Cùng với việc quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, bà con đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), nhất là ở vùng sâu, vùng xa trên cả nước nói chung, tại Thái Nguyên nói riêng còn được Đảng, Nhà nước dành nhiều cơ chế, nguồn lực để thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe, qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Người dân xã Bảo Cường (Định Hóa) được khám bệnh tại Trạm Y tế xã. |
Toàn tỉnh hiện có trên 384 nghìn người DTTS, chiếm gần 30% số dân, sinh sống tập trung ở 4 huyện miền núi và 1 huyện vùng cao. Những năm gần đây, bà con đã dần hình thành thói quan tìm tới trạm y tế xã hoặc trung tâm y tế/bệnh viện huyện, tỉnh để thăm khám. Có được điều này là nhờ vì ý thức về chăm sóc sức khỏe của người dân được nâng cao và việc khám, chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cũng ngày càng thuận lợi, lại không phải chi phí nhiều cho mỗi lần đi viện.
Bà Phan Thị Hảo, xóm Hợp Tiến, xã Phú Tiến (Định Hóa), đưa cháu nội ra Trạm Y tế xã để cắt chỉ vết thương do bị ngã xe đạp, chia sẻ: Việc khám, chữa bệnh của người dân giờ rất thuận lợi. Khi bị những bệnh thông thường, chúng tôi đều ra Trạm để bác sĩ khám, không phải chờ đợi. Ngay cả những người tiểu đường hay cao huyết áp cũng được điều trị ổn định, có thể lấy thuốc ngay tại xã, nên đỡ “mất ngày, mất buổi”. Thái độ phục vụ của các y, bác sĩ rất nhiệt tình, niềm nở.
Hiện, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh ngày càng được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị khang trang, hiện đại, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Ngay tại huyện miền núi Định Hóa hay huyện vùng cao Võ Nhai đều được trang bị các loại máy như: chụp cắt lớp vi tính, chạy thận nhân tạo, X.quang kỹ thuật số, sinh hóa, siêu âm 4D, hệ thống nội soi tiêu hóa, hệ thống nội soi tai - mũi - họng...
Nhờ đó, nhiều kỹ thuật vượt tuyến đã được thực hiện thành công, như: mổ nội soi, chạy thận nhân tạo, chụp CT scanner, tán sỏi nội soi ngược dòng bằng lazer; tiêu sợi huyết cho bệnh nhân tai biến mạch máu não, nối gân, nội soi ruột thừa, chửa ngoài tử cung, đóng đinh xương đòn, nẹp vít xương…
Tính đến đầu tháng 9-2024, tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh là 93,3%; phấn đấu hết năm 2025 có 98% đồng bào DTTS tham gia BHYT; trên 95% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế. Tỉnh cũng sẽ tập trung hỗ trợ người DTTS tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại; tiếp tục khống chế, tiến tới loại bỏ dịch bệnh ở vùng đồng bào DTTS và miền núi... |
Để đạt mục tiêu này, nhiều giải pháp đã được tỉnh và cơ quan chuyên môn triển khai. Trong đó phải kể đến việc hỗ trợ thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh việc thực hiện tốt các quy định, hướng dẫn của Trung ương, trong 2 năm 2022 và 2023, BHXH tỉnh đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp và sở, ngành liên quan vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm tặng trên 8.000 thẻ BHYT cho người dân ở các xã mới về đích nông thôn mới nhưng vẫn còn nhiều khó khăn...
Ông Đỗ Trọng Vũ, Phó Giám đốc Sở Y tế: 100% các xã vùng đồng bào DTTS đã đạt chuẩn quốc gia về y tế; có đủ nhân lực để thực hiện đầy đủ các chức năng về dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu; có giường để sơ, cấp cứu, đỡ đẻ thường, thực hiện một số dịch vụ cơ bản về sản, phụ khoa, nhi khoa, cung cấp các dịch vụ kế hoạch hoá gia đình… Nhờ đó, tỷ lệ trẻ em được tiêm phòng đủ 8 bệnh truyền nhiễm đạt trên 95%; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân dưới 15%; tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt trên 96%; 100% đồng bào DTTS vùng khó khăn, diện hộ nghèo, hộ cận nghèo được cấp thẻ BHYT…
Thái Nguyên đang triển khai các hoạt động của Dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn I từ năm 2021-2025. Bước đầu đã cho thấy những chuyển biến trong công tác dân số, chăm sóc sức khỏe vùng DTTS.
Các hoạt động khám bệnh, tư vấn sức khỏe và cấp phát thuốc miễn phí cho người dân vùng sâu, vùng xa thường xuyên được tổ chức. Ảnh: H.T |
Thực hiện Dự án này, năm 2024, tỉnh đã được cấp trên 318 triệu đồng để các huyện triển khai khám sàng lọc sức khỏe cho người cao tuổi tại các xã vùng DTTS; tổ chức các hoạt động truyền thông tư vấn cho lứa tuổi vị thành niên trước khi kết hôn, chăm sóc sức khỏe sinh sản; hướng dẫn cách chế biến thức ăn tại các thôn, bản có số trẻ em suy dinh dưỡng cao bằng hình thức trình diễn tại chỗ. Ngành Y tế tỉnh cũng đã tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ khám sức khỏe sàng lọc một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi tại các xã vùng dự án…
Nhằm nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng đồng bào DTTS trong thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào các DTTS trong việc chăm sóc sức khỏe. Tăng cường công tác đào tạo nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế tại các trạm y tế xã, y tế thôn/bản, cũng như đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho y tế tuyến xã. BHXH tỉnh tiếp tục triển khai vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ mua tặng thẻ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn; tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người DTTS, người cao tuổi…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin