Không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, nhiều cán bộ y tế của tỉnh Thái Nguyên còn có hành động đẹp khi trả lại của rơi cho người đánh mất. Những việc làm tử tế, ý nghĩa này của những “lương y như từ mẫu” đã, đang được lan tỏa trong nhịp sống hối hả hôm nay.
Anh Lương Trường Thọ, kỹ thuật viên Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện A Thái Nguyên, trả lại của rơi cho người đánh mất. |
Mới đây nhất là tấm gương của kỹ thuật viên Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện A Thái Nguyên - anh Lương Trường Thọ. Chia sẻ với chung tôi, anh Thọ cho hay: Cuối tháng 6 vừa qua, trong lúc đang thực hiện nhiệm vụ tại Khoa, tôi nhìn thấy một chiếc điện thoại Samsung vỏ xanh bị bỏ quên tại phòng chụp Xquang, bên trong ốp điện thoại có 5 triệu đồng tiền mặt. Sau gần 1 giờ đồng hồ chờ đợi chủ nhân chiếc điện thoại quay lại tìm nhưng không thấy, tôi đã báo cáo lãnh đạo Khoa và Bệnh viện, đồng thời cất chiếc điện thoại cùng số tiền này.
Cũng theo chia sẻ của anh Thọ, người dân khi phải đi viện, ngoài nỗi đau thể xác, tinh thần, còn phải mất thêm chi phí điều trị, sinh hoạt… Bởi vậy, anh hiểu số tiền này rất quan trọng với bệnh nhân.
Thật vui khi buổi chiều muộn hôm ấy, chủ nhân đã được nhận lại chiếc điện thoại và số tiền bị bỏ quên. Đó là bà Vũ Thị Thoan, ở Đại Từ, là bệnh nhân điều trị tại Khoa Nội Tổng hợp. Bà Thoan cho biết: Đây là toàn bộ chi phí để tôi điều trị tại Bệnh viện. Tôi thấy mình thật may mắn khi đã gặp được người cán bộ y tế tốt bụng như anh Thọ.
Hồi đầu tháng 6, điều dưỡng Đồng Thị Vân, Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên, cũng nhặt được một túi vải tự may ở cầu thang của Khoa Tiết niệu. Khi mở ra, chị phát hiện bên trong có hơn 5,5 triệu đồng nên đã nhanh chóng báo cáo với lãnh đạo Bệnh viện.
Hai ngày sau, vật đã trở về với chủ. Khi ấy, người để rơi túi tiền là bà Ngô Thị Hồng, bệnh nhân điều trị tại Khoa Tiết niệu, đã xuất viện. Nhận lại số tiền tưởng đã mất, bà Hồng vô cùng cảm động trước việc làm đầy ý nghĩa của điều dưỡng Vân và các y, bác sĩ Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên. Bà cho hay: Đây là số tiền rất lớn đối với gia đình tôi. Tôi vui lắm, không nghĩ để rơi số tiền lớn như vậy mà vẫn tìm lại được. Tôi rất cảm kích trước hành động cao đẹp này.
Trên thực tế, nhặt được của rơi trả người đánh mất là câu chuyện thường xảy ra tại các bệnh viện trong tỉnh. Bác sĩ Trương Mạnh Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện A Thái Nguyên, nói: Khi vào điều trị tại bệnh viện, nhiều người luôn có tâm trạng lo lắng, thấp thỏm. Bởi vậy, mỗi lần khám bệnh, siêu âm, lấy mẫu máu xét nghiệm…, nhiều người đã lơ đãng, để quên đồ vật như điện thoại, giấy tờ tùy thân, tiền bạc tại khu vực khám bệnh. Chỉ khi bà con để rơi tài sản ngoài đường, hoặc bị kẻ gian lấy trộm mới bị mất, còn nếu để quên tại các khoa, phòng của bệnh viện mà được các nhân viên y tế phát hiện sẽ được trả lại.
Có thể thấy, hành đồng không tham của rơi của những cán bộ y tế trong tỉnh là một hình ảnh rất đẹp. Những hành động này không chỉ gieo vào lòng người dân, bệnh nhân niềm tin, sự hy vọng về lòng tốt trong cuộc sống, mà còn thể hiện phẩm chất, vẻ đẹp trí tuệ, tâm hồn, sự nhân văn cao cả và lòng trung thực của các y, bác sĩ trong các cơ sở khám, chữa bệnh của tỉnh.
Nhiều năm nay, việc nhặt được của rơi trả người đánh mất đã trở thành việc làm ý nghĩa, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ y tế nói riêng, nhân dân trên địa bàn tỉnh nói chung. Hành động đẹp đẽ này rất cần được tuyên truyền, nhân rộng và lan tỏa trong cộng đồng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin