Nỗ lực bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe để nhân dân đón Tết an lành

Theo NDĐT 17:39, 23/12/2022

Chiều 23/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì họp phiên lần thứ 19. Phiên họp được truyền trực tuyến tới điểm cầu 63 tỉnh, thành phố.

Phiên họp diễn ra dưới hình thức trực tiếp tại Văn phòng Chính phủ và trực tuyến đến các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Phiên họp diễn ra dưới hình thức trực tiếp tại Văn phòng Chính phủ và trực tuyến đến các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cuộc họp này đánh giá lại các công việc đã triển khai từ phiên họp lần thứ 18, mục tiêu nữa là để nhân dân có Tết an toàn, vui tươi, lành mạnh, phấn khởi, không để ai bị bỏ lại phía sau. Do đó, phải kiểm soát dịch Covid-19 tốt hơn, không để dịch chồng dịch; hạn chế các yếu kém như không để thiếu thuốc, vật tư, y tế; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, cung ứng các điều kiện cần thiết để chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Thủ tướng mong các đại biểu bám sát các báo cáo trung tâm, từ đó có ý kiến ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề liên quan xử lý chống dịch, tiêm chủng, nhất là cho trẻ em; những vướng mắc mà Ban Chỉ đạo cần tháo gỡ.

Theo Bộ Y tế, đến ngày 19/12/2022, tổng số vaccine phòng Covid-19 đã tiếp nhận là 259.374.774 liều và đã phân bổ toàn bộ số vaccine này với 183 đợt phân bổ, trong đó: vaccine cho người từ 12 tuổi trở lên là 238.837.874 liều (viện trợ cho Lào 500.000 liều AstraZeneca); vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là 20.536.900 liều.

Nhu cầu vaccine phòng Covid-19 của các địa phương thay đổi liên tục. Căn cứ đề xuất nhu cầu vaccine tháng 11/2022 của các địa phương, Bộ Y tế (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) đã phân bổ 489.900 liều vaccine Pfizer hạn dùng 30/11/2022 tiêm cho người từ 12 tuổi trở lên cho các địa phương để triển khai tiêm chủng (Quyết định phân bổ ngày 11/11/2022).

Tuy nhiên, một số địa phương không tiếp nhận số vaccine được phân bổ hoặc có văn bản đề nghị không nhận/điều chuyển vaccine trong khi tỷ lệ tiêm chủng mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên, tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi còn thấp.

Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp giải quyết vấn đề về thuốc, vật tư, trang thiết bị và chế độ phụ cấp cán bộ y tế; theo đó xây dựng kế hoạch xây dựng Luật Trang thiết bị y tế; tiến hành xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 8/11/2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế theo trình tự thủ tục rút gọn. Hiện nay, dự thảo Nghị định đã được Bộ Tư pháp thẩm định và Bộ Y tế đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 8/11/2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế để Chính phủ xem xét ban hành (Tờ trình số 1709/TTr-BYT ngày 19/12/2022).

Bộ Y tế đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 về quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan trình bày báo cáo.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan trình bày báo cáo.

Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 14/2022/TT-BYT ngày 6/12/2022 trong đó bãi bỏ khoản 3 Điều 8 của Thông tư số 14/2020/TT-BYT để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở y tế trong việc mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế. Xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2021/TT-BYT ngày 10/7/2020 của Bộ trưởng Y tế quy định mẫu văn bản, báo cáo thực hiện Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 8/11/2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế; trình Quốc hội xem xét cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đã nộp hồ sơ gia hạn mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.

Trình Chính phủ ban hành Nghị định, sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập tại Tờ trình số 1440/TTr-BYT ngày 27/10/2022.

Đối với công tác bảo đảm an sinh xã hội: đã chỉ đạo rà soát, đánh giá toàn diện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ phù hợp tình hình thực tiễn, quan điểm, mục tiêu phục hồi, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh tiến độ triển khai các chính sách an sinh, xã hội hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Tính từ năm 2021 đến nay, Trung ương và các địa phương đã chi 87/101 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho 55,68 triệu lượt người dân và gần 1 triệu lượt người sử dụng sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Riêng thực hiện Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng chính phủ về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, đến 30/11/2022, các địa phương đã hoàn thành việc tiếp nhận, giải quyết và chi trả hỗ trợ hơn 5,2 triệu lượt người lao động, 122.991 lượt người sử dụng lao động với kinh phí 3.740,8 tỷ đồng…