Hiện nay, tỷ lệ người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm gần 30% dân số toàn tỉnh. Để giúp đồng bào vươn lên phát triển kinh tế - xã hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Thực hiện Nghị quyết, các địa phương trong tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào DTTS và ngày càng tạo được nhiều chuyển biến tích cực.
Cây ngô giống mới được chuyên canh tại nhiều vùng có đông đồng bào DTTS trong tỉnh, giúp đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao thu nhập cho người dân. |
Ngay sau khi Nghị quyết số 04-NQ/TU được ban hành, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện. HĐND tỉnh ban hành nhiều nghị quyết có tác động tích cực, trực tiếp hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng có điều kiện khó khăn, vùng nông thôn, vùng sâu, xa, vùng đồng bào DTTS.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, trong đó phân công rõ trách nhiệm của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tham mưu thực hiện các mục tiêu cụ thể. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân hiểu và nắm rõ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc.
Từ đó, tạo được sự thống nhất cao về nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực hiện công tác dân tộc. Cùng với đó là việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU được các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh quan tâm thực hiện thường xuyên, nghiêm túc.
Cụ thể, công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng nguồn nhân lực là người DTTS luôn được tỉnh quan tâm, triển khai thực hiện bảo đảm cơ cấu, tỷ lệ, chất lượng theo quy định. Hiện nay, tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã vùng DTTS có trình độ cao đẳng, đại học là 92,4%; số cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS tham gia cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng.
Các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là đường giao thông, công trình thủy lợi, chợ, trường học, trạm y tế, nhà văn hoá ở vùng tập trung đông đồng bào DTTS tiếp tục được Thái Nguyên ưu tiên đầu tư.
Kết quả đánh giá hàng năm về công tác dân tộc của tỉnh nêu rõ: 100% hộ DTTS trên địa bàn tỉnh được sử dụng điện lưới quốc gia; dịch vụ phát thanh, truyền hình, viễn thông, tiếp cận công nghệ thông tin phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của đồng bào được đảm bảo...
Xã Yên Trạch (Phú Lương) nâng cấp đường giao thông tới vùng đồng bào DTTS. |
Một trong những việc khó khăn nhất trong công tác dân tộc là giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống. Những nội dung này cũng đã được chính quyền các địa phương quan tâm, triển khai theo lộ trình.
Đặc biệt, việc hỗ trợ phát triển sản xuất cho vùng đồng bào DTTS theo chuỗi giá trị được 9 huyện, thành phố trong tỉnh thực hiện hiệu quả. Về nguồn lực, trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025, Thái Nguyên dành tổng vốn đầu tư gần 840 tỷ đồng cho công tác này và triển khai các dự án, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý điều hành, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao tay nghề cho 346 hợp tác xã thuộc vùng đồng bào DTTS.
Từ nguồn lực đầu tư và chuyển giao khoa học kỹ thuật, kinh tế ở vùng đồng bào DTTS của tỉnh được cơ cấu theo hướng tập trung, quy mô lớn, sản xuất an toàn, hữu cơ, phù hợp với nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tập trung phát triển những sản phẩm chủ lực của tỉnh, sản phẩm OCOP. Tính đến tháng 6/2023, toàn tỉnh có 119 sản phẩm sản phẩm OCOP, của 66 chủ thể, được công nhận từ 3 sao trở lên, thuộc vùng DTTS và miền núi.
Các chính sách về y tế - dân số, giáo dục, văn hóa ở vùng DTTS được tỉnh đặc biệt quan tâm và đạt được nhiều kết quả tích cực; tình hình quốc phòng - an ninh ở vùng DTTS luôn được giữ vững ổn định...
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế cho thấy, một số vùng có đông đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh vẫn cần được tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nhất là nâng cấp đường giao thông, phát triển hệ thống lưới điện phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất. Cùng đó là hoàn thiện các chính sách về giáo dục, y tế, văn hóa để đồng bào DTTS được hưởng lợi từ thành quả phát triển chung của tỉnh.
Xác định vấn đề dân tộc, đặc biệt là phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, từ nay đến cuối nhiệm kỳ, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm việc quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc.
MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức thêm những hoạt động hướng về cơ sở; tăng cường công tác nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện, tham mưu giải quyết các vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS. Đồng thời, triển khai có hiệu quả các dự án, chương trình giảm nghèo bền vững; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc để gây bất ổn tình hình, xâm phạm an ninh quốc gia...
Tính đến giữa năm 2023, toàn tỉnh có 82/100 xã vùng DTTS và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; 100% các xóm, bản có điện lưới quốc gia; tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế là 100%; 92% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS giảm 3,36%; lao động vùng đồng bào DTTS qua đào tạo đạt 72%; trên 93% các gia đình DTTS đạt chuẩn văn hóa; 94% các xóm, bản đạt tiêu chuẩn văn hóa... |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin