Về thị trấn Quân Chu (Đại Từ), hỏi ông Bàn Đức Báo thì ai cũng biết bởi ông là người có uy tín ở vùng đồng bào dân tộc, luôn được người dân quý trọng. Không chỉ gương mẫu trong mọi phong trào ở địa phương, ông còn lưu giữ được một kho tàng văn hóa dân tộc Dao để bảo tồn và truyền dạy cho đời sau.
Ông Bàn Đức Báo chép lại các cuốn sách cổ của người Dao để lưu giữ lâu dài. |
Góp phần giữ hồn dân tộc
Ông Bàn Đức Báo sinh năm 1957, ở tổ dân phố Chiểm, thị trấn Quân Chu, là người dân tộc Dao. Từ nhỏ, ông đã được cha ông truyền dạy văn hóa người Dao, viết chữ Dao và tình yêu văn hóa của đồng bào mình cứ lớn dần trong ông. Lớn lên, ông nhận thấy văn hóa dân tộc Dao rất đa dạng, các nhánh Dao cũng tương đối phong phú, mỗi nhóm đều có những nét đặc trưng riêng biệt, tất cả cùng cộng hưởng để tạo nên bức tranh với nhiều giá trị độc đáo.
Tuy nhiên, nhịp sống hiện đại đang khiến văn hóa đồng bào dân tộc Dao dần mai một, vì thế việc giữ gìn, xây dựng và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ngày càng trở nên cấp bách. Nghĩ vậy, 21 tuổi, ông tìm đến các cụ thông thạo chữ nôm Dao để học chữ và các bài thực hành nghi lễ trong các dịp lễ, tết.
Vừa học, ông vừa sưu tầm, tìm đọc sách, rồi chép lại. Đến nay, ông đang cất giữ 15 cuốn sách cổ: Nhân chi sơ, Ấu học và Sơ khai, Tích thời hiền văn, Minh tâm...
Từ số sách này, ông đã sao chép toàn bộ lại, rồi đóng quyển cẩn thận để lưu giữ cho đời sau. Cùng với giữ gìn và sao chép những cuốn sách của người Dao, ông còn lưu giữ cả một kho tàng văn hóa Dao, đó là kỹ năng thực hành nghi lễ cúng bái trong các dịp lễ, tết của người Dao như: lễ thanh minh, cơm mới, cấp sắc, tết nhảy, lễ tơ hồng, lễ hạ điền, thượng điền...
Để văn hóa Dao không bị mất đi, mấy năm nay, ông mở lớp dạy chữ Dao miễn phí cho đồng bào. Ai có nhu cầu học, ông đều nhận, nhà ông trở thành lớp học. Học trò của ông cũng đủ lứa tuổi, từ già đến trẻ, để người học dễ dàng tiếp thu, ông cũng phân chia ra theo trình độ của từng người, mà dạy những nội dung khác nhau. Trước tiên là dạy chữ, những người đã biết chữ thì ông dạy các kiến thức về văn hóa Dao.
Đến nay, ông đã dạy được hơn 20 học viên đọc thông, viết thạo chữ Dao và các nghi lễ của người Dao, những nét đặc trưng văn hóa Dao, các lễ nghi truyền thống, cách mặc trang phục của dân tộc. Ông cho biết: Công việc của khu dân cư nhiều lắm, một mình tôi gánh vác không xuể, nên phải dạy cho nhiều người để cùng chung tay. Hơn nữa, tôi cũng đã nhiều tuổi rồi, cũng chẳng thể sống mãi, vì thế càng cần truyền cho lớp trẻ để còn gìn giữ cho đời sau.
Cùng với việc mở lớp truyền dạy văn hóa Dao, ông Báo còn đứng ra thành lập Hội Nghệ nhân dân gian xã Quân Chu (nay là thị trấn Quân Chu) để tập hợp những người yêu thích văn hóa Dao, tạo sân chơi cho bà con cùng nhau sinh hoạt, trao đổi, học hỏi lẫn nhau. Từ đó thắp lên “ngọn lửa” tình yêu cho con em đối với văn hóa đồng bào dân tộc Dao, để văn hóa Dao ngày càng lan tỏa.
Tiếp “lửa” phong trào xây dựng nông thôn mới
Không chỉ dành cả đời để sưu tầm, lưu giữ, lan tỏa những nét đẹp văn hóa dân tộc mình, với vai trò người có uy tín trong trong cộng đồng dân cư, ông Báo luôn gương mẫu tích cực tham gia sinh hoạt với khu dân cư, Ban Công tác mặt trận, Ban hòa giải cùng bàn để đưa ra giải pháp thực hiện có kết quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Trong tất cả các phong trào, ông Báo luôn là người đi đầu, đồng thời vận động nhân dân và gia đình cùng tham gia hưởng ứng các phong trào như: thi đua sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư…
Đặc biệt là năm 2023, khi Đại Từ triển khai phong trào “Mở rộng đường xóm 6m” trên địa bàn huyện giai đoạn 2023-2025 và hưởng ứng phát động thi đua cao điểm “Đại Từ quyết tâm, chung sức xây dựng huyện nông thôn mới” năm 2023, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc tại địa phương, ông Báo đã đóng góp nhiều công sức cho phong trào.
Gia đình ông đã tự nguyện hiến 300m2 đất để làm đường giao thông trong tổ dân phố. Đồng thời, ông luôn tích cực phối hợp cùng các chi hội ở tổ dân phố thực hiện tốt chức năng, vai trò của mình, ông đã cùng các ban, ngành, đoàn thể vận động nhân dân hiến đất, tài sản để mở rộng đường tổ dân phố.
Những hộ chưa đồng ý, ông trực tiếp đến từng nhà để tuyên truyền, vận động, để các hộ hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, cũng như trách nhiệm của mình mà thực hiện theo chủ trương của Đảng, Nhà nước về mở rộng đường giao thông nông thôn. Kết quả, chỉ trong thời gian ngắn, người dân địa phương đã tháo dỡ 400m tường rào, hiến trên 5.000m2 đất, đóng góp 150 triệu đồng và trên 200 ngày công để mở rộng đường tổ dân phố từ 6-7m, với tổng chiều dài trên 2.500m.
Bên cạnh đó, sau khi xã Quân Chu và thị trấn Quân Chu sáp nhập, ông đã cùng với cán bộ các hội đoàn thể trong tổ vận động, tuyên truyền hội viên và nhân dân tích cực hưởng ứng xây dựng thị trấn Quân Chu đạt chuẩn đô thị văn minh, xây dựng tiêu chí phường, như xây dựng đường điện thắp sáng làng quê được 1.500m; trồng cây xanh tại các khu sinh hoạt cộng đồng được trên 200 cây; thường xuyên vệ sinh, quét dọn đường, nhà văn hóa...
Với những đóng góp đó, ông Bàn Đức Báo đã nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của tỉnh, huyện, ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin