Việt Nam sớm dự trữ 15-20 loại thuốc hiếm, gồm thuốc giải độc botulinum

Theo NDĐT 14:31, 27/05/2023

Ông Lê Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, cho biết, Bộ đang nỗ lực khẩn trương hình thành 3-6 trung tâm dự trữ thuốc hiếm trên toàn quốc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sớm dự trữ 15-20 loại thuốc hiếm.

Thuốc giải độc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) về đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh).
Thuốc giải độc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) đã về đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh).

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã và đang khẩn trương triển khai việc hình thành các trung tâm dự trữ thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung với dự kiến hình thành 3-6 trung tâm trên cả nước.

Số lượng danh mục các thuốc dự trữ khoảng từ 15-20 loại và botulinum cũng là 1 trong các loại thuốc nằm trong danh mục các thuốc này.

Cục Quản lý Dược cũng đang họp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nghiên cứu về cơ chế tồn trữ của WHO, và làm sao để có sự liên thông giữa việc tồn trữ thuốc hiếm, thuốc ít nguồn cung ở Việt Nam cũng như các nước chung quanh khu vực, cũng như các kho của WHO.

Hiện nay, căn cứ pháp lý về thuốc hiếm cơ bản đã đầy đủ, do đó, đồng thời, Cục Quản lý dược đã có những văn bản đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước cần chủ động trong công tác xây dựng nhu cầu, dự báo tình hình dịch bệnh, cũng như dự trù số lượng cần thiết và mua sắm thuốc bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu điều trị, đặc biệt với các thuốc hiếm.

Liên quan đến các trường hợp ngộ độc botulinum vừa xảy ra ở Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Việt Dũng cho biết, ngay sau khi Bộ Y tế nhận được báo cáo của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh ngày 21/5/2023 và Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 23/5/2023, theo sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Y tế đã ngay lập tức liên hệ với các nhà cung ứng thuốc trong nước, nước ngoài và WHO để có thuốc chữa trong thời gian sớm nhất có thể.

Để đẩy nhanh tiến độ nhận thuốc, Bộ Y tế đã chủ động liên hệ với WHO để đề nghị hỗ trợ tìm kiếm từ kho dự trữ thuốc trong khu vực và trên toàn cầu để có thể đáp ứng thuốc điều trị trong nước sớm nhất.

WHO thông báo hiện còn 6 ống thuốc tại kho toàn cầu ở Thụy Sĩ và lập tức cử 1 chuyên gia chuyển thuốc về Việt Nam ngay trong ngày. Và đến ngày 24/5, thuốc đã được chuyển về Việt Nam và Bộ Y tế đã ngay lập tức chuyển cho các cơ sở y tế để điều trị cho bệnh nhân.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo để tránh ngộ độc:

1. Trong sản xuất, chế biến phải dùng những nguyên liệu bảo đảm an toàn thực phẩm, tuân thủ theo đúng yêu cầu quy định về vệ sinh trong quy trình sản xuất. Trong sản xuất đồ hộp, phải chấp hành chế độ khử khuẩn một cách nghiêm ngặt.

2. Chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường.

Thực hiện ăn chín, uống sôi. Ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín.

Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá. Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối...) cần bảo đảm phải chua, mặn. Khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn.

3. Khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc botulinum, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.