Lưu Sùng Chu - người tìm ánh sáng trong bóng tối

Lưu Phượng 11:59, 06/01/2025

Gặp Lưu Sùng Chu, sinh năm 1991, dân tộc Tày, quê ở xã Linh Thông (Định Hóa) tại Đại hội đại biểu Hội Người mù của tỉnh, chúng tôi đều cảm phục khi được nghe câu chuyện đầy nghị lực về chặng đường tìm ra “ánh sáng” cuộc đời của anh. Từ một đứa trẻ khiếm thị, tự ti, anh đã vươn lên học tập, rèn luyện để không chỉ nuôi sống bản thân, gia đình, mà còn tạo việc làm cho những người cùng cảnh ngộ.

Lưu Sùng Chu dự Đại hội Hội Người mù tỉnh Thái Nguyên, nhiệm kỳ V (2024-2029).
Lưu Sùng Chu dự Đại hội Hội Người mù tỉnh Thái Nguyên, nhiệm kỳ V (2024-2029).

Lưu Sùng Chu có giọng nói ấm áp và nụ cười thân thiện luôn thường trực trên môi. Ít ai nghĩ rằng để có được cuộc sống như hôm nay, anh đã phải tranh đấu trong chính nội tâm cũng như cuộc sống bên ngoài để tìm đến “ánh sáng” cuộc đời.

Chu là con thứ hai trong gia đình nông dân nghèo có 3 người con. Anh sinh ra với đôi mắt bình thường như bao người khác, nhưng sau một cơn bạo bệnh, anh đã không còn nhìn thấy ánh sáng, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Năm 2001, anh được các thành viên trong Hội Người mù huyện Định Hoá đến thăm và vận động đi học tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật tỉnh Thái Nguyên. Dẫu lo lắng, không biết con mình đi học sẽ ra sao nhưng bố mẹ anh vẫn cho anh đi học, với hy vọng anh sẽ có một tương lai tươi sáng hơn. Còn với anh, đây như một cơ hội đưa anh đến một chân trời mới.

Anh chia sẻ: Khi mới đi học, tôi cảm thấy hoang mang, mọi thứ đều lạ lẫm. Tôi sợ bị bạn bè chê cười, bị bắt nạt, và sợ cha mẹ không có tiền để lo việc học cho mình. Nhưng rồi được sự động viên, đồng hành của Hội Người mù huyện Định Hóa; các thầy, cô, người trong trường luôn yêu thương, tận tình chỉ dạy, quan tâm lo lắng, chia sẻ mọi buồn, vui nên tôi đã nhanh chóng vượt qua mặc cảm hoà nhập với môi trường mới.

Tại đây, anh được học các chương trình dành cho người khiếm thị như: chữ nổi (Braille), học văn hoá, học nghề, học các môn năng khiếu và tham gia các hoạt động thể thao. Kết thúc thời gian học ở Trung tâm, anh có thể tự đọc sách, báo, viết tên của mình, sử dụng điện thoại có phần mềm hỗ trợ người khiếm thị…

Anh Lưu Sùng Chu đang quản lý 2 cơ sở xoa bóp, bấm huyệt người khiếm thị tại Hà Nội.
Anh Lưu Sùng Chu đang quản lý 2 cơ sở xoa bóp, bấm huyệt người khiếm thị tại Hà Nội.

Để không phụ công chăm lo, dạy dỗ của các thầy cô, anh luôn nỗ lực học tập, rèn luyện, tích cực tham gia các hoạt động tập thể, nhất là các chương trình văn nghệ, thể thao. Những hoạt động này giúp anh ngày càng mở rộng được các mối quan hệ xã hội cũng như học hỏi và hoàn thiện bản thân. Sau bao nỗ lực, anh trở thành vận động viên cờ vua của tỉnh. Năm 2005, Chu bắt đầu tham gia ở Giải thể thao học sinh. Năm 2009, tham gia các giải thể thao dành cho người khuyết tật toàn quốc. Tính đến nay, trong các giải tham gia, Chu đã giành hơn 15 Huy chương Vàng, Bạc, đồng và nhiều giải khác. Cũng trong thời gian này, nhờ được học hành bài bản và có năng khiếu, Chu bắt đầu kiếm tiền từ việc dạy đàn, đi hát.

Không chỉ dừng lại ở đó, anh còn quyết tâm học lên đại học và đã tốt nghiệp Khoa Luật Kinh tế của Trường Đại học Mở Hà Nội. Tấm bằng đại học là niềm tự hào lớn lao, minh chứng cho những nỗ lực vượt qua khó khăn của bản thân. Hiện nay, anh đang quản lý 2 cơ sở xoa bóp, bấm huyệt người khiếm thị tại Hà Nội, tạo việc làm cho 10 người, với mức thu nhập từ 5-8 triệu đồng/tháng. Anh cũng vừa hoàn thành lớp học y sĩ để nâng cao tay nghề và quản lý cửa hàng của mình tốt hơn.

Không chỉ có vậy, Lưu Sùng Chu còn tích cực hoạt động xã hội, chia sẻ kinh nghiệm và truyền cảm hứng cho nhiều người. Anh đã tham gia nhiều buổi hội thảo, tọa đàm về quyền lợi và cơ hội cho người khuyết tật, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về sự cần thiết hỗ trợ và hòa nhập cho người khuyết tật. Anh thường làm video đăng tải, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với các bạn đồng cảnh ngộ, mong rằng người khiếm thị sẽ ngày càng được xã hội công nhận.

 Anh dự định thời gian tới sẽ mở rộng cơ sở xoa bóp bấm huyệt để có thể tạo thêm việc làm cho những bạn đồng tật như mình. Anh bảo, nhìn lại chặng đường đã qua, anh cảm thấy tự hào, biết ơn cuộc đời, những khó khăn, nghịch cảnh vì đã giúp anh kiên cường, mạnh mẽ, tự tin, trưởng thành như ngày hôm nay.