng nghề nghiệp. Với các trường: Cao đẳng nghề số I (Bộ Quốc phòng) có chương trình đào tạo nghề công nghệ ô tô với Trường Công nghệ ô tô Yokohama (Nhật Bản); Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên có hợp tác với Tập đoàn JALA Nhật Bản tuyển sinh đào tạo nhân viên điều dưỡng chất lượng cao.
Theo số liệu tổng hợp của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: Hiện có hơn 200 doanh nghiệp trong và ngoài nước ký kết hợp tác về đào tạo nghề với các cơ sở GDNN trên địa bàn của tỉnh. Các doanh nghiệp tiếp đón hơn 2.000 thực tập sinh/năm đến thực hành nghề. Các cơ sở GDNN cũng thực hiện đào tạo gần 3.000 người lao động cho doanh nghiệp/năm. Ghi nhận của các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh, hơn 60% HSSV có việc làm ngay sau khi ra trường; hơn 90% HSSV có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp.
“Thực học, thực hành”, mở rộng liên kết đào tạo đã mở ra nhiều cơ hội mới cho cơ sở GDNN, cho doanh nghiệp liên kết và HSSV. Đặc biệt sau khi được đào tạo nghề, người lao động có nhiều hơn cơ hội tìm kiếm việc làm, góp phần xóa giảm nghèo bền vững, ổn định an sinh xã hội.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin