Xoắn tinh hoàn là bệnh lý cấp cứu ngoại khoa, thường gặp ở trẻ em và có những triệu chứng gây nhầm lẫn với những bệnh lý khác. Phát hiện và điều trị xoắn tinh hoàn kịp thời giúp tránh những biến chứng nghiêm trọng như hoại tử tinh hoàn, teo tinh hoàn.
Bệnh nhân 16 tuổi được các bác sĩ Bệnh viện A Thái Nguyên phẫu thuật tháo xoắn tinh hoàn kịp thời. |
Đầu tháng 11 vừa qua, Khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện A Thái Nguyên, đã tiếp nhận một bệnh nhân nam 16 tuổi, ở xã La Bằng (Đại Từ), nhập viện trong tình trạng đau dữ dội bộ phận sinh dục, tinh hoàn trái co cao và sưng to hơn bên phải. Kết quả siêu âm chẩn đoán bệnh nhân bị xoắn tinh hoàn trái.
Sau đó, các bác sĩ Bệnh viện A Thái Nguyên đã chỉ định mổ cấp cứu và phẫu thuật tháo xoắn tinh hoàn kịp thời cho bệnh nhân. Trong quá trình phẫu thuật, tinh hoàn ban đầu tím sau đó hồng hào trở lại. Được phẫu thuật kịp thời nên sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, được xuất viện sau 1 tuần.
Theo các bác sĩ Khoa Ngoại Tiết niệu (Bệnh viện A Thái Nguyên), xoắn tinh hoàn là 1 bệnh lý tối cấp cứu, cần phải phẫu thuật tháo xoắn khẩn cấp trong 6 giờ đầu vì sau thời gian này tinh hoàn sẽ có nguy cơ hoại tử và phải cắt bỏ tinh hoàn. Xoắn tinh hoàn được chia thành 2 nhóm chính (xoắn ngoài tinh mạc hay còn gọi là ngoài màng và xoắn trong tinh mạc).
Xoắn tinh hoàn ngoài màng thường xảy ra ở thai nhi hoặc trẻ sơ sinh do tinh hoàn có thể xoay tự do và di động nhiều trong bìu. Bình thường tinh hoàn được treo và cố định bởi cấu trúc tinh hoàn – mào tinh hoàn ở phía sau.
Trong trường hợp bất thường với dị tật “hình cái kẹp chuông” tinh hoàn dễ bị xoắn do thiếu sự cố định trong bìu và thường là xoắn tinh hoàn trong màng. Xoắn trong tinh mạc là tình trạng tinh hoàn xoay tự do bên trong bìu, thường gặp ở thanh thiếu niên (10 – 20 tuổi).
Theo PGS.TS Dương Hồng Thái, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên (nguyên Trưởng Khoa Tiêu hóa - Tiết niệu): Bệnh nhân bị xoắn tinh hoàn thường có các biểu hiện như: Đau dữ dội và đột ngột ở một bên tinh hoàn (do tinh hoàn tự xoay quanh trục gây tắc nghẽn đột ngột thừng tinh, làm giảm hoặc tắc hoàn toàn lượng máu đến tinh hoàn), bìu sưng to đau; đau có thể lan lên phía trên, tinh hoàn bị xoắn có thể ở vị trí cao hơn bình thường (đau tinh hoàn có thể đột ngột hết đau dù chưa điều trị do sự thay đổi tư thế của bệnh nhân giúp tinh hoàn tự tháo xoắn).Nguyên nhân gây bệnh thường do bất thường của dây chằng bìu tinh hoàn. Xoắn tinh hoàn thường gặp ở nam giới dưới 30 tuổi, hay gặp nhất ở độ tuổi từ 12-18 tuổi.
Thực tế, xoắn tinh hoàn là một bệnh lý nguy hiểm, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, chúng sẽ gây nhiều biến chứng nghiêm trọng. Cụ thể là gây nhiễm trùng trường hợp tinh hoàn bị tổn thương hoặc chết mà không được loại bỏ có thể dẫn đến hoạt tử và nhiễm trùng.
Bệnh còn có thể gây teo tinh hoàn, nếu bệnh nhẹ không được điều trị có thể gây teo tinh hoàn và mất khả năng sản xuất tinh trùng. Nguy hiểm nhất là bệnh này có thể gây ra biến chứng rất nặng – vô sinh. Trường hợp mất 1 bên tinh hoàn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sinh sản của nam giới; mất cả 2 tinh hoàn thì người bệnh không có khả năng sinh con.
Xoắn tinh hoàn thực chất là xoắn thừng tinh (mạch máu và ống dẫn tinh) dẫn đến tinh hoàn thiếu máu nuôi và tổn thương, hoại tử. Bệnh sẽ gây biến chứng khôn lường nếu để tình trạng xoắn quá lâu, tinh hoàn có thể bị tổn thương vĩnh viễn...
Bởi vậy, nếu có dấu hiệu đau bụng, đau vùng bẹn bìu cần phải đến khám và chẩn đoán sớm tại các cơ sở y tế, không tự theo dõi và dùng thuốc tại nhà; xoắn càng lâu thì khả năng bảo tồn tinh hoàn càng thấp, ảnh hưởng rất lớn khả năng sinh sản và tâm lý của bệnh nhân.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin