Với mong muốn giúp người dân địa phương nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, ông Bùi Văn Dương (sinh năm 1978, Trưởng xóm Khe Nác, xã Động Đạt, huyện Phú Lương) đã tìm hiểu, tiên phong đưa giống măng tre lục trúc và cây gai xanh về trồng tại địa phương. Bước đầu, các loại cây này mang lại hiệu quả kinh tế.
Gia đình ông Bùi Văn Dương hiện trồng 350 cây măng lục trúc. |
Ông Bùi Văn Dương chia sẻ: Mặc dù không học qua trường, lớp dạy bài bản về kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, nhưng tôi luôn cố gắng tự tìm hiểu, học hỏi, đúc rút kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình.
Sau khi tham quan, học tập mô hình trồng măng lục trúc ở một số địa phương trong và ngoài tỉnh, nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, năm 2022, ông Dương đã đưa 350 gốc măng lục trúc về trồng trên 12 sào đất vườn của gia đình. Sau 1 năm trồng, cây măng bắt đầu cho thu hoạch và được Hợp tác xã Công nghệ cao Phú Lương vào tận vườn thu mua với giá 40 nghìn đồng/kg. Với giá bán này, gia đình ông Dương có thu nhập từ 20-25 triệu đồng/sào.
Theo đánh giá của ông Dương, măng lục trúc là loại cây chịu hạn tốt, ít bị ảnh hưởng bởi sâu bệnh, có thể thâm canh trên nhiều loại đất khác nhau… nên dễ trồng, chăm sóc. Từ năm thứ 2 trở đi, cây măng bắt đầu cho thu hoạch. Thời gian thu hoạch kéo dài từ tháng 7 đến tháng 10 (Dương lịch). Mỗi khóm, cây măng cho thu khoảng 20kg/năm. Măng lục trúc có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như nộm, luộc, xào… Với ưu điểm không bị đắng, he như một số loại măng khác nên được thị trường ưa chuộng.
Sau khi trồng thử nghiệm trên diện tích đất của gia đình, ông Dương đã tuyên truyền, vận động các hộ dân trong xóm cùng tham gia. Hiện, xóm Khe Nác đã có 35 hộ trồng cây măng lục trúc, với diện tích khoảng 8ha. Từ mô hình ở xóm Khe Nác, huyện Phú Lương đã khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng măng lên 35ha tại các xã: Động Đạt, Phủ Lý, Ôn Lương.
Không chỉ đưa cây măng lục trúc đến với bà con, ông Bùi Văn Dương còn trồng thử nghiệm cây gai xanh. Ông Dương cho hay: Trong một lần tham quan nhà máy chuyên sản xuất sợi gai ở tỉnh Thanh Hóa và tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi thấy, gai xanh là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, cho thu nhập cao gấp 4 lần so với trồng lúa. Năm 2022, tôi đã thuê 0,5ha đất của một hộ dân, trồng thử loại cây này để cung cấp sợi gai cho nhà máy. Theo đó, tôi đã được phía nhà máy hỗ trợ cây giống và chỉ phải trả lại tiền giống sau khi cây gai cho thu hoạch.
Ngoài trồng măng lục trúc, ông Dương còn trồng 0,5ha cây gai xanh, cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm. |
Gai xanh là cây công nghiệp, có vỏ được dùng làm nguyên liệu dệt những loại vải cao cấp. Trung bình mỗi năm, cây gai cho thu hoạch từ 5-6 lứa, mỗi lứa thu 400kg/0,5ha. Với giá bán hiện tại nhà máy đang thu mua là 4 nghìn đồng/kg, ông Dương có thêm thu nhập gần 100 triệu đồng/năm. Không những mang lại lợi nhuận về kinh tế, cây gai xanh còn có tác dụng phục hồi đất rất tốt. Sau khi thu hoạch phần vỏ, thân và lá cây sẽ được rải đều lên diện tích trồng làm phân hữu cơ; lá cây gai xanh còn có thể làm thức ăn chăn nuôi, lõi cây gai thì có thể dùng làm giá thể trồng nấm… - ông Dương chia sẻ thêm.
Là đảng viên, Trưởng xóm, ông Dương cho rằng: Nếu muốn bà con tin và làm theo, trước tiên, mình phải nêu gương, làm trước để bà con thấy hiệu quả của mô hình. Do đó, trước khi nhân rộng diện tích măng lục trúc và cây gai xanh trên địa bàn xóm, tôi đã tiên phong trồng thử nghiệm, chứng minh hiệu quả kinh tế 2 loại cây này để bà con thấy, sau đó triển khai đến người dân và nhân rộng; xây dựng thành mô hình điển hình để người dân ở những địa phương khác đến tham quan, học tập…
Bà Hoàng Thị Mai Song, Bí thư Chi bộ xóm Khe Nác, đánh giá: Ông Bùi Văn Dương là người luôn có tư duy đổi mới, mạnh dạn đưa những loại cây trồng mới về địa phương để thử nghiệm, trồng cho bà con thấy hiệu quả kinh tế. Không những thế, trong các phong trào ở địa phương, ông cũng luôn là người tiên phong, góp sức cùng địa phương trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Tính đến nay, trong tổng số gần 4km đường trục chính của xóm, đã có gần 1km được đổ bê tông rộng 6m, với 800m2 đất được hiến của 20 hộ dân. Các tuyến đường còn lại cũng đều đã được cứng hóa, rộng 3m… Trong đó vai trò của Trưởng xóm, ông Dương đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con đồng thuận, xây dựng hạ tầng xóm.
Với những đóng góp trên, năm 2023, ông Bùi Văn Dương vinh dự được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác hội và phong trào nông dân tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2018-2023; UBND huyện tặng nhiều Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Phú Lương chung sức xây dựng nông thôn mới”…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin