Giảm nghèo cần bền vững

Trinh An 17:02, 18/12/2023

Thời gian qua, Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tỉnh quan tâm thực hiện, góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo miền núi, vùng cao. Tuy nhiên, mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với hộ nghèo và vùng khó khăn cần có những giải pháp lâu dài, tạo sinh kế để giảm nghèo mang tính bền vững.

Chương trình hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất giúp người dân xã Phú Đình (Định Hóa) đầu tư thâm canh, tạo vùng chè an toàn.
Chương trình hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất giúp người dân xã Phú Đình (Định Hóa) đầu tư thâm canh, tạo vùng chè an toàn.

Đến nay, 100% các xã miền núi, vùng cao trong tỉnh đã có đường ô tô đến trung tâm; trên 99% các xóm thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi có đường ô tô đến trung tâm xóm được cứng hóa; 100% các xóm có điện lưới Quốc gia; trên 95% số gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. 

Cùng với đó, 100% các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi có trường học kiên cố, nhà công vụ cho giáo viên, nhà ở cho học sinh ở những nơi cần thiết. Trên 90% số xã có bác sĩ. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi ước giảm 2,1%. Toàn tỉnh giảm 5 xã đặc biệt khó khăn so với năm trước…

Đối với Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, năm 2023, theo kết quả sơ bộ, số hộ nghèo toàn tỉnh giảm 1,23%, hộ cận nghèo giảm 0,78% và hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 2% (hoàn thành kế hoạch đề ra). 

Việc thực hiện chỉ tiêu giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản đạt kết quả cao, như: 100% người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ, kết nối, tư vấn, định hướng việc làm; trên 97% trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo đi học đúng độ tuổi; 100% người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; 94% hộ nghèo, cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 80% hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông internet...

Thực tế, quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn gặp nhiều khó khăn. Việc rà soát các quy hoạch ngành, lĩnh vực ưu tiên chưa kịp thời; nhiều xã còn lúng túng trong công tác xây dựng quy hoạch, định hướng phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. 

Một số xã mới tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng công trình trụ sở, nhà văn hóa, trường học... mà chưa chú trọng đầu tư phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân. Việc thực hiện các dự án thành phần của Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo vững không đồng đều ở các địa phương; tỷ lệ giải ngân dự án còn chậm...

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thời gian tới, tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giảm nghèo, xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Tỉnh tiếp tục rà soát nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo đa chiều gắn với phát triển bền vững, đảm bảo mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản của người dân.

Địa phương thực hiện phân cấp, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác giảm nghèo; ưu tiên triển khai các dự án thành phần thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia tại các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. 

Đồng thời, tỉnh thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ thường xuyên đối với hộ nghèo, thuộc diện chính sách bảo trợ xã hội; nâng cao năng lực của đội ngũ những người làm công tác giảm nghèo...