Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa sẽ đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, thời điểm này, các cửa hàng, siêu thị trên địa bàn TP. Thái Nguyên bắt đầu tích trữ số lượng lớn hàng hóa phục vụ thị trường Tết. Hàng hóa tập kết nhiều nên nguy cơ cháy, nổ rất cao, đặc biệt là tại các chợ truyền thống, nếu người dân không đề cao cảnh giác.
Lực lượng Công an kiểm tra công tác đảm bảo an toàn PCCC tại chợ Tê Ba Nhất (TP. Thái Nguyên). |
Tại chợ Tê Ba Nhất, phường Tích Lương - một trong những khu chợ lâu đời, sầm uất ở phía Nam TP. Thái Nguyên, tiểu thương đã bắt đầu tích trữ hàng hóa phục vụ thị trường dịp Tết. Khối lượng hàng hóa lớn, các gian bán những mặt hàng dễ cháy như đồ khô, hàng mã, quần áo… lại nằm sát nhau nên tiềm ẩn nhiều mối nguy về an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC).
Bên trong chợ, không ít hộ kinh doanh lấn chiếm lối đi để đặt hàng hóa, làm giảm khoảng cách an toàn và gây khó khăn trong việc chữa cháy, thoát nạn trong tình huống có đám cháy xảy ra. Một số vị trí đặt bình chữa cháy bị hàng hóa che khuất, khó lấy xuống, đường dây và hệ thống điện đã cũ cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn PCCC.
Theo Đại úy Nguyễn Đăng Hà, cán bộ Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP. Thái Nguyên: Không chỉ tại chợ Tê Ba Nhất, nhiều chợ truyền thống khác trên địa bàn cũng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy, nổ. Đó là việc các gian hàng chứa những vật liệu dễ cháy như túi nilon, vải, giấy… và các hộ kinh doanh vẫn thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã, hút thuốc. Tình trạng sử dụng điện gây mất an toàn về PCCC vẫn tiếp diễn như: dây điện giăng kéo chằng chịt, không được luồn vào ống nhựa cách điện, thậm chí biến thành dây treo đồ, vật dụng, hàng hóa…
Một số chợ được xây dựng tạm, kết cấu chủ yếu là khung thép, mái lợp tôn hoặc các vật liệu như gỗ, vải bạt, nhựa… dễ dẫn đến nguy cơ lan truyền ngọn lửa nhanh chóng. - Đại úy Nguyễn Đăng Hà
Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, ban quản lý của hầu hết các chợ truyền thống trên địa bàn TP. Thái Nguyên đã được quan tâm đầu tư lắp đặt các thiết bị chữa cháy, biển cảnh báo. Hằng năm, các hộ kinh doanh trong chợ truyền thống cũng được cơ quan Công an và chính quyền địa phương tuyên truyền, phát tài liệu hướng dẫn về các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC. Nhiều chợ đã áp dụng biện pháp cắt điện hoàn toàn vào buổi tối để giảm thiểu nguy cơ cháy, nổ do sự cố cháy, chập điện.
Công an TP. Thái Nguyên tuyên truyền về đảm bảo an toàn PCCC cho tiểu thương tại chợ Gia Sàng. |
Bà Trương Thị Thúy, thành viên Ban quản lý chợ Gia Sàng, TP. Thái Nguyên: Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở hộ kinh doanh chấp hành nghiêm các quy định, khuyến cáo về PCCC. Ban quản lý chợ và nhiều hộ kinh doanh cũng đã tự trang bị các thiết bị chữa cháy, bình chữa cháy. Vào buổi tối, Ban quản lý thực hiện đóng điện hoàn toàn khu chợ để tránh tình huống cháy, nổ do chập điện.
Dù vậy, thời điểm hanh khô, hàng hóa tập kết nhiều vào dịp cuối năm nên nguy cơ xảy ra cháy, nổ ở các chợ truyền thống vẫn rất lớn. Nhằm đảm bảo an toàn PCCC, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ tai nạn, sự cố cháy, nổ có thể xảy ra tại các chợ, thời gian qua, Công an TP. Thái Nguyên đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức và kỹ năng về PCCC, phát động phong trào Toàn dân PCCC…
Ngoài việc tổ chức kiểm tra định kỳ về PCCC, lực lượng Công an cũng tăng cường kiểm tra đột xuất; hướng dẫn ban quản lý chợ và tiểu thương khắc phục kịp thời những tồn tại, thiếu sót có nguy cơ dẫn đến cháy nổ, đặc biệt là xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về PCCC và cứu nạn, cứu hộ…
Vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2025, Công an thành phố giao Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Công an các phường, xã tăng cường công tác tuyên truyền, huấn luyện, tổ chức kiểm tra an toàn PCCC tại các cơ sở kinh doanh, nhà kho, nhà xưởng, khu dân cư… Riêng đối với các chợ truyền thống, thực hiện kiểm tra 100% chợ trên địa bàn.
Các nguy cơ cháy, nổ luôn được nhấn mạnh nhiều lần qua các kênh tuyên truyền, đặc biệt là vào dịp cuối năm. Đặc biệt là tại các chợ truyền thống, đây được coi như mối nguy thường trực. Tuy nhiên, để công tác PCCC tại các chợ truyền thống được đảm bảo, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của cơ quan quản lý Nhà nước, rất cần sự chủ động, tích cực của các cấp, ngành, ban quản lý chợ trong việc tuyên truyền, nhắc nhở các hộ kinh doanh và xử phạt răn đe. Quan trọng hơn là các hộ kinh doanh cần nâng cao ý thức thực hiện nghiêm các quy định về PCCC, nhằm đảm bảo sự an toàn về người và tài sản, để “cẩn tắc”… thì “vô áy náy”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin