Do nhu cầu di chuyển trong dịp Tết Nguyên đán và du Xuân của người dân Thái Nguyên khá cao nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên địa bàn. Bởi vậy, các cấp, ngành chức năng trong tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để có một năm mới vui tươi, an toàn, mạnh khỏe.
Trạm Y tế phường Đồng Tiến (TP. Phổ Yên) chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch. |
Theo dự báo của Sở Y tế, hiện nay dịch COVID-19 tuy đã được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát trở lại, nhất là khi các biến thể, biến thể phụ của vi rút SARS-CoV-2 liên tục biến đổi. Trong đó, biến thể XBB với khả năng tránh miễn dịch, lây lan nhanh hơn so với các biến thể khác của Omicron đã xuất hiện ở 70 quốc gia và gần đây biến thể phụ XBB.1.5 đã gây các đợt bùng phát dịch mới ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Ông Đỗ Trọng Vũ, Phó Giám đốc Sở Y tế, nhận định: Mặc dù tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 ở Thái Nguyên cao nhưng miễn dịch do tiêm vắc-xin sẽ giảm dần theo thời gian. Cộng hưởng với đó là thời điểm giao mùa, chuyển mùa Đông - Xuân… có thể dẫn đến nguy cơ gia tăng số trường hợp mắc COVID-19 trong thời gian tới, nhất là trong các hoạt động giao thương, du lịch, lễ hội dịp Tết Nguyên đán và mùa Xuân năm 2023.
Ngoài ra, dịch cúm A, B đang có xu hướng tăng mạnh trong thời gian qua cũng khiến cho nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại Thái Nguyên tăng cao. Một số trường học trong tỉnh xuất hiện nhiều học sinh mắc cúm A, B với các triệu chứng như sốt cao trên 39 độ C, ớn lạnh, buồn nôn, đau họng… ảnh hưởng không nhỏ tới việc học tập của con trẻ.
Bác sĩ Phan Thanh Nhung, Phó Trưởng Khoa Khám Bệnh theo yêu cầu (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên), cho hay: Thời gian qua, lượng bệnh nhân mắc cúm A, B có các triệu chứng nặng đến Bệnh viện khám tăng đột biến. Nhiều bệnh nhân phải nhập viện trong tình trạng sức khỏe suy kiệt.
Thực tế trên cho thấy, dịch bệnh đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát tại Thái Nguyên. Do đó, để phòng, chống dịch bệnh dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, nhất là dịch COVID-19, Thái Nguyên đang tiếp tục tiến hành tiêm các mũi vắc-xin nhắc lại cho người dân nhằm đảm bảo tỉ lệ bao phủ vắc-xin phòng COVID-19 trong cộng đồng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trong đó đặc biệt chú ý nhóm đối tượng bệnh nặng, mắc bệnh nền, bệnh mạn tính, người cao tuổi; vận động người dân thực hiện tốt thông điệp 2K.
Riêng đối với các dịch bệnh truyền nhiễm, ngành Y tế khuyến cáo người dân cần tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ và đúng liều đối với các bệnh đã có vắc-xin như cúm, sởi, rubella, hoa gà, thủy đậu… Đồng thời giữ ấm cơ thể khi trời chuyển lạnh; hạn chế tiếp xúc với những người mắc các bệnh cúm, sởi; tránh tụ tập nơi đông người khi không cần thiết; ăn chín, uống sôi, không ăn thịt gia cầm, động vật ốm, chết…
Xác định được tầm quan trọng của công tác phòng, chống dịch bệnh, Thái Nguyên thực hiện giải pháp vừa duy trì các hoạt động giao thương, du lịch và mùa lễ hội đầu năm 2023, vừa bảo đảm phòng, chống dịch khoa học, an toàn, hiệu quả nhằm tiếp tục thúc đẩy đà phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, tỉnh không chỉ yêu cầu các cấp, ngành địa phương quan tâm phòng, chống dịch bệnh dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội mà còn yêu cầu chủ động giám sát phát hiện sớm, xử lý ổ dịch kịp thời, không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng và hạn chế xảy ra các trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong…
Riêng ngành Y tế đã chỉ đạo các các bệnh viện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các trung tâm y tế khẩn trương xây dựng kế hoạch và triển khai dự trữ thuốc, đảm bảo sẵn sàng cung ứng thuốc và không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Cùng với đó là sẵn sàng cung ứng đủ thuốc phục vụ công tác cấp cứu, phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch COVID-19, thuốc phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh, điều trị các bệnh thường xảy ra trong mùa Đông - Xuân như sốt xuất huyết, cúm A, tay chân miệng, sởi, rubella, tiêu chảy do virus Rota, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin