Người phụ nữ tật nguyền viết đơn xin thoát nghèo

Lương Hạnh 07:20, 18/12/2024

Dù sức khỏe yếu do bị khuyết tật, làm mẹ đơn thân và đang phải gồng gánh nuôi con ăn học nhưng chị Nguyễn Thị Xuân (sinh năm 1972, ở xóm Thống Nhất, xã An Khánh, Đại Từ) vẫn viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Với chị, được san sẻ chế độ với những người có hoàn cảnh khốn khó hơn mình cũng là niềm hạnh phúc.

Hằng ngày, chị Nguyễn Thị Xuân dùng chiếc xe đạp để đi thu mua phế liệu kiếm sống và nuôi con ăn học.
Hằng ngày, chị Nguyễn Thị Xuân dùng chiếc xe đạp để đi thu mua phế liệu kiếm sống và nuôi con ăn học.

Căn nhà đơn sơ của 2 mẹ con chị Xuân nằm cạnh đường bê tông dẫn vào xóm Thống Nhất. Đồ đạc trong nhà không có gì nhiều ngoài chiếc ti vi, tủ lạnh cũ. Chiếc xe đạp "cà tàng" là phương tiện gắn bó với chị mỗi ngày, cùng chị trên những con đường làng để mưu sinh. Dù bị bệnh viêm đa khớp, các ngón tay quắp lại không thể duỗi thẳng, hai chân yếu, không thể lao động nặng nhưng chị vẫn miệt mài, cần mẫn kiếm sống bằng nghề thu mua phế liệu.

Chị Xuân chia sẻ: Ngày trời nắng, tôi đạp xe khắp xã, cũng có khi kiếm được vài chục nghìn, có hôm may mắn thì được hơn 100 nghìn đồng. Nhiều người thấy tôi khuyết tật nên họ thương, để dành phế liệu gặp tôi đi qua thì mang cho chứ không bán. Có lần trời mưa, nghĩ ở nhà không có thu nhập nên tôi vẫn cố đi mua phế liệu, gặp đường trơn, lại chở nặng nên xe đạp bị trượt ngã đè vào người không dậy được, may có người đi đường giúp đỡ. Từ lần đó, tôi không dám đi làm ngày mưa. Điều này đồng nghĩa 2 mẹ con không có thu nhập. Nhưng dẫu sao tôi vẫn có số tiền 750 nghìn đồng/tháng do Nhà nước hỗ trợ dành cho người khuyết tật. Cứ như vậy, cuộc sống của 2 mẹ con lặng lẽ trôi qua dù nhiều lúc “thiếu trước, hụt sau”.

Niềm vui và động lực lớn nhất giúp chị Xuân vượt qua khó khăn, vươn lên mỗi ngày đó là cậu con trai Nguyễn Bình An, sinh năm 2008, luôn khỏe mạnh, chăm ngoan.

Bình An đang theo học trung cấp nghề điện tại Trường Cao đẳng Công nghiệp, ở phường Tân Long (TP. Thái Nguyên). Hết giờ học, em về hộ mẹ nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo, mang phế liệu đi bán.

Chị Xuân tâm sự: Gia đình không có điều kiện nên tôi cho cháu học tại trường này để vừa có bằng tốt nghiệp THPT, vừa có bằng nghề. Tôi chỉ mong cháu học hành nên người, sau này ra trường có việc làm, có thể tự nuôi sống bản thân.

Chia sẻ về việc tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo, chị Xuân nói: Trong suốt thời gian qua, tôi đã được hưởng nhiều chế độ chính sách của Nhà nước ưu tiên dành cho hộ nghèo, đơn thân, được hỗ trợ xây nhà, được tặng quà mỗi dịp Tết... Hiện nay, tôi thấy còn rất nhiều người có hoàn cảnh éo le, thậm chí khổ hơn mình rất nhiều. Tôi tuy tàn tật nhưng vẫn có thể tự vận động, chịu khó lao động vẫn có khả năng kiếm sống. Tôi muốn xin thoát nghèo để san sẻ chế độ cho những hoàn cảnh khó hơn.

Nhiều người biết hoàn cảnh của chị Xuân bảo chị dại, tự dưng lại từ bỏ quyền lợi của mình. Nhưng với chị, nhận được tình cảm, sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền, bà con lối xóm, anh em họ hàng, chị cảm nhận được tinh thần “chia ngọt sẻ bùi” và muốn san sẻ với người khác.

Anh Từ Văn Ngọc, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã An Khánh, thăm hỏi, động viên gia đình chị Xuân.
Anh Từ Văn Ngọc, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã An Khánh, thăm hỏi, động viên gia đình chị Xuân.

Anh Từ Văn Ngọc, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã An Khánh, cho biết: Dù chưa hết khó khăn nhưng chị Xuân đã tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo là hành động rất đáng biểu dương.