Giải quyết rào cản về tiếp cận dịch vụ y tế phòng chống HIV/AIDS

Theo Tiengchuong.vn 08:27, 14/02/2023

HIV/AIDS là vấn đề sức khỏe công cộng quan trọng, bởi đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều rào cản về tiếp cận với các dịch vụ y tế liên quan đến công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Tu vấn điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV. Ảnh: Lan Anh
Tu vấn điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV. Ảnh: Lan Anh

Một trong những rào cản đó là do đại dịch COVID-19 vẫn chưa chấm dứt, cùng các yếu tố như nguồn tài chính eo hẹp, quy trình cung cấp dịch vụ cho các đối tượng có nguy cơ cao còn phức tạp, tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn còn hiện hữu.

Dịch HIV vẫn diễn biến phức tạp, xu hướng gia tăng

Theo số liệu thống kê của Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), ước tính và dự báo dịch HIV/AIDS của Việt Nam năm 2022, số người nhiễm HIV/AIDS còn sống là khoảng 242.000 người. Nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay; tỉ lệ hiện nhiễm HIV tăng rõ rệt; tỉ lệ nhiễm mới HIV cao, tăng lên từng năm; MSM và nhóm chuyển giới (TG) được dự báo có thể trở thành nhóm chiếm tỉ lệ lớn nhất trong tổng số người nhiễm HIV mới được ước tính hàng năm trong thời gian tới.

Đáng chú ý, MSM là nhóm nguy cơ cao duy nhất tại Việt Nam có tỉ lệ nhiễm mới HIV tăng liên tiếp trong 20 năm qua. Về xu hướng số trường hợp nhiễm mới HIV vẫn có xu hướng giảm, nhưng tốc độ giảm chậm hơn nhiều, hiện số ca nhiễm mới HIV ước tính khoảng 5.700 người.

HIV/AIDS là vấn đề sức khỏe công cộng quan trọng, bởi đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Đáng lưu ý, dịch HIV vẫn đang diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng nhiễm mới nhất là nhóm thanh thiếu niên trẻ.

PGS. TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho hay, những năm qua, quỹ bảo hiểm y tế là bước đột phá của chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam, với 95% người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế và tăng gấp 2 lần trong vòng 5 năm. Quỹ bảo hiểm y tế đến nay trung bình chi trả 400 tỷ đồng/năm, trong đó khoảng 200 tỷ đồng cho dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và 200 tỷ đồng cho thuốc ARV từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế, nâng tỷ trọng của quỹ bảo hiểm y tế trong tổng chi cho HIV/AIDS tăng từ 4% lên tới 9%, chiếm tới 25% nguồn lực trong nước cho HIV.

Thực trạng tiếp cận các dịch vụ liên quan đến an sinh xã hội cho các đối tượng trên, về mặt chủ trương và chính sách, an sinh xã hội cho những người có nguy cơ nhiễm HIV và những người nhiễm HIV đã được quan tâm và đầu tư. Tuy nhiên, theo Cục trưởng Phan Thị Thu Hương, thực tế cho thấy nguồn tài chính cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn phụ thuộc tới gần 50% vào các dự án quốc tế, nhất là các hoạt động thuộc lĩnh vực dự phòng lây nhiễm HIV hiện quỹ bảo hiểm y tế không chi trả, do vậy việc cung cấp các dịch vụ dự phòng còn rất nhiều khó khăn. Thêm vào đó, quá trình chuyển giao tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS trước mắt cũng vẫn còn nhiều vướng mắc.

Liên quan đến tiếp cận các dịch vụ y tế trong phòng, chống HIV/AIDS, đại diện nhóm chuyên gia của Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống AIDS cho biết, đại dịch COVID-19 xuất hiện khiến cho công tác phòng chống HIV/AIDS trở nên khó khăn hơn. Các rào cản rõ hơn trong thời gian giãn cách vì dịch bệnh COVID-19 như: Các đối tượng không được ra ngoài, không có/thiếu tiền, bị kỳ thị xã hội, thiếu thông tin về các gói dịch vụ y tế, thủ tục nhận hỗ trợ phức tạp, sức khỏe tâm thần không bảo đảm để tiếp cận các dịch vụ, không đủ dụng cụ bảo hộ y tế phòng chống COVID-19… Những cản trở này vô hình chung đã làm ảnh hưởng đến những kết quả trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Ngoài ra, việc kỳ thị, phân biệt đối xử cũng là một trong những rào cản làm ảnh hưởng đến kết quả công tác phòng, chống HIV và tiếp cận dịch vụ y tế. Bởi ở nhiều nơi trên thế giới cũng như ở nước ta hiện nay, sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV vẫn còn xảy ra, với các biểu hiện công khai hoặc ngấm ngầm, thô bạo hoặc tế nhị, ở nhiều hoàn cảnh khác nhau, dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau.

Thiếu hiểu biết hoặc hiểu biết không đúng, không đầy đủ về HIV/AIDS là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Nhiều người vẫn cho rằng HIV/AIDS là bệnh rất dễ lây, kể cả qua tiếp xúc thông thường hoặc nhiều người lại cho rằng chỉ có những người tiêm chích ma túy hoặc người mua, bán dâm... tức là những người cho là xấu mới bị nhiễm HIV/AIDS, coi nhiễm HIV/AIDS là tệ nạn xã hội, chứ không phải là một bệnh mạn tính.

Theo các chuyên gia về phòng, chống HIV/AIDS, do sợ bị kỳ thị và phân biệt đối xử, người nhiễm HIV/AIDS thường giấu giếm tình trạng bệnh tật, mặc cảm, không dám tiếp xúc với cộng đồng, không hợp tác với chương trình phòng chống HIV/AIDS.

Do không tiếp cận được với người nhiễm HIV nên cũng khó có được số ca bệnh chính xác, từ đó khó ước tính và dự báo chính xác được về tình hình dịch… gây khó khăn cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Việc không kỳ thị sẽ giúp người nhiễm HIV tuân thủ tốt điều trị, sống khỏe mạnh và cống hiến cho gia đình và xã hội. Họ còn là những tuyên truyền viên tích cực, hiệu quả góp phần quan trọng vào sự thành công trong phòng, chống HIV/AIDS…

Tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong phòng, chống HIV

Chia sẻ nhận định về những khó khăn trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: Nguồn tài chính cho chương trình phòng chống HIV/AIDS vẫn còn phụ thuộc tới gần 50% các dự án quốc tế, nhất là các hoạt động dự phòng lẫy nhiễm HIV hiện quỹ bảo hiểm y tế chưa chi trả. Nội dung chi và mức chi một số hoạt động đặc thù cho chương trình phòng chống HIV/AIDS đã phân cấp cho ngân sách địa phương đảm nhiệm. Tuy nhiên, nhiều địa phương còn lúng túng trong việc lập dự toán cũng như phê duyệt. Do vậy, quá trình chuyển giao tài chính cho phòng chống HIV/AIDS trước mắt còn nhiều khó khăn.

Để giải quyết vấn đề này, nhằm bảo đảm bền vững các kết quả trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, để thực hiện chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS, Việt Nam cần tập trung vào 3 trụ cột chính. 

Thứ nhất, đó là triển khai xét nghiệm HIV, phát hiện người dương tính HIV cần điều trị càng sớm càng tốt và phải đạt tới mức dưới ngưỡng ức chế.

Thứ hai, điều trị giảm người tử vong, triển khai các biện pháp dự phòng khác nhau, tập trung vào các nhóm ưu tiên và địa bàn cần ưu tiên để tiết kiệm nguồn lực.

Thứ ba, cần có các giải pháp xây dựng về chính sách pháp luật, về tài chính, công tác về truyền thông, huy động nhân lực, huy động cộng đồng, phối hợp liên ngành và các chiến lược về giám sát dịch để bảo đảm các nghiên cứu, định hướng, đường lối tốt nhất cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các dự án do nước ngoài hỗ trợ. Như dự án Quỹ toàn cầu phòng chống AIDS (dự án VUSTA) dự án Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam (EPIC)…

Là một trong những dự án tiêu biểu trong công tác phòng, chống HIV/AIDS với nhiều hoạt động can thiệp giảm hại, hỗ trợ tiếp cận, dự án VUSTA đã giúp cho nhiều trường hợp nhiễm HIV được phát hiện tình trạng bệnh và tiếp cận dịch vụ y tế.

Ông Nguyễn Quyết Chiến, Tổng Thư ký Dự án VUSTA cho hay, VUSTA đã tham gia vào các dự án của Quỹ Toàn cầu từ năm 2011, từ đơn vị nhận tài trợ phụ vào năm 2011 đã trở thành nhà tài trợ chính từ năm 2015.

Giai đoạn 2021-2023, dự án đặt mục tiêu tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội và các tổ chức cộng đồng và triển khai tại 15 tỉnh, thành phố của Việt Nam.

Từ năm 2018 đến nay, dự án VUSTA luôn hướng tới mục tiêu thúc đẩy môi trường thuận lợi về mặt pháp lý và thực thi chính sách, pháp luật tạo điều kiện cho các nhóm đối tượng chính của dự án tiếp cận với dịch vụ y tế. Trong số đó, một trong những mục tiêu của dự án là đẩy mạnh việc hoàn thiện và thực thi khung pháp luật và chính sách nhằm tăng cường việc tiếp cận các dịch vụ y tế một cách công bằng và thuận lợi.

Do đó, dự án VUSTA khuyến nghị mở rộng các hình thức trợ giúp và cứu trợ xã hội, phát huy vai trò chủ đạo của Nhà nước, bên cạnh đó đẩy mạnh các cuộc vận động xã hội tham gia bảo đảm an sinh xã hội; tập trung các giải pháp làm giảm kỳ thị của xã hội đối với người tiêm chích ma túy, MSM, phụ nữ bán dâm và tăng ngân sách cho các dịch vụ dành cho các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS. Đặc biệt, quy trình để cung cấp dịch vụ cho các đối tượng có nguy cơ cao nên được tính toán lại và đơn giản hơn.

Để khắc phục tình trạng trên, Cục Phòng chống HIV/AIDS đã đưa ra một số giải pháp như: Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị mua sắm thuốc ARV bảo hiểm y tế để thực hiện các kế hoạch mua sắm bổ sung thuốc ARV; điều tiết thuốc ARV các nguồn để hỗ trợ cho các cơ sở chưa có thuốc.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh làm việc với Quỹ toàn cầu đề nghị hỗ trợ thuốc ARV đối với các thuốc do bảo hiểm y tế và nguồn ngân sách nhà nước chi trả nhưng không mua được. Đồng thời, làm việc với các đơn vị cung ứng xét nghiệm tải lượng, hướng dẫn các cơ sở điều trị điều chỉnh đơn vị ký hợp đồng xét nghiệm tải lượng HIV…

Công cuộc phòng, chống HIV/AIDS đã trải qua hơn 30 năm và thu được nhiều thành tựu quan trọng. Việt Nam đã từng bước kiểm soát được dịch HIV trên cả 3 tiêu chí đó là: giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong liên quan đến AIDS. Ngoài ra, còn nhiều thành tựu khác đã đạt được trong công tác này và đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Để tiếp tục bảo đảm bền vững kết quả trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam đang nỗ lực triển khai nhiều hoạt động tích cực để người bệnh sớm phát hiện bệnh, sớm tiếp cận dịch vụ điều trị, để hướng tới không còn người nhiễm HIV vào năm 2030.