Hỗ trợ tích cực cho người nhiễm HIV

Tùng Lâm 17:45, 01/12/2022

Khoảng 5 năm trở lại đây, đại dịch HIV/AIDS ở Thái Nguyên có xu hướng giảm mạnh khi tỷ lệ lây nhiễm chỉ dừng ở con số 0,36%. Những người có nguy cơ cao nhiễm HIV và hơn 4.750 người nhiễm HIV còn sống trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự hỗ trợ rất tích cực từ lực lượng y tế và các ngành chức năng.

Cấp phát thuốc ARV cho người nhiễm HIV tại Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên.
Cấp phát thuốc ARV cho người nhiễm HIV tại Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên.

Để hỗ trợ người nhiễm HIV, Thái Nguyên luôn tạo điều kiện cho các đối tượng này được tiếp cận với các dịch vụ y tế. Toàn tỉnh đang có 8 cơ sở điều trị HIV/AIDS cấp thuốc ARV. Tại các cơ sở này, người nhiễm HIV thường xuyên được khám, cấp phát thuốc điều trị đúng quy định.

Hiện, Thái Nguyên có trên 4.000 người nhiễm HIV đang điều trị ARV, đạt trên 85% số người nhiễm HIV còn sống, trong đó có hơn 96% bệnh nhân điều trị ARV có thẻ bảo hiểm y tế.

Anh L.T.H, ở phường Túc Duyên (TP. Thái Nguyên), cho hay: Tôi được hỗ trợ điều trị ARV hơn 10 năm rồi. Từ ngày sử dụng thuốc, tải lượng vi rút của tôi đã xuống dưới ngưỡng có thể lây nhiễm cho mọi người. Bởi vậy, tôi không cảm thấy tự ti mà luôn lạc quan, yêu đời, sống vui vẻ bên người thân và tích cực phát triển kinh tế gia đình.

Không chỉ hỗ trợ điều trị người nhiễm HIV bằng ARV, Thái Nguyên còn hỗ trợ dự phòng trước phơi nhiễm HIV. Lực lượng y tế đã làm tốt công tác truyền thông và đưa dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP) đến với người dân ở các huyện, thành phố.

Mới đây nhất, cuối tháng 8 vừa qua, Ban Quản lý tiểu dự án tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS (EPIC) tỉnh đã tổ chức phát động Chiến dịch điều trị ARV là dự phòng (bao gồm K=K, PrEP), với sự tham gia của hơn 300 học sinh, sinh viên, cán bộ y tế…

Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc ARV – hay gọi là PrEP, là một trong những can thiệp có hiệu quả nhất để dự phòng lây nhiễm HIV cho nhóm nguy cơ cao như MSM, người chuyển giới nữ, tiêm chích ma túy, vợ hoặc chồng hay bạn tình của người nhiễm HIV.  Hiện nay, PrEP là một phần trong chiến lược dự phòng HIV toàn diện, bao gồm cả việc sử dụng bao cao su. PrEP là biện pháp dự phòng nhiễm HIV bằng cách uống thuốc kháng HIV đều đặn hằng ngày, trước khi phơi nhiễm HIV. PrEP an toàn cho người dùng, cả phụ nữ mang thai và cho con bú.

Có thể thấy, những hoạt động trên đã tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi để người nhiễm HIV và nhóm có nguy cơ cao nhiễm HIV ở Thái Nguyên được điều trị ARV và dễ dàng tiếp cận dịch vụ dự phòng với chi phí thấp, hiệu quả cao. Trên địa bàn tỉnh đang có hàng nghìn khách hàng sử dụng dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP).

Ngoài ra, việc xây dựng được nhiều mô hình câu lạc bộ, nhóm hoạt động tích cực như: CLB “Đồng cảm”; Nhóm “Hoa Hướng Dương”; “Tình nguyện”; “Hoa Huệ”; “Làm mẹ”; “Bạn giúp bạn”; “Vòng tay nhân ái, hướng tới tương lai”… cũng đã giúp đỡ những người nhiễm HIV vượt qua được “khủng hoảng” ban đầu, có niềm tin vào cuộc sống và có những kiến thức cần thiết trong dự phòng lây nhiễm, khám, chữa bệnh và điều trị…

Đơn cử như Câu lạc bộ Thành công Phú Lương, được thành lập từ năm 2015 với 18 thành viên nòng cốt tham gia. Đến nay, sau hơn 7 năm đi vào hoạt động, CLB đã thực hiện có hiệu quả nhiều phần việc như: Tiếp cận những người sử dụng ma túy, truyền thông giảm hại, xét nghiệm sàng lọc HIV, chuyển gửi đến các cơ sở điều trị ARV; tư vấn, hỗ trợ những người sử dụng ma túy điều trị Methadone, hỗ trợ Phòng khám ngoại trú Methadone Phú Lương truyền thông về việc tuân thủ điều trị ARV: Không phát hiện = Không lây truyền và lợi ích của Methadone...

Thực tế cho thấy, việc hỗ trợ những người nhiễm HIV và các hoạt động hỗ trợ dự phòng trước phơi nhiễm HIV đã mang lại hiệu quả thiết thực. Kết quả này sẽ là động lực để Thái Nguyên tiếp tục triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ trong tương lai.

Trong đó, tỉnh sẽ tiếp tục duy trì một số hoạt động trọng tâm như: Tăng cường điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS bằng thuốc điều trị ARV; duy trì việc điều trị Methadone tại các địa phương; điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây truyền HIV...