Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương có nguy cơ cao nhất trên toàn cầu về đề kháng kháng sinh (AMR). Là một trong những quốc gia có tỷ lệ AMR cao nhất trong khu vực, Việt Nam đã sớm phát triển Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống AMR vào năm 2013 và đã có những tiến triển mạnh mẽ dựa trên hợp tác công tư hiệu quả. Tuy nhiên, khi thách thức về AMR vẫn gia tăng thì quy mô và hình thái của những sự hợp tác này cũng cần phát triển. Nhân “Tuần lễ nâng cao nhận thức về kháng sinh toàn cầu”, bà Jennifer Cox, Tổng Giám đốc MSD Việt Nam (Công ty hàng đầu thế giới về được phẩm và sinh học, trụ sở tại Mỹ), chia sẻ cảm nhận từ một thập kỷ hợp tác chặt chẽ với các cơ quan hữu quan Việt Nam.
Bà Jennifer Cox, Tổng Giám đốc MSD Việt Nam. |
P.V: Thưa bà, AMR đã ảnh hưởng như thế nào đến Việt Nam và tác động của nó đến ngành Y tế và xã hội?
Bà Jennifer Cox: Kháng kháng sinh (AMR) xảy ra khi vi khuẩn, vi rút, nấm và ký sinh trùng thay đổi theo thời gian và không còn đáp ứng với thuốc khiến nhiễm trùng khó điều trị hơn và tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong. Điều này có nghĩa là tình trạng nhiễm trùng ngày càng trở nên phức tạp - hoặc trong một số trường hợp, không thể điều trị - và ngày nay, chúng ta phát hiện ra các loại vi khuẩn phát triển khả năng kháng thuốc nhanh hơn so với tốc độ chúng ta phát triển các loại thuốc kháng sinh mới.
AMR gây ra mối đe dọa to lớn cho sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu vì nó làm giảm hiệu quả của thuốc kháng sinh, dẫn đến các mầm bệnh đa kháng (MDR) và kháng trên diện rộng (XDR).
Vào năm 2019, gần 5 triệu ca tử vong trên toàn thế giới có liên quan đến AMR. Hơn nữa, AMR cũng có những tác động kinh tế nghiêm trọng vì nó dẫn đến chi phí y tế cao hơn, thời gian nằm viện kéo dài, do đó làm mất năng suất lao động và tăng tỷ lệ tử vong.
Nhìn vào Việt Nam trong trận chiến với AMR, tôi tin rằng Việt Nam đang ở đầu chiến tuyến vì là một trong những nước có tỉ lệ AMR cao nhất châu Á. Các lý do cơ bản chính là tỷ lệ sử dụng kháng sinh quá cao, cả ở bệnh viện và cộng đồng, cũng như việc lạm dụng thuốc kháng sinh đáng kể trong chăn nuôi.
P.V: Chiến lược AMR quốc gia đã được xây dựng từ năm 2013 và MSD đã hợp tác với các bệnh viện từ năm 2012. Những bước tiến nào đã đạt được trong 10 năm qua? Những thách thức nào còn lại?
Bà Jennifer Cox: Thực tế, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên trong khu vực Tây Thái Bình Dương xây dựng Kế hoạch Hành động quốc gia (NAP) vào năm 2013.
MSD đã làm việc với các bệnh viện về chương trình quản lý kháng sinh (AMS) từ năm 2012, thí điểm tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Một báo cáo công bố năm 2016 cho thấy tại bệnh viện Chợ Rẫy mức độ tuân thủ sử dụng kháng sinh theo hướng dẫn tăng 14,5% và lượng sử dụng kháng sinh giảm đáng kể, giảm 1,3% chi phí cho kháng sinh so với năm 2015.
Năm 2020, hợp tác với Bộ Y tế, MSD đã mở rộng chương trình này ra 36 bệnh viện. Sau một thập kỉ triển khai, chương trình AMS đã mở rộng đến 46 bệnh viện tính đến tháng 12-2021.
Tuy nhiên, điều chúng ta thấy rõ trong vài năm qua là AMR là một vấn đề phức tạp vượt ra ngoài lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Ví dụ, bên cạnh việc dễ dàng tiếp cận với bệnh nhân là con người, kháng sinh cũng được sử dụng rộng rãi trong chăn nuôi ở Việt Nam, chẳng hạn như gà, lợn, cá... như là một biện pháp để phòng ngừa nhiễm trùng, một lần nữa góp phần tăng tình trạng AMR.
Khi vấn đề AMR gia tăng theo thời gian, chiến lược của chúng ta cũng cần phát triển. Đó là lý do tại sao tôi cho rằng điều quan trọng trong năm nay là chương trình AMS giữa MSD, các bệnh viện và Bộ Y tế cần kết hợp cách tiếp cận hợp tác ‘Một Sức khỏe’, chung tay đa ngành và đa lĩnh vực.
P.V: Năm nay, sự hợp tác giải quyết vấn đề AMR giữa MSD và các bên liên quan ở Việt Nam sẽ mở rộng trọng tâm với cách tiếp cận “Một Sức khỏe”. Cách tiếp cận này so với cách tiếp cận trước đây như thế nào và nó sẽ giải quyết các thách thức quan trọng của AMR hiện tại như thế nào?
Bà Jennifer Cox: Không giống như trước đây, cách tiếp cận “Một Sức khỏe” đòi hỏi sự thay đổi tư duy theo hướng tìm kiếm các giải pháp phù hợp với toàn bộ hệ thống liên quan đến nhiều bên như các chuyên gia chăm sóc sức khỏe cho cả con người và vật nuôi, các chuyên gia khoa học môi trường, các nhà hoạch định chính sách, cộng đồng địa phương, thay vì chỉ từng bên riêng lẻ.
MSD đã phối hợp với Viện Sức khỏe Môi trường và Phát triển Bền vững (IEHSD) tổ chức chuỗi hội thảo khoa học về Kháng kháng sinh trong sức khỏe con người và vật nuôi. Chuỗi hội thảo thu hút hơn 200 chuyên gia trong lĩnh vực y tế và lĩnh vực nông nghiệp, y, bác sĩ từ các bệnh viện, cũng như các chuyên gia nghiên cứu và giảng dạy từ các viện nghiên cứu, trường đại học.
Hội thảo “Kháng kháng sinh: Cơ hội và thách thức” do Viện Sức khoẻ Môi trường và Phát triển bền vững (IEHSD) phối hợp với MSD Việt Nam tổ chức. |
Chúng tôi đã nhận được những khuyến nghị có giá trị từ hội thảo, bao gồm việc tăng cường giám sát và quản lý kháng sinh; nâng cao nhận thức của cộng đồng về AMR thông qua việc tận dụng các phương tiện truyền thông và mạng xã hội.
P.V: Vì AMR là một vấn đề toàn cầu, MSD đang đóng góp như thế nào trong cuộc chiến chống lại AMR bên ngoài Việt Nam?
Bà Jennifer Cox: Khi MSD đóng vai trò hỗ trợ chính trong nhiều dự án AMS cả trên toàn cầu và khắp châu Á - Thái Bình Dương, chúng tôi nhận thấy rằng AMR không thể bị loại bỏ chỉ bằng cách quản lý tốt. Chúng ta cũng cần vũ khí “tấn công” các loại kháng sinh mới và hiệu quả. Do đó, chúng tôi vẫn là một trong số ít các công ty dược phẩm toàn cầu đầu tư sâu vào nghiên cứu và phát triển kháng sinh mới.
Năm 2020, MSD tự hào đóng góp 100 triệu USD trong 10 năm vào Quỹ Hành động AMR, để giúp mang lại 2 đến 4 loại kháng sinh mới đến cho bệnh nhân vào năm 2030.
Sau cùng, các đóng góp kịp thời nhằm giải quyết vấn đề AMR có thể mang lại lợi ích lâu dài cho sức khỏe và sự phát triển ở cả khu vực này và hơn thế nữa. MSD tự hào đi đầu nhưng sẽ cần những nỗ lực tập thể và những đổi mới táo bạo để thực sự giành chiến thắng trong cuộc chiến này. Chúng tôi tin rằng con đường duy nhất để tiến bước là đi cùng nhau.
P.V: Xin cảm ơn bà!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin