Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 5.300 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, trong đó, hơn 1.300 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố được quản lý. Tuy nhiên, đây chỉ là phần “nổi”, bởi trên thực tế còn không ít cơ sở nhỏ lẻ hoạt động không thường xuyên chưa được thống kê. Các loại thức ăn đường phố luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), nhất là trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay.
Việc sử dụng thức ăn đường phố đã trở thành thói quen của một bộ phận người dân bởi tính tiện lợi, nhanh gọn, giá cả phải chăng. Ảnh: T.L |
Ở nhiều khu vực giáp các chợ như: Đồng Quang, Thái, Quang Vinh và một số chợ cóc nhỏ trên địa bàn TP. Thái Nguyên, không khó để bắt gặp những quầy hàng kinh doanh thức ăn đường phố. Với các loại thực phẩm đã chế biến sẵn như vịt quay, thịt lợn nướng, giò, chả, nem rán, cá kho…, người dân chỉ việc mua về là có thể dùng ngay.
Chị Nguyễn Thị Bích, phường Túc Duyên (TP. Thái Nguyên), nói: Công việc của tôi rất bận, hôm nào cũng phải tầm 18-19 giờ mới về đến nhà. Vì vậy, tôi thường mua các loại thực phẩm chế biến sẵn để đỡ mất thời gian nấu nướng, kịp cho các con ăn uống đúng giờ. Để đảm bảo an toàn thực phẩm, khi mua về, tôi có hâm nóng lại.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc đảm bảo ATVSTP không chỉ dừng ở việc hâm nóng, mà còn ở nguyên liệu đầu vào và các biện pháp bảo quản thực phẩm. Ông Lý Văn Cảnh, Trưởng phòng ATVSTP, Sở Y tế, cho biết: Nguồn nguyên liệu chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; bảo quản, chế biến thức ăn không bảo đảm các điều kiện vệ sinh theo quy định dễ khiến đồ ăn, thức uống bị nhiễm độc, mất an toàn, gây hại cho sức khỏe con người.
Một cửa hàng kinh doanh đồ uống, đồ ăn nhanh tại thị trấn Đu (Phú Lương) được Đoàn liên ngành của tỉnh đánh giá thực hiện tốt công tác ATVSTP. |
Trên thực tế, thức ăn đường phố, đồ ăn chế biến sẵn rất tiện lợi, bởi có thể ăn ngay, giá cả lại phải chăng. Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều hàng quán kinh doanh thức ăn đường phố theo thời vụ, không có giấy phép kinh doanh. Đặc biệt, nhiều hàng quán chế biến thực phẩm ngay trên vỉa hè, lề đường, có không bảo đảm vệ sinh khi bên cạnh là rác thải, cống thoát nước bốc mùi hôi thối…
Đáng lo ngại hơn khi một số người bán hàng không đeo khẩu trang, sử dụng tay trần để chế biến thực phẩm, gây mất an toàn cho người sử dụng, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay.
Trước thực trạng khá phức tạp của loại hình kinh doanh thức ăn đường phố, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc chế biến, kinh doanh, tiêu thụ thức ăn đường phố.
Ông Đỗ Trọng Vũ, Phó Giám đốc Sở Y tế, thông tin thêm: Tuyên truyền là một trong những biện pháp hữu hiệu được các cấp, ngành chức năng của tỉnh triển khai. Theo đó, lực lượng chức năng thực hiện tuyên truyền dưới nhiều hình thức như trực tiếp, qua các cụm loa truyền thanh… về những quy định các cơ sở kinh doanh phải tuân thủ.
Cụ thể gồm: phải cách biệt các nguồn ô nhiễm; đủ trang thiết bị, dụng cụ chế biến, bảo quản, bày bán riêng biệt thực phẩm sống và thức ăn ngay. Đồng thời, sử dụng nguồn nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng; bao gói chứa đựng thức ăn đảm bảo vệ sinh. Những loại thức ăn ngay, thực phẩm chín được trưng bày trên bàn hoặc giá cao cách mặt đất ít nhất 60cm…
Người kinh doanh thức ăn đường phố cần tuân thủ quy định về kiến thức và thực hành đối với người trực tiếp chế biến (khám sức khỏe, có giấy xác nhận đủ điều kiện sức khỏe theo quy định; trang phục sạch sẽ và gọn gàng; dùng găng tay sử dụng một lần khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn hoặc sử dụng kẹp, gắp thức ăn, đồ uống ăn ngay).
Cùng với đó, nhằm kiểm soát chất lượng thức ăn đường phố, lực lượng chức năng đã thành lập các đoàn liên ngành tiến hành thanh, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm quy định về ATVSTP của người kinh doanh thức ăn đường phố. Riêng trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023, tỉnh Thái Nguyên đã thành lập 3 đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra tại 9 huyện, thành phố, trong đó đặc biệt quan tâm đến loại hình thức ăn đường phố. Các địa phương cũng thành lập các đoàn liên ngành cấp huyện; tổ liên ngành cấp xã tiến hành kiểm tra nhằm chấn chỉnh hoạt động kinh doanh thức ăn đường phố.
Cùng với sự nỗ lực của các cấp, ngành, đại diện cơ quan chức năng cho rằng, rất cần sự tham gia tích cực của mỗi người dân trong lĩnh vực này, như lựa chọn địa chỉ mua thức ăn đường phố có uy tín, có giấy phép kinh doanh, đảm bảo các quy định về ATVSTP… Đồng thời, chủ động thông báo ngay cho cơ quan quản lý khi phát hiện các cơ sở không tuân thủ điều kiện đảm bảo ATVSTP để kịp thời xử lý, hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin