Cảnh giác với công nghệ Deepfake

Minh Anh 07:59, 25/02/2025

Trong thế giới số, tội phạm lừa đảo qua mạng internet đang trở thành một vấn đề đáng lo ngại. Các thủ đoạn lừa đảo ngày càng trở nên tinh vi và khó phát hiện hơn, đặc biệt là khi công nghệ hiện đại như Deepfake được sử dụng để tạo ra các cuộc gọi video giả mạo nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân.

Deepfake là công nghệ sử dụng AI để tạo ra các hình ảnh, video hoặc giọng nói giả mạo, sao cho có độ chính xác gần như tuyệt đối. Kẻ xấu có thể sử dụng công nghệ này để tạo ra các video giả mạo với hình ảnh và giọng nói của người thân bạn, yêu cầu bạn thực hiện các hành động tài chính hoặc vay mượn tiền, từ đó chiếm đoạt tài sản. 

Gần đây, trên các nền tảng mạng xã hội, những ứng dụng ghép khuôn mặt vào các video hoặc hình ảnh có sẵn (như váy hồng, cảnh vật đẹp…) đang trở thành một trào lưu. Các ứng dụng như Faceplay, Reface cho phép người dùng dễ dàng tải lên ảnh của mình và ghép vào những video hoặc ảnh nền. Tuy nhiên, điều mà không phải ai cũng nhận ra là việc sử dụng các ứng dụng này đang vô tình cung cấp dữ liệu khuôn mặt của họ cho các dịch vụ ngoài nước, từ đó tạo ra những tiềm ẩn nguy cơ bị lợi dụng công nghệ deepfake.Cảnh giác với công nghệ DeepfakeCảnh giác với công nghệ Deepfake

Một trong những trường hợp điển hình về việc lợi dụng công nghệ deepfake để thực hiện hành vi lừa đảo là câu chuyện của chị V.T.M, 40 tuổi, ở huyện Phú Lương. Chị nhận được tin nhắn từ tài khoản Facebook của người thân, yêu cầu chuyển khoản 2 triệu đồng. Do có chút nghi ngờ về tính xác thực, chị đã quyết định thực hiện một cuộc gọi video để xác minh. Trong cuộc gọi, chị thấy người thân của mình xuất hiện và trực tiếp yêu cầu chuyển tiền. Tuy nhiên, sau khi chuyển khoản, chị mới phát hiện tài khoản Facebook của người thân đã bị hack và cuộc gọi đó thực chất là một trò lừa đảo tinh vi sử dụng công nghệ deepfake.

Một trường hợp khác xảy ra tại TP. Thái Nguyên với anh L.M.H, 35 tuổi, khi anh suýt trở thành nạn nhân của một cuộc lừa đảo với số tiền 30 triệu đồng qua một cuộc gọi video giả mạo. Dù chỉ kéo dài vài giây, anh nhận diện được khuôn mặt và giọng nói của người thân, nhưng vì tín hiệu yếu, cuộc gọi nhanh chóng bị gián đoạn và chuyển sang hình thức nhắn tin. Nghi ngờ, anh đã gọi lại trực tiếp qua số điện thoại của người thân. May mắn thay, nhờ sự cẩn trọng, anh đã tránh được bẫy của kẻ lừa đảo. Anh L.M.H chia sẻ: Nếu không cảnh giác mà xác minh qua cuộc gọi trực tiếp, tôi có thể đã mất một khoản tiền lớn mà không hề hay biết.

Trào lưu ghép ảnh vô tình làm lộ ảnh chân dung, tạo cơ hội cho các đối tượng xấu sử dụng công nghệ deepfake.
Trào lưu ghép ảnh vô tình làm lộ ảnh chân dung, tạo cơ hội cho các đối tượng xấu sử dụng công nghệ deepfake.

Ngoài những trường hợp giả mạo người thân, công nghệ deepfake cũng đã được sử dụng để giả mạo các nhân vật nổi tiếng, chính trị gia nhằm bôi nhọ danh tiếng gây ảnh hưởng đến dư luận và tạo ra sự hoang mang trong xã hội. Chất lượng video deepfake ngày càng được cải thiện, khiến việc phân biệt thật giả trở nên khó khăn. Video có thể trông rất mờ nhạt, âm thanh không rõ ràng, hoặc cuộc gọi video bị gián đoạn do sóng yếu, từ đó tăng sự tin tưởng của nạn nhân và khiến họ dễ dàng tin tưởng vào những yêu cầu của kẻ lừa đảo.

Trước sự gia tăng của các hành vi lừa đảo sử dụng công nghệ deepfake, các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần phải cảnh giác khi nhận được yêu cầu vay tiền qua mạng xã hội. Theo các cơ quan chức năng, để bảo vệ tài sản và thông tin cá nhân, người dân cần thực hiện các bước xác minh nghiêm ngặt, chẳng hạn như gọi điện thoại trực tiếp với người yêu cầu vay mượn hoặc xác nhận qua các phương tiện giao tiếp khác ngoài mạng xã hội.

Theo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh), nếu nhận được một cuộc gọi yêu cầu chuyển tiền gấp, trước tiên hãy bình tĩnh và xác minh thông tin: Liên lạc trực tiếp với người thân, bạn bè thông qua một kênh khác xem có đúng là họ cần tiền không. Kiểm tra kỹ số tài khoản được yêu cầu chuyển tiền. Nếu là tài khoản lạ, tốt nhất là không nên tiến hành giao dịch. Nếu cuộc gọi từ người tự xưng là đại diện cho ngân hàng, hãy gác máy và gọi trực tiếp cho ngân hàng để xác nhận cuộc gọi vừa rồi có đúng là ngân hàng thực hiện hay không.

Cách tốt nhất để tránh bị làm giả deepfake là người sử dụng nên hạn chế chia sẻ hình ảnh hay video cá nhân lên trên mạng; đồng thời luôn bảo mật tài khoản mạng xã hội, email bằng mật khẩu có độ khó cao.


Từ khóa:

cảnh giác

công nghệ Deepfake