Thời gian qua, nhất là sau đại dịch Covid-19, nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến ngành y tế bộc lộ những vướng mắc, bất cập. Điều đó đặt ra yêu cầu cần có giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trước mắt cũng như sớm hoàn thiện chính sách pháp luật, tạo điều kiện cho ngành y tế phát triển bền vững.
Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên đã được đầu tư nhiều thiết bị y tế hiện đại phục vụ công tác chuyên môn, cấp cứu bệnh nhân. Ảnh: T.L |
Tại buổi làm việc với Bộ Y tế, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá, nhiều cơ chế, chính sách trước đây đã bộc lộ không ít bất cập, hạn chế sau “cơn bão” Covid-19. Như mô hình tự chủ bệnh viện vốn là điểm sáng cũng gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không còn phù hợp; công tác đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, xã hội hóa trong cơ sở y tế công lập nảy sinh những vấn đề không lường trước được...
Chính vì vậy, ngành y tế cần rà soát cụ thể từng điều, khoản, thông tư, nghị định, luật cần sửa đổi, bổ sung về tự chủ, xã hội hóa, mua sắm, đấu thầu…; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan nhằm xây dựng được những chính sách cốt lõi, có tính chất đặc thù để thực hiện tốt những nhiệm vụ quan trọng, nhất là trong giai đoạn khoa học, công nghệ phát triển mạnh mẽ; tạo sự gắn kết giữa y tế công lập với y tế tư nhân, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe…
Trên cơ sở những khó khăn, bất cập đã được nêu ra, Bộ Y tế đã đề xuất kế hoạch xây dựng chính sách pháp luật năm 2023:
Đẩy mạnh thực hiện Quyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; tổng kết thi hành và xây dựng hồ sơ các dự án Luật quan trọng để trình Quốc hội ban hành nhằm khắc phục các vướng mắc, khó khăn, bất cập về thể chế và tăng tính dự báo như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật Phòng bệnh, Luật Trang thiết bị y tế, Luật Dân số...
Đối với những vấn đề về thể chế liên quan đến y tế nhưng có đan xen các lĩnh vực xã hội khác thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành khác xây dựng như Luật Đấu thầu, Luật Giá… Bộ Y tế tiếp tục tích cực tham gia đóng góp ý kiến để hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những vướng mắc hiện nay về đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị y tế…
Ngành y tế cũng sẽ tập trung triển khai quyết liệt, nhanh chóng các giải pháp, chính sách đã được Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 80/2023/QH15 về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 (Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.
Để có đầy đủ văn bản hướng dẫn ngay khi Luật có hiệu lực thi hành, bảo đảm hiệu lực và hiệu quả, Bộ Y tế đang tập trung xây dựng các nghị định và thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các nội dung được giao trong Luật tạo bước đột phá về thể chế trong công tác khám bệnh, chữa bệnh bao gồm:
Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật;
Nghị định quy định tự chủ, xã hội hóa, giá dịch vụ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
Thông tư quy định phương pháp định giá đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh;
Thông tư quy định giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc danh mục do quỹ bảo hiểm y tế thanh toán, giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do ngân sách nhà nước thanh toán, giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc danh mục do quỹ bảo hiểm y tế thanh toán mà không phải là dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế và các bộ khác...
Toàn ngành rà soát tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật về y tế và các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực khác có liên quan đến y tế để đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình mới.
Trong ba năm tới cần tập trung sửa đổi, bổ sung một cách căn cơ các Thông tư trong lĩnh vực y tế, trong đó tập trung đầu tiên theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, các điều kiện liên quan đến tổ chức triển khai, làm sao để tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, cho người dân, bảo đảm quyền lợi của người bệnh và thuận lợi cho hoạt động của cơ sở y tế; hoàn thiện các quy trình chuyên môn, định mức kỹ thuật, giá của dịch vụ y tế, từ đó hoàn thiện các văn bản cốt yếu, tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước có được đầy đủ thể chế để tổ chức và thi hành pháp luật trong lĩnh vực y tế.
Bộ Y tế cũng sẽ tăng cường công tác hậu kiểm. Các lĩnh vực hiện đang có thanh tra chuyên ngành như dược, an toàn thực phẩm, khám, chữa bệnh… sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm để bảo đảm khi thông thoáng điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhưng chất lượng thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị y tế, an toàn thực phẩm được thường xuyên giám sát, hậu kiểm và phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm…
Toàn ngành sẽ tập trung triển khai Nghị quyết số 80/2023/QH15 của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024; Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 4/3/2023 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế; Nghị định số 07/2023/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế.
Bộ Y tế đang hoàn thiện các dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Dân số; Luật Phòng bệnh; Luật Thiết bị y tế; Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (sửa đổi); Luật Chuyển đổi giới tính; Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi)…
Trên cơ sở tính cấp thiết, Bộ Y tế vừa có đề nghị Ủy ban Xã hội của Quốc hội sắp xếp ưu tiên trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược vào tháng 5/2024; trình dự án Luật Dân số vào tháng 10/2024; trình dự án Luật Phòng bệnh vào tháng 5/2025.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin