Nhà báo Lưu Sỹ Mùi - Người mang yêu thương đến những mảnh đời khốn khó

Lưu Phượng 07:32, 14/06/2024

Trong giới báo chí Thái Nguyên, nhắc đến những nhà báo tích cực làm thiện nguyện không thể không nhắc đến ông Lưu Sỹ Mùi, nguyên Trưởng Phòng Trị sự - Bạn đọc (Báo Thái Nguyên). Với trái tim yêu thương, nhân hậu, cộng với trách nhiệm của một nhà báo và nỗi day dứt, trăn trở từ những phận người đã gặp, ông đứng ra kêu gọi, kết nối, trực tiếp giúp đỡ nhiều người nghèo, nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC). Không chỉ truyền động lực cho các mảnh đời khốn khó, những việc làm của ông đã thắp lên “ngọn lửa” nhân ái, góp phần làm nên những câu chuyện cổ tích giữa đời thường.

Quầy hàng từ thiện của nhà báo Lưu Sỹ Mùi (thứ 5 từ bên phải) là nơi tập kết, trung chuyển đồ dùng, các nhu yếu phẩm để tặng người nghèo.
Quầy hàng từ thiện của nhà báo Lưu Sỹ Mùi (thứ 5 từ bên phải) là nơi "tập kết", trung chuyển đồ dùng, các nhu yếu phẩm để tặng người nghèo.

Dù đã nghỉ hưu được 10 năm nhưng nhà báo Lưu Sỹ Mùi không nghỉ việc mà vẫn tích cực viết tin, bài cộng tác với nhiều báo, đồng thời thường xuyên làm thiện nguyện, tham gia công tác xã hội như "con ong chăm chỉ góp chút mật thơm dâng đời". Hiện nay, ông là tình nguyện viên, hội viên tích cực của Hội Chữ thập đỏ, Hội Người cao tuổi, Ủy viên Ban Chấp hành Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Thái Nguyên, Phó Ban Thi đua tuyên truyền, Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh...

Ở lĩnh vực nào ông cũng được tặng Bằng khen, Giấy khen của các đơn vị cấp Trung ương đến địa phương. Trong đó, công việc mà ông luôn đau đáu, nặng lòng, dành nhiều thời gian nhất là tuyên truyền, vận động, giúp đỡ người nghèo, NNCĐDC.

Trước đây, khi còn công tác ở Báo Thái Nguyên, ông Mùi thường xuyên viết bài kêu gọi, đứng ra kết nối giúp đỡ cho các hoàn cảnh khó khăn. Nhiều trường hợp, bài đăng xong ông mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo cơ quan phối hợp với các đơn vị xây nhà tình nghĩa; vận động cán bộ, viên chức, người lao động của cơ quan chung tay giúp đỡ về tiền của, vật chất cho nhân vật của mình.

Song, theo ông Mùi, việc làm thiện nguyện rõ ràng và thiết thực hơn từ năm 2014, khi ông nghỉ hưu ở Báo Thái Nguyên và tham công tác tại Hội NNCĐDC/dioxin, với vai trò là Phó Chủ tịch Hội. Lúc này, ông có nhiều thời gian để đến thăm các gia đình NNCĐDC. Chứng kiến những thân người tàn tạ, chân tay co quắp, ánh mắt thẫn thờ, ngây dại và cảnh sống khổ cực, đau đớn của những NNCĐDC, ông càng thấm thía giá trị của tình thương và mong muốn làm nhiều việc để xoa dịu phần nào nỗi đau da cam nói riêng, sẻ chia với người nghèo khó nói chung.

Và ông lại tăng cường viết bài, đến vận động các đơn vị, nhà hảo tâm cùng Hội NNCĐDC giúp đỡ nạn nhân bằng nhiều hình thức như: xây nhà đại đoàn kết, tặng quà, xe lăn, khám sức khỏe miễn phí, hỗ trợ vốn, giới thiệu, tạo việc làm cho NNCĐDC, thương bệnh binh và con em họ…

Cũng thời điểm này, ông mở quầy hàng từ thiện mang tên “Nhà báo Lưu Sỹ Mùi vì người lao động nghèo” tại nhà. Với phương châm “Ai cần thì đến lấy, có thì mang đến”, quầy hàng là nơi tiếp nhận và trao tặng quần áo, chăn màn, đồ gia dụng với giá “0 đồng”.

10 năm qua, quầy hàng từ thiện của ông đã nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người, “hàng” về đến đâu lại được chuyển tặng hết đi đến đó. Vào các dịp lễ, tết, Tháng cao điểm vì người nghèo, ông cũng vận động tặng quà là nhu yếu phẩm cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường Gia Sàng, cũng như hội viên các tổ chức hội ông tham gia.

Nhà báo Lưu Sỹ Mùi cùng vợ tiếp nhận, phân loại quần áo, chăn ấm, đồ dùng gia dụng tiếp nhận được để dành tặng người nghèo.
Nhà báo Lưu Sỹ Mùi cùng vợ tiếp nhận, phân loại quần áo, chăn ấm, đồ dùng gia dụng tiếp nhận được để dành tặng người nghèo.

Nhận thấy việc hỗ trợ này đơn giản, lại thiết thực, năm 2020, ông mở thêm quầy hàng từ thiện nữa ở quê nhà tại xã Văn Yên (Đại Từ), vận động người thân cùng làm việc thiện. Ông phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện Đại Từ thành lập Câu lạc bộ thiện nguyện “Hương ngược gió” với 12 thành viên do ông làm Chủ nhiệm. Hằng năm, câu lạc bộ gắn địa chỉ nhân đạo, trao hàng trăm suất quà cho người nghèo ở các xã trong huyện.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Đại Từ, chia sẻ: Cách làm thiện nguyện của ông Mùi cũng rất đặc biệt, mộc mạc, chân chất như con người ông. Đó là ông gom đồ có giá trị sử dụng tốt từ thành phố chuyển về tặng bà con nghèo ở đây. Từng nếm trải cái đói, nghèo của nông dân, nhất là thiếu ăn vào lúc giáp hạt, nên ông thường xuyên trao các phần quà là gạo, mắm, muối, mì chính... vào đúng dịp giáp hạt và lễ, tết. Ông dùng chính căn nhà tổ tiên để lại làm nơi đặt quầy hàng từ thiện, sinh hoạt CLB.

Ngôi nhà riêng của hai vợ chồng ông tại phường Gia Sàng (TP. Thái Nguyên) thường xuyên có khách đến thăm. Khi là người nghèo đến nhận quà, khi thì các nhà hảo tâm đến trao tặng. Trong những năm qua, ông đã vận động các anh em, bạn bè, nhà hảo tâm tặng trên 1.000 chiếc chăn ấm, hàng tấn quần áo, đồ dùng gia dụng, hơn 100 chiếc xe lăn, hơn 70 xe đạp, hỗ trợ xây 40 nhà tình nghĩa và tặng hàng nghìn suất quà cho người nghèo, người khuyết tật, NNCĐDC... với tổng trị giá hàng trăm triệu đồng.

Ông Mùi tâm sự: Hành trình làm báo đã cho tôi nhiều trải nghiệm đáng quý. Tôi có cơ hội đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, nhất là những số phận kém may mắn. Chính họ đã khiến tôi thêm trân trọng cuộc sống. Tôi đã nắm bắt, lưu giữ các thông tin, hình ảnh, địa chỉ từng hoàn cảnh, từng xóm nghèo từ hồi làm báo để sẵn sàng cung cấp, giới thiệu cho các nhà hảo tâm tìm đến giúp đỡ.

Cũng vì là nhà báo, có nhiều bạn bè, nhiều mối quan hệ nên dù nghỉ hưu song ông vẫn kêu gọi được nhiều người trợ giúp cho công việc thiện nguyện. Ông tranh thủ vận động nguồn lực mọi lúc, mọi nơi, mọi người và khuyến khích nhà hảo tâm đến trao trực tiếp các hoàn cảnh hoặc chụp hình, đăng tin, bài về việc hỗ trợ để tạo niềm tin, lan tỏa việc thiện.

Trong những hoàn cảnh khó khăn, ông Mùi nhớ nhất là trường hợp bà Trương Thị Kiểm, xã Bảo Lý (Phú Bình), người phụ nữ bị cụt hai chân, đơn thân nuôi con. Qua bài viết, sự kết nối kêu gọi của ông, mẹ con bà được các đơn vị hỗ trợ xây căn nhà tình nghĩa và Báo Dân trí tặng 60 triệu đồng; hay ông ám ảnh nhất với những người phụ nữ là mẹ, vợ của NNCĐDC như bà Hoàng Thị Hằng, xã Động Đạt (Phú Lương), bà Trương Thị Lưu, xã Khôi Kỳ (Đại Từ)...

Năm nay tròn 70 tuổi đời nhưng nhà báo Lưu Sỹ Mùi vẫn khoẻ mạnh, lạc quan, chăm viết báo, làm thơ, say mê làm việc thiện. Ông bảo đời người ngắn ngủi, mình làm được gì giúp ích cho mọi người thì cứ làm, bởi theo ông “Cái quý hơn vàng mười/Là tình người cao cả”.