Thứ 4, 23/04/2025, 18:47

Cải cách hành chính hướng tới sự hài lòng của người dân

Thu Huyền 11:25, 07/03/2025

Theo kết quả đánh giá của tỉnh công bố mới đây, Chỉ số hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước năm 2024 của huyện Đại Từ đạt 92,95%, dẫn đầu các huyện, thành trong tỉnh. Kết quả này cho thấy sự nỗ lực rất lớn của Đại Từ trong công tác cải cách hành chính nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Bộ phận Tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính huyện Đại Từ.
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Bộ phận Tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính huyện Đại Từ.

Nếu như năm 2023, chỉ số đo lường mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ hành chính (SIPAS) của huyện Đại Từ đứng thứ 6 toàn tỉnh (đạt 88%) thì năm 2024, chỉ số này đã được nâng lên rõ rệt, tăng 5 bậc so với năm trước. Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) cũng chuyển từ nhóm khá lên nhóm tốt, huyện Đại Từ vươn lên xếp ở vị trí thứ 3, sau UBND TP. Thái Nguyên và huyện Định Hóa với điểm số là 85,51 điểm (tăng 8,65 điểm).

Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Như Quỳnh, Phó trưởng phòng Nội vụ huyện Đại Từ, thông tin: Kết quả nói trên có được xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến những đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện CCHC của huyện. Theo đó, ngay sau khi tỉnh công bố kết quả các chỉ số năm 2023, UBND huyện đã tổ chức hội nghị đánh giá chỉ số CCHC và chỉ số đo lường mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ hành chính, đồng thời rà soát, chỉ rõ những hạn chế, tồn tại, các tiêu chí, chỉ tiêu đạt điểm thấp và hướng khắc phục cụ thể trong thời gian tới.

Đặc biệt, thay vì tổ chức đánh giá kết quả thực hiện CCHC theo năm như trước, năm vừa qua, việc đánh giá được thực hiện định kỳ theo quý. Công tác đánh giá chất lượng phục vụ nhân dân trong giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) của đội ngũ cán bộ, công chức cũng được thực hiện thường xuyên, sát sao. Qua đó, nâng cao hơn nữa sự hài lòng của người dân đối với chính quyền. - bà Trần Thị Như Quỳnh

Để người dân hài lòng, tổ chức tin tưởng, huyện xác định công tác CCHC, trọng tâm là cải cách TTHC phải thực chất, đi vào chiều sâu. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm, huyện đã xây dựng kế hoạch cụ thể; đồng thời, ban hành kế hoạch tuyên truyền về CCHC, tổ chức thi trực tuyến tìm hiểu CCHC Nhà nước, thực hiện công vụ. Qua đó tạo cơ sở bảo đảm tính đồng bộ trong quản lý, thực hiện CCHC tại các địa phương, giữa các lĩnh vực và trên phạm vi toàn huyện.

Trong năm 2024, huyện Đại Từ đã đã ban hành 85 văn bản chỉ đạo, triển khai và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác CCHC trên địa bàn. Năm 2024, cấp huyện đã thực hiện số hóa 4.360/4.541 hồ sơ, đạt 96,01%; cấp xã số hóa 43.110/43.618 hồ sơ, đạt 98,8%. Cấp huyện đã thực hiện niêm yết, công khai 302 TTHC, cấp xã niêm yết 123 thủ tục.

Hồ sơ dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 78,55%; TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính thực hiện thanh toán trực tuyến đạt 73,55%. Tỷ lệ hồ sơ TTHC do UBND cấp huyện tiếp nhận giải quyết đúng hạn đạt 99,72%. Ngoài ra, việc thực hiện kết nối, liên thông các Hệ thống quản lý văn bản điều hành từ cấp huyện đến cấp xã đạt 100% (gần 11.600 văn bản); tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan, đơn vị trên địa bàn dưới dạng điện tử đạt 100%.

Bên cạnh chú trọng cải cách TTHC, thời gian qua, huyện Đại Từ cũng tập trung làm tốt công tác cải cách bộ máy hành chính Nhà nước; chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính công vụ, trong năm 2024, huyện đã tổ chức gần 20 cuộc kiểm tra về CCHC, công vụ đối với các xã, thị trấn. Qua kiểm tra đã kịp thời chấn chỉnh cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

Chỉ số hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước năm 2024 (SIPAS) của huyện Đại Từ đạt 92,95%, dẫn đầu các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Đầu tháng 4-2025, huyện đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Văn hóa công vụ tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2024-2025, trên địa bàn huyện Đại Từ với các yêu cầu cụ thể về tinh thần, thái độ làm việc; chuẩn mực giao tiếp, ứng xử; chuẩn mực về đạo đức, lối sống; trang phục của cán bộ, công chức, viên chức.

Với mong muốn tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của chính quyền cơ sở trong việc xây dựng nền hành chính phục vụ, thân thiện, hiện đại và hiệu lực, hiệu quả, gần dân, tháng 9-2024, huyện Đại Từ đã triển khai mô hình điểm “Chính quyền thân thiện, nhân dân phát huy quyền làm chủ” tại một số UBND cấp xã trên địa bàn huyện. Chỉ sau một thời gian ngắn thực hiện, mô hình đã chứng minh được hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng và thực hiện phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân” trong đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Ông Triệu Văn Đông, Bí thư Đảng ủy xã La Bằng: Các quy trình, thủ tục, hồ sơ, giấy tờ, phí, lệ phí giải quyết TTHC đều được xã công khai, minh bạch, tạo điều kiện để nhân dân giám sát cơ quan, tổ chức, cán bộ thực thi công vụ, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và các tổ chức đến giao dịch liên hệ công tác. Giai đoạn 2020-2025, xã đã giải quyết được khối lượng lớn hồ sơ tồn đọng từ những năm trước, nhất là lĩnh vực đất đai. Tỷ lệ giải quyết TTHC qua dịch vụ công đạt 92,8%, trừ những thủ tục thuộc phạm vi bí mật Nhà nước…

Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ, nâng cao mức độ hài lòng của người dân và tổ chức, doanh nghiệp, huyện tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung vào việc nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, UBND cấp xã trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện toàn diện nhiệm vụ CCHC, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tích cực cải thiện kết quả đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực hiện trên môi trường điện tử tại Quyết định số 766/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, đơn giản hóa TTHC, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, bãi bỏ, sửa đổi các TTHC chồng chéo, không phù hợp…