Khi công nhân vơi nỗi lo cơm áo

Lương Hạnh 10:21, 13/12/2024

Năm 2024 được đánh giá không có quá nhiều biến động với đa số công nhân, người lao động trên địa bàn tỉnh, khi họ có được việc làm và nguồn thu nhập ổn định. Bỏ lại đằng sau những vất vả bộn bề lo toan, sau những giờ tăng ca mệt nhoài, người lao động vẫn có những phút giây thư giãn, vui vẻ khi tham gia các hoạt động của tổ chức công đoàn.

Công nhân Công ty TNHH Hadanbi Vina (Khu công nghiệp Điềm Thụy) tham gia Hội thi nấu ăn.
Công nhân Công ty TNHH Hadanbi Vina (Khu công nghiệp Điềm Thụy) tham gia Hội thi nấu ăn.

“Điểm hẹn” sau giờ tan ca

Tôi bắt gặp chị Nguyễn Thị Tuyết (công nhân Công ty TNHH Hadanbi Vina, Khu công nghiệp Điềm Thụy) khỏe khoắn trong trang phục thể thao chuẩn bị tham gia Giải bóng đá công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV, do Công đoàn (CĐ) Các khu công nghiệp tỉnh tổ chức.

Nét mặt tươi vui, chị Tuyết chia sẻ: Tôi làm bộ phận lắp ráp linh kiện điện thoại, lương tháng đạt từ 8-10 triệu đồng tùy từng thời điểm. Ngoài giờ làm, tôi cùng các bạn tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao do CĐ tổ chức. Được hòa mình vào không khí sôi nổi, tươi vui, giúp bản thân có thêm năng lượng tích cực để tiếp tục cố gắng, đạt kết quả cao trong công việc.

Giống như chị Tuyết, anh Đặng Văn Kiên (công nhân Công ty TNHH Ket Vina, Khu công nghiệp Điềm Thụy) sau những giờ lo “cơm, áo, gạo, tiền” cũng dành thời gian tham gia các hoạt động thể thao do CĐ phát động.

Anh Kiên nói: Đây là năm thứ 4 tôi tham gia Giải bóng đá do CĐ Các khu công nghiệp tỉnh tổ chức. Sau giờ tan ca, tôi cùng đồng đội ra sân luyện tập, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa tăng cường tinh thần đoàn kết. Tại Công ty, tôi làm 2 tuần ca ngày và 2 tuần ca đêm, lương tháng đạt trung bình 10 triệu đồng. Mức thu nhập này tuy chưa phải là cao nhưng gia đình tôi “liệu cơm gắp mắm” nên vẫn đủ lo cho con cái học hành.

Không chỉ chị Tuyết, anh Kiên mà nhiều lao động khác trên địa bàn tỉnh cũng có công việc và thu nhập hằng tháng ổn định khi làm việc tại các khu công nghiệp (KCN). Do vậy, NLĐ hăng hái tham gia các phong trào thi đua; trong đó nổi bật là phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”.

Tại các doanh nghiệp, Phong trào được cụ thể hóa thành các hoạt động: Kaizen (cải tiến liên tục), 5S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc và sẵn sàng), cải tiến sản xuất, cải tiến chất lượng. Thông qua các phong trào thi đua đã khuyến khích, vận động CNVCLĐ, đoàn viên phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu các đề tài khoa học và công nghệ tiên tiến để ứng dụng phục vụ công tác, học tập, lao động, sản xuất, kinh doanh; góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phát triển bền vững và xây dựng giai cấp công nhân ngày càng vững mạnh. 

Công nhân tham gia hiến máu.
Công nhân tham gia hiến máu.

“Sạc” năng lượng từ những sân chơi bổ ích

Thời gian qua, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được các CĐ cơ sở tổ chức sôi nổi, rộng khắp cũng tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho đoàn viên, NLĐ. Đặc biệt, vào các dịp như Quốc tế Phụ nữ 8-3 hay Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, CĐ các công ty đã có những hoạt động thiết thực như: Thi nấu ăn, cắm hoa, kéo co, văn nghệ, giải bóng chuyền hơi… tạo không khí vui vẻ, phấn khởi, giảm áp lực sau giờ làm căng thẳng, mệt mỏi. Đồng thời lan tỏa hình ảnh đẹp của tổ chức CĐ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, NLĐ.

Đơn cử, trong năm 2024, CĐ cùng Ban lãnh đạo Công ty TNHH Hadanbi Vina đã phối hợp tổ chức thành công Đại hội Thể thao lần thứ 4 thu hút đông đảo đoàn viên, NLĐ tham gia. Tại Chương trình, các đoàn viên đã tham gia nhiệt tình vào các môn như: bóng đá, kéo co, ném vòng... Ngoài ra còn có những tiết mục văn nghệ “cây nhà, lá vườn” do chính các đoàn viên, NLĐ đến từ các bộ phân trong Công ty biểu diễn. 

Nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho NLĐ, nhiều thiết chế văn hóa phục vụ CNLĐ đã được sửa chữa, xây mới. Nhân dịp Tháng Công nhân năm 2024, Liên đoàn Lao động tỉnh đã khánh thành Nhà văn hóa lao động tỉnh Thái Nguyên (tại TP. Sông Công), đáp ứng yêu cầu tổ chức các sự kiện thể thao, văn hóa lớn phục vụ công nhân, NLĐ.

Một số KCN đã xây dựng được hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ CNVCLĐ, phát huy hiệu quả tốt như: KCN Sông Công I, KCN Yên Bình… Còn KCN Nam Phổ Yên, KCN Điềm Thụy, KCN Sông Công II hiện đã được quy hoạch quỹ đất để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân, NLĐ.

Có thể khẳng định, sự nỗ lực của các cấp CĐ trong tỉnh đã dần đưa phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phát triển rộng khắp, thu hút đông đảo đoàn viên và NLĐ tham gia. Qua đó nâng cao đời sống tinh thần, tiếp thêm năng lượng, động viên NLĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ của đơn vị, doanh nghiệp. 

Số CNVCLĐ trong các KCN trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện là gần 100 nghìn người. 100% NLĐ khi đủ điều kiện đều được tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Tình hình việc làm, thu nhập và đời sống của CNVCLĐ trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định; thu nhập bình quân NLĐ đạt 8,7 triệu đồng/người/tháng.