Một hội thi mang nhiều thông điệp ý nghĩa

Thu Hằng 19:00, 06/12/2024

“Đoàn viên Công đoàn ngành Y tế Thái Nguyên đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh” là tên gọi của Hội thi do Công đoàn ngành Y tế tỉnh tổ chức ngày 6-12. Hội thi góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua giai đoạn 2 của Ngành, với chủ đề “Thấu hiểu, tận tâm - Nâng tầm, đổi mới”.

Ban Tổ chức, Ban Giám khảo và lãnh đạo Sở Y tế trao Cờ lưu niệm cho các đội tham gia Hội thi.
Ban Tổ chức, Ban Giám khảo và lãnh đạo Sở Y tế trao Cờ lưu niệm cho các đội tham gia Hội thi.

Thấy mình trong vai diễn

Được theo dõi 21 tiểu phẩm dự thi của 21 đơn vị có chức năng khám, chữa bệnh trong ngành Y tế tỉnh, chúng tôi không khỏi bất ngờ, thích thú, pha lẫn sự khâm phục khi được thấy sự chuyên nghiệp trong từng động tác diễn xuất, nét biểu cảm, lẫn lời thoại của các “diễn viên” vốn chỉ quen với việc khám, chữa bệnh. Càng ấn tượng hơn về những thông điệp mà các tiểu phẩm mang lại.

Ngay cả việc chuẩn bị các đạo cụ để biểu diễn trên sân khấu cũng cho thấy sự nghiêm túc, trách nhiệm của mỗi đội thi. Nhiều tiểu phẩm lấy được nước mắt của khán với những câu chuyện rất đỗi giản dị, nhưng chân thực, gần gũi với cuộc sống thực tế.

Có tiểu phẩm toát lên sự nhọc nhằn của các y, bác sĩ; có tiểu phẩm cho thấy đâu đó vẫn còn những bác sĩ có thái độ chưa đúng mực với bệnh nhân và người nhà của họ…

“Nỗi lòng người bác sĩ” của Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên là tiểu phẩm kể về câu chuyện khi con của bác sĩ Tâm bị sốt cao, nhưng do mẹ đang phải lo cho một bệnh nhân khác nên không thể có mặt để chữa trị cho con mình, điều này khiến mẹ chồng chị tức giận. Nhưng cũng chính chi tiết này đã khiến người nhà của bệnh nhân đang được chị cấp cứu phải thay đổi thái độ và nhận thấy bản thân có lỗi khi chỉ vừa nãy thôi, còn hiểu lầm chị và các y, bác sĩ ở đây, rằng phải có tiền mới được chữa trị…

Tiểu phẩm Nỗi lòng người bác sĩ của đội thi đến từ Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên giành giải Đặc biệt.
Tiểu phẩm "Nỗi lòng người bác sĩ" của đội thi đến từ Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên giành giải Đặc biệt.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Tâm, người vào vai bác sĩ Tâm trong Tiểu phẩm, chia sẻ: Tôi rất hào hứng với Hội thi này và rất vui vì được vào vai với chính tên gọi của mình, “diễn” công việc mà hàng ngày tôi vẫn làm. Hội thi đã giúp tôi hiểu rõ hơn vai trò, trách nhiệm của người bác sĩ với người bệnh, cả về chuyên môn lẫn thái độ phục vụ. Nhờ có Hội thi mà chúng tôi cũng được kết nối với các y, bác sĩ nhiều trạm y tế xã, phường, khi mọi người cùng tham gia tập luyện, giúp tăng tính đoàn kết. Đặc biệt, đây cũng là dịp để tôi nhìn nhận lại bản thân xem đã thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của người thầy thuốc hay chưa, từ đó có những thay đổi cho phù hợp.

Còn bác sĩ Phương Cao Giáp, Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đa khoa huyện Đại Từ - người vào vai bác sĩ Thanh trong Tiểu phẩm “Làm đúng ngay từ đầu”, chia sẻ: Ai cũng có người quen, người thân, nếu ai cũng vì tình riêng mà muốn giúp cho người nhà của mình chen ngang khi đến khám, chữa bệnh sẽ vô tình làm mất đi lòng tin của người bệnh và xã hội. Việc chen ngang vốn được biết là “chuyện thường ngày” ở những năm trước, nhưng giờ đây các cơ sở y tế đều đang nỗ lực thay đổi, qua việc trang bị cây Kios lấy số thứ tự nên việc này hầu như không còn.

Phản ánh thực tế sinh động

Một trong những tình tiết được hầu hết tiểu phẩm đề cập đến là “vấn nạn phong bì”. Trong tiềm thức của đa số người bệnh và người nhà bệnh nhân, phải “đút” phong bì thì mới được bác sĩ, y tá quan tâm. Cũng cần phải thừa nhận rằng, thực tế đâu đó vẫn có tình trạng này. Hoặc có những bác sĩ tuy không “vòi vĩnh” nhưng khi bệnh nhân "cảm ơn" vẫn thản nhiên nhận như một lẽ tất yếu.

Trong các tiểu phẩm tại Hội thi, tất cả các y, bác sĩ đều từ chối với thái độ khẳng khái, dứt khoát. Lý do mà họ đưa ra đó là đạo đức nghề nghiệp không cho phép…

Đoàn viên công đoàn Trần Việt Trường, Tổ công tác xã hội, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, mong muốn: Những gì được thể hiện trên sân khấu sẽ trở thành hiện thực ngoài đời sống. Bản thân tôi cũng tham gia vai “bệnh nhân” trong tiểu phẩm “Trao tâm huyết, gửi niềm tin” của Đội. Thông qua vai diễn, tôi mong mọi người bệnh sẽ được các nhân viên y tế quan tâm nhiều hơn, được đối xử công bằng như nhau. Các y, bác sĩ đừng vì chút lợi trước mắt mà làm mất đi hình ảnh của những “thiên thần áo trắng”.

Tiểu phẩm “Làm đúng ngay từ đầu” của đội thi đến từ Bệnh viện đa khoa huyện Đại Từ.
Tiểu phẩm “Làm đúng ngay từ đầu” của đội thi đến từ Bệnh viện đa khoa huyện Đại Từ.

Quả thật, vượt ra ngoài mong đợi của một Hội thi, các tiểu phẩm đã thêm một lần nữa khẳng định: Khi những người làm trong ngành Y tế thực hiện tốt quy tắc ứng xử, làm tốt nhiệm vụ của mình thì mới góp phần xây dựng đơn vị và ngành Y tế Thái Nguyên ngày càng phát triển. Đó cũng chính là thông điệp mà Hội thi mong muốn mang đến tất cả đoàn viên Công đoàn Ngành - Bà Vũ Thị Hoàng Yến, Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế tỉnh, nhấn mạnh.

Hội thi kết thúc, Đội thi đến từ Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên xuất sắc giành giải Đặc biệt. Các đội khác có số điểm cao lần lượt được trao giải Nhất, Nhì, Ba.

Tuy nhiên, theo Ban Tổ chức, Ban Giám khảo, các diễn viên và cả khán giả, giải thưởng chỉ có ý nghĩa và giá trị khi tất cả đội thi sẽ hiện thực hóa những câu chuyện, cách ứng xử trên sân khấu. Để rồi, thay vì "những chiếc phong bì", các y, bác sĩ sẽ nhận về lòng biết ơn, sự trân quý của người bệnh và toàn xã hội; xứng đáng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Lương y như từ mẫu” và lời thề Hippocrates mà các sinh viên y khoa trước khi ra trường đều phải đọc.