Nhân dịp Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì:
Xứng tầm Bệnh viện hạng đặc biệt

Tùng Lâm 08:05, 21/02/2023

Tiền thân là Bệnh viện Liên khu Việt Bắc, trực thuộc Khu Y tế Liên khu Việt Bắc, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên được thành lập vào tháng 7/1951 tại xóm Minh Lý, xã Minh Lập (Đồng Hỷ). Là đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, hiện nay, Bệnh viện có quy mô 1.300 giường bệnh kế hoạch, 2.007 giường bệnh thực kê; 57 khoa, phòng, trung tâm với 1.365 cán bộ viên chức, người lao động.

Các y, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên thực hiện khám, chữa bệnh từ xa.

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, những năm qua, Bệnh viện đã thực hiện có hiệu quả việc khám, chữa bệnh, phòng bệnh và phục hồi chức năng cho bệnh nhân các tỉnh, thành phố khu vực miền núi phía Đông Bắc ở tuyến cao nhất. Đồng thời, tích cực tham gia đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học, chỉ đạo tuyến và thiết lập mối quan hệ hợp tác, trao đổi kinh nghiệm về khám, chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ với nước ngoài…

Trải qua những ngày đầy gian khó, tháng 7/2021, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã trở thành 1 trong 6 bệnh viện hạng đặc biệt trên toàn quốc. Theo đó, Bệnh viện đã có những bước tiến vượt bậc trong hoạt động khám, chữa bệnh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Công Hoàng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện, cho biết: Chúng tôi đã triển khai hầu hết các kỹ thuật của bệnh viện hạng đặc biệt. Đáng nói, Bệnh viện đang là một trong 15 bệnh viện của Việt Nam làm chủ kỹ thuật ghép tạng, can thiệp tim mạch nội khoa và ngoại khoa; can thiệp ECMO, phẫu thuật thần kinh sọ não…

Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã thực hiện thành công nhiều kỹ thuật hiện đại.

Ngoài ra, Bệnh viện đã thực hiện trên 12.000 dịch vụ kỹ thuật theo danh mục của Bộ Y tế; tập trung tăng mạnh các kỹ thuật nội soi, điện quang can thiệp. Nhiều kỹ thuật chuyên sâu đã được áp dụng trong điều trị bệnh tại các khoa hệ nội, hệ ngoại.

Riêng năm 2022, Bệnh viện triển khai gần 100 kỹ thuật mới, chuyên sâu như: kỹ thuật ECMO; hạ thân nhiệt chỉ huy cấp cứu nhiều ca nguy kịch; mổ tim nội soi; phẫu thuật thay van tim 2 lá, đặt vòng 3 lá; điều trị đích kết hợp đa mô thức trong điều trị xạ; ghép xương nhân tạo, phẫu thuật u xương ghép xương tự thân; phẫu thuật cột sống kết hợp theo dõi máy thần kinh trong mổ; phẫu thuật u não dưới định vị Navigation và siêu âm trong mổ; phẫu thuật điều trị ung thư niêm mạc má giai đoạn 3; phẫu thuật cắt rộng tổn thương, vét hạch cổ, tạo hình bằng vạt da - cơ ngực lớn; đốt u xơ tuyến giáp bằng sóng cao tần (RF) và bằng cồn; tiêm xơ dị dạng tĩnh mạch vùng mặt; đặt stent đổi hướng dòng chảy trong phình mạch não…

Để thực hiện được những kỹ thuật hiện đại như vậy, cùng với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở vật chất, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã đầu tư mua sắm nhiều trang thiết bị y tế hiện đại. Cụ thể, đơn vị đã đầu tư hệ thống trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại, như: máy chụp cắt lớp vi tính 128 dãy, máy chụp cộng hưởng từ MRI 1.5T, hệ thống máy chụp và can thiệp mạch số hóa xóa nền DSA, máy siêu âm đàn hồi mô, máy Sinh hóa miễn dịch COBAS 601 - máy xét nghiệm miễn dịch tốc độ nhất hiện nay có thể xét nghiệm định lượng GH (yếu tố tăng trưởng trong máu) chẩn đoán rối loạn phát triển trẻ em, hội chứng lùn, béo phì; hệ thống xét nghiệm đạt chuẩn ISO 15189…

Nhiều trang thiết bị của Bệnh viện được đầu tư rất hiện đại, đa số tự động vận hành.

Ngoài ra, dưới sự hỗ trợ tối ưu của các thiết bị y tế hiện đại, Bệnh viện có thể tiến hành định lượng yếu tố kháng tân tạo mạch máu, giúp phát hiện tiền sản giật sớm từ quý 1 của thai kỳ, kết hợp với đo chỉ số xung động mạch tử cung; triển khai xét nghiệm TRAb trong chẩn đoán và theo dõi bệnh cường giáp và các xét nghiệm phát hiện, theo dõi điều trị ung thư sớm (CA72-4 - ung thư dạ dày); định lượng ceruloplasmin chẩn đoán bệnh liên quan đến nồng độ Đồng (Cu) trong máu...

Có nguồn nhân lực chất lượng cao với 1.364 thầy thuốc, cán bộ và nhân viên y tế chất lượng cao; có 363 bác sĩ, trong đó trên 70% có học hàm, học vị phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I...; cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã tạo được uy tín khi chất lượng khám, chữa bệnh không ngừng được nâng cao và trở thành địa chỉ “đỏ” của người dân trong, ngoài tỉnh. Nhờ đó, mỗi ngày, Bệnh viện tiếp đón 1.500-2.000 người đến khám và điều trị bệnh.

Hằng năm, kết quả điều trị nội trú, ngoại trú của Bệnh viện tăng từ 105 đến 118%, quy mô khám bệnh ngoại trú tăng từ 150 đến 200%. Riêng năm 2022, dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhất là việc mất hơn 2 tháng để "dồn" lực lượng tham gia khám, điều trị cho trên 1.700 bệnh nhân nặng tại các trung tâm hồi sức tích cực và điều trị người bệnh COVID-19, Bệnh viện vẫn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Theo đó, tỷ lệ bệnh nhân đến khám đạt 360 nghìn lượt, trong đó số lượt bệnh nhân điều trị ngoại trú gần 61,2 nghìn lượt, nội trú trên 64 nghìn người, tăng 110,5% so với năm 2021; công suất sử dụng giường bệnh kế hoạch đạt 107%...

Các y, bác sĩ của Bệnh viện luôn quan tâm chăm sóc bệnh nhân với thái độ tận tình, thân thiện.

Thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động quản lý bệnh viện; khám, chữa bệnh… Đến nay, Bệnh viện đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt; hội chẩn, tư vấn và đăng ký khám, chữa bệnh từ xa; ứng dụng công nghệ thông tin trong tối ưu hóa sử dụng thuốc trên lâm sàng; thực hiện bệnh án điện tử…

Với nhiều nỗ lực, từ năm 2010 trở lại đây, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên liên tục được tặng Cờ thi đua, Bằng khen của Bộ Y tế, UBND tỉnh Thái Nguyên… Năm 2020, Bệnh viện vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động được Chủ tịch nước trao tặng.

Đặc biệt, tháng 6/2022, Bệnh viện vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.