Chỉ một lần đặt chân đến mảnh đất Văn Yên (Đại Từ), chị Đỗ Thị Nguyên đã đem lòng yêu cây chè và những người dân hồn hậu, chất phác nơi đây. Chị đã cùng chồng tiếp nối truyền thống làm chè của gia đình anh, sau đó gây dựng nên thương hiệu chè Phúc Nguyên, góp phần đưa sản phẩm chè sạch Văn Yên đến nhiều tỉnh, thành phố.
Chị Đỗ Thị Nguyên tại đồi chè của thành viên Hợp tác xã chè Phúc Nguyên, ở xóm Dưới 3, xã Văn Yên (Đại Từ). |
Chị Đỗ Thị Nguyên sinh năm 1995, quê ở Hải Phòng, hiện là Giám đốc Hợp tác xã (HTX) chè Phúc Nguyên, ở xóm Dưới 3, xã Văn Yên. Chị Nguyên kể lại cơ duyên gắn bó với chè Thái: Năm 2017, trong một lần về thăm nhà bạn trai ở xã Văn Yên, tôi cảm thấy rất thích vùng đất và sản phẩm chè được chính tay người nông dân ở đây làm ra. Sau khi trở về TP. Hồ Chí Minh tiếp tục học tập, tôi nhận thấy hầu như không có cửa hàng nào chỉ bán chuyên về chè Thái Nguyên nên đã dùng hết số tiền tiết kiệm được để mở một cửa hàng nhỏ. Ngày khai trương cửa hàng, tôi bán được đúng 2 lạng chè. Rồi dần dà từ vài lạng chè, khách hàng uống thấy ngon và mua với số lượng nhiều hơn.
Đến khi mở cửa hàng thứ 2, lượng khách hàng ngày càng nhiều, chè không sản xuất kịp nên chất lượng không được ổn định như trước. Trước tình hình như vậy, năm 2018, chị Nguyên quyết định trở về xã Văn Yên xây dựng gia đình, cùng chồng tiếp tục phát triển sản phẩm chè truyền thống.
Bước chân vào nghề chè, mẹ chồng là người dạy chị Nguyên sao những mẻ chè đầu tiên. Chị kể lại: Làm chè không dễ như mình tưởng tượng, những mẻ chè đầu tiên tôi làm đều làm hỏng. Dần học hỏi kinh nghiệm của người đi trước nên tay nghề lên cao, tôi đã làm ra được những mẻ chè ưng ý với chất lượng ổn định.
Dẫn chúng tôi đi tham quan những vườn chè đẹp, từng luống thẳng tắp, đều đặn, trổ búp đều tăm tắp của các thành viên trong HTX, chị Nguyên nói: Cây chè được trồng ở những vùng đồi giúp cây quang hợp đều, đất thoát nước tốt và thoáng khí, cùng với đó là nguồn nước tinh khiết từ dãy Tam Đảo đổ về. Để nguồn cung cấp sản phẩm chè sạch ra thị trường được ổn định, năm 2022, tôi thành lập HTX chè Phúc Nguyên với 9 thành viên ban đầu, đến nay có hơn 60 hội viên, với 14ha chè VietGAP. Hiện nay, HTX có 5 lao động thường xuyên. Mỗi ngày, HTX thu hoạch từ 2-3 tạ chè tươi, sản lượng chè khô đạt 4 tấn/năm, doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng/năm.
Chị Đỗ Thị Nguyên pha trà mời khách. |
Cầm trên tay chén trà hoa nhài chính tay mình ướp hương với mùi hoa phảng phất, làm lay động vị giác của người thưởng thức, chị Nguyên giới thiệu: Loại trà này được chị em rất thích bởi đã được khử đi vị chát. Như chị thấy đấy, mặc dù ngồi trong phòng bật quạt nhưng mùi thơm của hoa vẫn lưu khá lâu, khi uống trà sẽ cảm nhận được mùi hương dễ chịu, không quá nồng. Để làm nên một mẻ trà hoa nhài thành phẩm phải mất 10 ngày. Nguyên liệu hoa nhài nhập từ Hà Nội, hoa được tách từng cánh trắng li ti nhỏ xíu, sau đó ướp vào trà, trà được “dệt hương” 3 lần và 1 lần “đề” thêm hoa nữa là 4. Loại trà này chỉ được sấy ở mức 75 độ C, nếu để nhiệt độ cao hơn sẽ làm mất mùi thơm của hoa.
Cứ mày mò từng chút một, chị Nguyên đã làm ra những sản phẩm được khách hàng ưa chuộng. Cùng với trà hoa nhài, chị còn sản xuất trà ướp hoa sen bách diệp của Hồ Tây, với trà nền là nõn tôm hảo hạng. Trà cũng được sấy bằng công nghệ sấy thăng hoa.
Đặc biệt, thành phẩm khi đến tay người thưởng thức là những búp sen bọc trà bên trong, rất bắt mắt. Loại trà này có thể bảo quản được 1 năm ở nhiệt độ thường mà không bị hỏng.
Chị Nguyên chia sẻ: Hoa sen nhập trực tiếp tại Hồ Tây theo mùa, một năm chỉ 3 đến 4 tháng. Cuối mùa sen, tôi nhập dôi ra hơn 500 bông để về ướp hương, sấy thăng hoa, để đảm bảo là luôn có trà bán dịp Tết. Ngoài ra, sản phẩm chủ lực của HTX vẫn là trà xanh với 9 sản phẩm, 3 dòng trà cơ bản: Dòng trà bình dân có mức giá dao động từ 200-400 nghìn đồng/kg; dòng trà đặc sản như trà Long Vân, trà Nõn Tôm có mức giá từ 600- 800 nghìn đồng/kg, dòng trà cao cấp nhất là trà đinh với giá 2,5 triệu đồng/kg. Bên cạnh việc bán hàng theo phương thức truyền thống, HTX còn bán hàng trên sàn thương mại điện tử để tiếp cận đông đảo khách hàng...
Với lợi thế kinh nghiệm kinh doanh từ trước nên chị Nguyên có cho mình một "tệp" khách hàng thường xuyên. Hiện nay, HTX có cửa hàng đại lý tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Nói về định hướng phát triển của mình trong tương lai, chị cho biết: Tôi muốn tiếp tục mở rộng diện tích nguồn nguyên liệu; liên kết, đồng hành với người dân trong việc thu mua, bao tiêu sản phẩm, đưa sản phẩm chè Văn Yên đến các thị trường trong và ngoài nước.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin