Nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của người dân, thời gian qua, TP. Thái Nguyên luôn quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Mục tiêu là giúp nông dân lựa chọn nghề phù hợp, nắm vững kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, từng bước ổn định đời sống, cải thiện thu nhập.
Được tham gia học nghề nên các kiến thức về chăm sóc cây trồng được chị Nguyễn Thị Huệ, xóm Thanh Chử, xã Linh Sơn (TP. Thái Nguyên), nắm rất chắc và áp dụng hiệu quả vào phát triển kinh tế gia đình. |
Gia đình anh Lý Đức Kiên, xóm Đồng Lạnh, xã Phúc Xuân, có hơn 3.000m2 chè cành từ 2 đến 4 năm tuổi. Để nắm vững kiến thức trồng, chăm sóc và chế biến chè, năm 2021, anh Kiên đã đăng ký tham gia lớp học nghề do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên (GDNN&GDTX) TP. Thái Nguyên tổ chức. Sau 3 tháng học tập, anh đã có thêm nhiều kiến thức để áp dụng vào thực tiễn sản xuất tại gia đình.
Anh Kiên cho hay: Các kiến thức đã học được tôi áp dụng ngay vào việc trồng, chăm sóc chè của gia đình. Những kỹ thuật lựa chọn cây giống, cách ủ phân hữu cơ sử dụng nguyên liệu từ tự nhiên như rơm rạ, đậu đỗ, cây phân xanh... được áp dụng đúng vào từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây chè nên đã mang lại hiệu quả thiết thực. Diện tích chè của gia đình tôi ngày càng phát triển xanh tốt, cây khỏe. Bình quân mỗi lứa, gia đình tôi có thể thu được gần 1 tạ chè búp khô. So với trước kia, giá bán thành phẩm cũng cao hơn khoảng 10-15%.
Tương tự anh Kiên, chị Nguyễn Thị Huệ, xóm Thanh Chử, là một trong nhiều học viên theo học lớp trồng cây có múi năm 2021 do Trung tâm GDNN&GDTX TP. Thái Nguyên mở, dành cho hội viên nông dân xã Linh Sơn. Áp dụng các kiến thức học được, ngoài chăm sóc hơn 2.000m2 ổi, chị Huệ còn mạnh dạn cải tạo gần 1.000m2 đất vườn để trồng các loại cây khác, như: Vú sữa Hoàng Kim, cherry và nhiều loại cây cảnh có giá trị.
Chị Huệ chia sẻ: Bên cạnh những kiến thức trong chăm sóc cây trồng, tại lớp học, chúng tôi còn được trao đổi, học tập kinh nghiệm của các học viên. Cụ thể, tôi học được đối với cây ổi cần phải cắt tỉa cành đúng kỹ thuật; cách trộn thuốc bảo vệ thực vật đúng tỷ lệ… Nắm chắc kỹ thuật nên việc trồng, chăm sóc các loại cây nông nghiệp với tôi bây giờ rất nhàn. Hiện nay, từ thu hoạch ổi, mỗi năm gia đình có thể thu lãi 300-350 triệu đồng.
Không chỉ anh Kiên, chị Huệ, với mục tiêu đào tạo nghề sát với nhu cầu thực tiễn, những năm qua, hàng trăm học viên qua các lớp đào tạo nghề do Trung tâm GDNN&GDTX TP. Thái Nguyên tổ chức đã vận dụng sáng tạo vào thực tiễn sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Với chức năng nhiệm vụ được giao, thời gian qua, Trung tâm GDNN&GDTX TP. Thái Nguyên đã thường xuyên đổi mới, cập nhật những nghề nghiệp đáp ứng theo nhu cầu thị trường. Hiện nay, Trung tâm đang đào tạo các nghề như: May công nghiệp, hàn điện, sửa chữa máy công - nông nghiệp, kỹ thuật xây dựng, trồng chè, trồng và nhân giống nấm, nuôi và phòng trị bệnh cho lợn, sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi, đan lát thủ công, trồng rau an toàn, trồng hoa, kỹ thuật chế biến món ăn, trồng cây có múi….
Bình quân mỗi năm, Trung tâm GDNN&GDTX TP. Thái Nguyên phối hợp với các địa phương tổ chức được 6-7 lớp học nghề, với trên 200 học viên tham gia. |
Ông Nguyễn Đức Hạnh, Giám đốc Trung tâm GDNN&GDTX TP. Thái Nguyên, cho biết: Trung tâm xây dựng chương trình đào tạo với các ngành nghề phù hợp theo từng năm. Trong đó, chúng tôi đặc biệt quan tâm khảo sát những hộ dân bị thu hồi đất để phối hợp đào tạo nghề theo nhu cầu, tạo sinh kế bền vững cho người dân. Qua đánh giá, thời gian qua, nhận thức của người dân về học nghề ngày càng tích cực hơn, bà con hiểu rõ được lợi ích của việc học nghề là để có tay nghề vững chắc, có thêm cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập.
Theo kế hoạch, trong năm 2023, Trung tâm GDNN&GDTX TP. Thái Nguyên sẽ phối hợp tổ chức 5-6 lớp dạy nghề, với các ngành đào tạo, như: Trồng hoa, trồng chè, trồng cây có múi, nuôi và trị bệnh cho gà, may công nghiệp và một số nghề ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ trong quá trình đô thị hóa…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin