Tính đến cuối năm 2024, toàn bộ các xóm trong tỉnh Thái Nguyên đã được cung cấp dịch vụ Internet băng thông rộng cáp quang, 99,6% số xóm được phủ sóng di động băng rộng 3G/4G. Sự phát triển vượt bậc của viễn thông và mạng Internet đã lan tỏa đến hầu hết các thôn, xóm xa xôi, mang lại cơ hội duy trì liên lạc và tiếp cận thông tin toàn cầu cho người dân. Internet không chỉ phục vụ đời sống hàng ngày mà còn hỗ trợ học tập và giải trí, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Cán bộ VNPT Thái Nguyên kiểm tra chất lượng Internet không dây băng thông rộng 4G tại xóm Na Sàng, xã Phú Đô (Phú Lương). |
Xóm Na Sàng (xã Phú Đô, Phú Lương) là nơi sinh sống của gần 30 hộ, trong đó có 24 hộ dân tộc Mông. Trong hai năm qua, việc được phủ sóng viễn thông di động và Internet băng thông rộng di động 4G đã mang lại nhiều thay đổi tích cực trong đời sống của bà con nơi đây.
Anh Lý Văn Vị, dân tộc Mông, ở xóm Na Sàng, chia sẻ: Trước đây sóng bập bõm, thậm chí không có sóng, mỗi lần cần gọi điện chúng tôi phải chạy lên nơi cao để “hứng” sóng. Hiện nay, có sóng điện thoại, bà con chúng tôi có thể dễ dàng gọi điện, nhắn tin, thậm chí là gọi video call với mọi người. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí mà chúng tôi còn cập nhật thông tin nhanh chóng, kịp thời, từ đó góp phần phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần...
Na Sàng là một trong những xóm cuối cùng của huyện Phú Lương được phủ sóng viễn thông từ cuối năm 2022. Việc có sóng viễn thông di động và Internet 4G cũng mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho người dân ở vùng lõm sóng trước đây. Họ có thể tìm kiếm thông tin về thị trường, giá cả nông sản, học hỏi kỹ thuật canh tác mới qua mạng…
Ông Chu Xuân Tiến, Giám đốc Trung tâm Viễn thông VNPT Phú Lương: Chúng tôi được VNPT đầu tư nên đã xóa hoàn toàn vùng lõm viễn thông từ cuối năm 2022. Sự phát triển của viễn thông và mạng Internet đã mang lại những cơ hội mới, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn.
Xác định việc đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng viễn thông phục vụ chuyển đổi số là một trong những yếu tố hết sức quan trọng, Sở Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên đã có nhiều giải pháp nhằm xóa vùng lõm sóng di động, viễn thông, như: Mở rộng dung lượng băng thông rộng, đường truyền; cung cấp dịch vụ Internet chất lượng cao cho các xóm vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn...
Sở cũng tích cực hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị chức năng kéo cáp quang, xây dựng trạm thu phát sóng di động (BTS) phù hợp với quy hoạch chi tiết hạ tầng viễn thông của tỉnh. Đồng thời phối hợp với các địa phương tạo quỹ đất xây dựng cơ sở hạ tầng để mở rộng vùng phủ sóng di động, Internet cố định.
Từ năm 2021 đến nay, các doanh nghiệp viễn thông đã xây dựng thêm hơn 300 trạm BTS, nâng tổng số trạm BTS trong toàn tỉnh lên 1.850 trạm (hiện nay, trung bình mỗi xã, phường, thị trấn có trên 10 trạm BTS), cung cấp sóng cho gần 1,53 triệu thuê bao, đạt tỷ lệ 117 thuê bao/100 dân. Trong đó, 79% số thuê bao sử dụng dịch vụ Internet 3G, 4G, 5G.
Mạng lưới cáp quang được kéo đến 100% các xã, phường, thị trấn, thôn, xóm, cung cấp dịch vụ truy nhập Internet và truyền hình chất lượng cao. Tổng số thuê bao truy nhập Internet cố định băng rộng qua cáp quang trong toàn tỉnh tính đến nay là trên 277 nghìn thuê bao, tương đương tỷ lệ 76% số hộ đã sử dụng dịch vụ…
Mặc dù các doanh nghiệp viễn thông đã tích cực phát triển hạ tầng viễn thông để khắc phục vùng lõm sóng, nhưng đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh vẫn còn 7 xóm thuộc địa bàn huyện vùng cao Võ Nhai chưa có sóng di động. Do vậy, tỷ lệ thôn, bản được phủ sóng di động băng rộng 3G/4G mới đạt 99,6%.
Bà con người dân tộc Mông ở xóm Mỏ Chì, xã Cúc Đường (Võ Nhai) vẫn phải đến nhà văn hóa xóm để kết nối sóng viễn thông di động. |
Xóm Mỏ Chì (xã Cúc Đường) là một trong những khu vực lõm sóng viễn thông di động tại huyện Võ Nhai. Hiện nay chỉ có hai điểm ở khu vực trung tâm xóm có thể bắt được sóng di động. Tuy nhiên, phần lớn trong số 166 hộ của xóm sinh sống phân tán tại các chòm nhỏ khác nhau, nên việc tiếp cận sóng viễn thông rất khó khăn.
Ông Ngô Văn Chú, Trưởng xóm Mỏ Chì, chia sẻ: Hiện nay, người dân Mỏ Chì buộc phải đến sân nhà văn hóa xóm để kết nối sóng viễn thông. Điều này gây nhiều khó khăn trong việc liên lạc và truy cập thông tin, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của bà con. Chúng tôi mong muốn được Nhà nước đầu tư phủ sóng điện thoại di động, Internet không dây để phục vụ đời sống, phát triển sản xuất…
Nguyên nhân chưa xóa được hết vùng lõm viễn thông di động trên địa bàn huyện Võ Nhai là do địa hình núi cao, hiểm trở, khó lắp đặt trạm BTS. Ông Nguyễn Đức Lộc, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, chia sẻ: Việc đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông tại các vùng lõm sóng là rất cần thiết để bảo đảm mọi người dân đều được tiếp cận với các dịch vụ viễn thông hiện đại, nâng cao chất lượng cuộc sống. Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục đề nghị các doanh nghiệp viễn thông và huyện Võ Nhai phối hợp triển khai lắp đặt các trạm BTS để phủ sóng tại những vùng lõm trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Sở sẽ đề nghị các nhà cung cấp dịch vụ mở rộng dung lượng băng thông, đường truyền, cung cấp dịch vụ Internet chất lượng cao cho các thôn, xóm vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Qua đó góp phần thúc đẩy chuyển đổi số ở những vùng khó khăn, phấn đấu đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực Trung du, miền núi phía Bắc…
Tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển cáp quang băng rộng và phủ sóng thông tin di động 4G đến 100% xóm và nâng tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang đạt trên 80% |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin