Khẳng định vai trò của chính sách trợ giúp pháp lý đối với đời sống xã hội

Hà Phương 10:47, 04/12/2024

Năm 2024, số vụ việc được trợ giúp pháp lý tăng cả về số lượng và chất lượng. Các vụ việc trợ giúp pháp lý hiệu quả giúp đảm bảo tốt quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý; khẳng định vai trò, ý nghĩa của chính sách trợ giúp pháp lý đối với đời sống xã hội, nâng cao uy tín của hoạt động trợ giúp pháp lý trong hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước. Đó là khẳng định của Ông Vũ Văn Chính, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước của tỉnh, khi trao đổi với chúng tôi.

Một buổi truyền thông và tư vấn pháp luật cho người khuyết tật và một số đối tượng chính sách tại Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội tỉnh (ảnh chụp ngày 25/4/2024).
Một buổi truyền thông và tư vấn pháp luật cho người khuyết tật và một số đối tượng chính sách tại Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội tỉnh (ảnh chụp ngày 25/4/2024).

Ông Vũ Văn Chính cho biết, mặc dù số cán bộ, viên chức còn mỏng, song hàng loạt văn bản tham mưu, xây dựng kế hoạch trợ giúp pháp lý (TGPL) đều được Trung tâm TGPL nhà nước của tỉnh thực hiện nghiêm túc, đảm bảo hoạt động đi vào nền nếp.

Hoạt động tư vấn pháp luật và truyền thông ở cơ sở được đẩy mạnh. Đến nay, Trung tâm đã thực hiện được 40 chuyến tư vấn pháp luật; 85 điểm truyền thông, trong đó: Truyền thông tại cơ sở là 60; truyền thông nâng cao nhận thức về TGPL vùng đồng bào dân tộc thiểu số là 25 điểm.

Đơn vị đã tích cực phối hợp với đài truyền thanh các huyện, hệ thống loa truyền thanh cơ sở để tuyên truyền về TGPL, giúp người dân có điều kiện thuận lợi tiếp cận thông tin, chủ động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính bản thân mình; đồng thời nâng cao hiểu biết, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật cho người dân, nhất là các đối tượng được TGPL tại các xã thuộc vùng khó khăn.

Trung tâm cũng phối hợp với Báo Thái Nguyên để truyền thông về các câu chuyện pháp luật; lắp đặt 100 bảng thông tin TGPL ở nơi công cộng; in và cấp miễn phí 22.000 tờ gấp pháp luật cho người dân với các nội dung “Bạn và một số quy định về TGPL”.

Việc triển khai thực hiện chính sách TGPL cho người khuyết tật thuộc diện được TGPL được duy trì. Trong năm, Trung tâm đã phối hợp với Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội tỉnh, Hội Người mù TP. Phổ Yên thực hiện tư vấn pháp luật và truyền thông về TGPL cho người khuyết tật; phối hợp với Hội Người cao tuổi xã Văn Yên (Đại Từ); Hội Người cao tuổi huyện Đồng Hỷ thực hiện truyền thông về TGPL cho hội viên người cao tuổi, người cao tuổi có khó khăn về tài chính...

Người dân được trợ giúp pháp lý.
Cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh phát tài liệu cho bà con xóm Liên Phương (xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ) tại buổi tư vấn pháp luật ngày 16/4/2024.

Bên cạnh đó, Trung tâm đã phối hợp thường xuyên với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để TGPL cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; phối hợp với Ban Dân tộc tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh về chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác dân tộc và một số luật có liên quan trực tiếp đến người dân như: Luật Hôn nhân và gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống... Các quy định mới của pháp luật về TGPL được Trung tâm triển khai kịp thời, hướng dẫn tổ chức thực hiện TGPL theo đúng quy định của pháp luật.

Nhằm tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về chất lượng vụ việc TGPL, đồng thời xác định trách nhiệm, năng lực của người thực hiện TGPL, đảm bảo người được TGPL thụ hưởng dịch vụ pháp lý miễn phí với chất lượng tốt nhất, Trung tâm đã tham mưu cho Sở Tư pháp xây dựng kế hoạch đánh giá chất lượng, hiệu quả vụ việc TGPL năm 2024.

Trong năm, tính đến hết ngày 31-10, Trung tâm đã tiến hành thẩm định 595 vụ việc TGPL. Qua thẩm định đã góp phần nâng cao chất lượng TGPL, đảm bảo hồ sơ vụ việc được thiết lập khoa học, thuận tiện trong việc tra cứu, lưu trữ. Triển khai thực hiện chương trình phối hợp giữa Sở Tư pháp và Tòa án nhân dân về người thực hiện TGPL thường trực tại Tòa án nhân dân. Hằng tháng, Trung tâm xây dựng kế hoạch và phân công người trực tại Tòa án nhân dân tỉnh và Tòa án nhân dân TP. Thái Nguyên, sẵn sàng thực thi nhiệm vụ.

Nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là nhiệm vụ, giải pháp, đồng thời là nhu cầu và xu hướng tất yếu. Đến nay, phòng xét xử trực tuyến thường xuyên được kết nối và đưa vào vận hành với điểm cầu trung tâm Toà án nhân dân tỉnh. Trong năm, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã phối hợp với Trung tâm thông qua việc gửi các thông báo, thông tin về đối tượng được TGPL với 222 vụ việc; 5 phiên tòa trực tuyến được tổ chức có trợ giúp viên pháp lý và luật sư thực hiện TGPL.

Nói về vai trò của TGPL, ông Trần Việt Dũng, Phó Giám đốc Sở Tư Pháp, Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng năm 2024 tại TP. Thái Nguyên, chia sẻ: Chất lượng các vụ việc có sự tham gia của TGPL ngày càng được nâng lên; quyền lợi, nghĩa vụ của người được TGPL bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Đối với các vụ án, khi có sự tham gia của người thực hiện TGPL, quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL được bảo vệ tốt hơn, bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật. Sự tham gia của hoạt động TGPL không chỉ giúp đỡ người được TGPL về mặt pháp lý mà còn giúp đỡ, động viên tinh thần, giúp họ vượt qua khủng hoảng tâm lý, giúp cho người được TGPL hiểu và có ý thức tôn trọng pháp luật hơn.

Nắm bắt và phát huy những thuận lợi, khắc phục những khó khăn đang tồn tại, ông Vũ Văn Chính cho biết: Hoạt động TGPL năm 2025 và những năm tiếp theo sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp; phấn đấu đưa hoạt động TGPL trở thành nền nếp, hiệu quả, góp phần giữ vững tình hình an ninh, chính trị tại địa phương. Tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương và đổi mới lề lối, tác phong làm việc đối với các trợ giúp viên pháp lý; đẩy mạnh hoạt động TGPL thông qua các hình thức tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và tham gia tố tụng; tăng cường công tác quản lý chất lượng vụ việc TGPL; thực hiện có hiệu quả công tác TGPL trong các chương trình mục tiêu quốc gia.

Kết quả thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý năm 2024:

- Thực hiện tổng cộng 1.175 vụ việc, tăng 4 vụ việc so với cùng kỳ năm trước, đạt tỷ lệ 100,3%:

- Số vụ việc thụ lý mới là: 748 vụ việc, kỳ trước chuyển qua: 427 vụ việc;

- Tổng số vụ việc kết thúc trong kỳ báo cáo: 683 vụ việc:


Từ khóa:

thái nguyên

trợ giúp pháp lý