Bên chân đèo De (xã Phú Đình, Định Hóa) có một cụ già hằng ngày lụi cụi làm đàn tính. Cụ làm 2 loại đàn: Loại bán, tặng cho các nghệ nhân đàn tính; loại bán cho du khách mua về làm kỷ niệm. Đó là cụ Ma Đình Được, 82 tuổi, người dân tộc Tày, ở xóm Hoàng Hà.
Cụ Ma Đình Được giới thiệu với du khách về cây đàn tính. |
Với đồng bào dân tộc Tày, cây đàn tính được coi là vật báu trong đời sống văn hoá tinh thần. Bởi hầu hết các hoạt động trong đời sống hằng ngày của đồng bào đều gắn với cây đàn tính. Tuy nhiên, đồng bào dân tộc Tày không phải ai cũng biết chơi, làm đàn tính, nên việc làm ra cây đàn như cụ Được là một việc đáng kính.
Khi chúng tôi hỏi căn duyên gắn với cây đàn tính, cụ Được ôn tồn: Ban đầu, tôi làm để cho trẻ con chơi, sau làm cho các cháu thanh niên tập văn nghệ. Rồi quen tay, thạo việc, tôi làm đàn tính cho một số câu lạc bộ hát then trong vùng. Bắt đầu làm ra cây đàn thô kệch có âm thanh lịch bịch như đập bị bông, cho đến khi làm được cây đàn tinh xảo thể hiện được trường độ, âm vực đạt tới 3 quãng tám, tức là loại đàn phát ra được âm thanh chuẩn nhất là cả một lao khổ đời người. Do nhiều người có nhu cầu sở hữu cây đàn tính, đến tận nhà đặt mua, tôi mới đầu tư mua dụng cụ sản xuất đàn với số lượng lớn hơn để đáp ứng nhu cầu cho nhân dân, du khách.
Qua câu chuyện chúng tôi được biết thêm: Thời trẻ, cụ phục vụ trong Quân đội, rồi chuyển sang ngành Công an. Đời binh nghiệp, hết tiễu phỉ ở biên giới tỉnh Hà Giang lại lên bảo vệ biên giới tỉnh Cao Bằng. Khi hoàn thành nhiệm vụ, cụ tiếp tục tham gia nhiều công việc khác nhau tại địa phương như: Bí thư chi bộ, trưởng xóm, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Phó Chủ tịch Hội Đông y; Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã. Công việc bận rộn, nhưng cụ vẫn đau đáu vì xóm làng đang dần vắng đi tiếng đàn tính cùng câu then.
Cụ chia sẻ: Hát then, nếu không có đàn tính thì giống người đi rừng không mang dao, giống người ăn cơm không có muối và như con người sống không có tình yêu.
Để có một cây đàn như ý, cụ lên rừng tìm cây gỗ thừng mực, mang về xẻ lấy nguyên lõi làm cần đàn. Còn bầu đàn, cụ lựa tìm từ hàng trăm quả bầu trên giàn mới lựa được một. Mặt đàn làm bằng gỗ cây dâu được bào mỏng và đều như da trống, còn độ dày từ 1,5 đến 1,7 li. Ngựa đàn (bộ phận kê dây phối khí) làm bằng gỗ chẩn hoặc sừng trâu. Tất cả các vật liệu làm đàn đều được cụ sấy khô trên gác bếp để tránh co ngót.
Những năm gần đây, công việc làm đàn tính trở nên chuyên nghiệp hơn, cụ đặt mua tại các xưởng chế biến lâm sản làm cần đàn. Bầu đàn cụ đặt mua từ tỉnh Cao Bằng. Đương nhiên đó chỉ là phần thô, bởi cần đàn, bầu đàn và các bộ phận khác còn phải qua một số công đoạn thủ công mới hoàn thiện.
Vì sản xuất hàng loạt, nên các cây đàn đều có độ dài như nhau, giống như từ một khuôn đúc. Trông đơn giản, nhưng phải mất 5 ngày liên tục cụ mới hoàn thiện được 1 cây đàn. Từng công đoạn làm đàn đều cần sự tỉ mỉ, khéo léo, mạnh tay một chút là phải vất bỏ, làm lại từ đầu. Ví như ngựa đàn, đòi hỏi phải dùng dao sắc gọt nạo, tạo thành 2 chân đế. Chân đế phải loe tròn giống vòi con đỉa đặt bám vào mặt đàn. Giữa mặt đàn và vỏ bầu được gắn kết bằng nhựa củ nâu, sau cải tiến gắn keo con voi, nay sử dụng keo dán đa năng XIMO S3000. Loại keo này chắc bền hơn nhựa củ nâu và không bị nứt vỡ như keo con voi. Dây đàn trước đây tước tơ chuối, mang phơi khô, bện tết lại.
Làm đàn tính đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ đến từng chi tiết. |
Do mất nhiều công nên dây đàn được cải tiến sang sử dụng bằng dây cước Nhật Bản. Thú vị là loại cước này khi vào đàn, lên dây, mang sử dụng cho âm thanh hoàn hảo như dây đàn xưa bện bằng tơ chuối rừng. Cụ cho chúng tôi biết thêm: Đàn tính đã qua nhiều lần cải tiến, ngày xưa có 12 dây, sau giảm còn 9 dây, rồi 3 dây, 2 dây, nay lại là 3 dây. Đàn tính 3 dây có đa âm tiết hơn.
Cụ nói hóm hỉnh: Tôi đã làm ra những cây đàn câm, rồi đến những cây đàn “nói ngọng”. Đàn câm, đàn ngọng cũng có giá trị vì bọn trẻ có cái tập văn nghệ. Đó cũng là động lực thôi thúc tôi làm được cây đàn tốt hơn. Bản thân tôi cũng nhận thức được công việc mình đang làm là góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị tinh hoa truyền thống, một nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Vì thế tôi tìm tòi, học hỏi để làm ra những cây đàn tính hoàn thiện hơn.
Hơn 30 năm nay cụ đã làm ra trên 1.000 cây đàn tính. Nhiều cây đàn tốt được cụ biếu, tặng cho nghệ nhân hát then, đàn tính. Số lượng nhiều nhất là bán cho các trường học, câu lạc bộ. Nhiều du khách vào xóm trải nghiệm, thấy lạ mắt, lạ tai đã mua về làm quà lưu niệm.
Để bán được nhiều hơn, cụ mang đàn mình làm gửi các quầy hàng bán đồ lưu niệm ở một số điểm du lịch trong tỉnh, chủ yếu ở Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa. Nhiều du khách hứng thú trả cụ 1 triệu đồng/cây đàn tính, nhưng cụ chỉ nhận từ 500.000 đến 600.000 đồng/cây đàn.
Cụ chia sẻ: Du khách là người đến từ nhiều miền đất nước, có cả người nước ngoài, họ mua đàn, tập đánh đàn của dân tộc mình, tập hát bằng tiếng dân tộc mình, dù chỉ là 1 câu nhưng họ đang quảng bá về nét đẹp văn hóa tinh thần của vùng đất, quê hương, con người Thái Nguyên đến bạn bè trong nước, quốc tế.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin