Nữ y sĩ vùng cao tận tâm với nghề

Tùng Lâm 09:08, 30/05/2023

Thời gian đến khi nghỉ chế độ chỉ còn hơn 30 tháng nhưng y sĩ Triệu Thị Lưu, 54 tuổi, người dân tộc Dao, cán bộ Trạm Y tế Thần Sa (Võ Nhai), vẫn rất nhiệt huyết với công việc. Với chị, còn làm việc ngày nào là ngày đó phải cố gắng hết mình. Và chị luôn mong được góp phần công sức nhỏ bé của mình cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là người dân ở địa bàn vùng cao, còn nhiều khó khăn như Thần Sa.

Y sĩ Triệu Thị Lưu (cán bộ y tế xã Thần Sa, Võ Nhai) luôn gần gũi với người dân.
Y sĩ Triệu Thị Lưu (cán bộ y tế xã Thần Sa, Võ Nhai) luôn gần gũi với người dân.

Chị không ngại “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền cho người dân cách chăm sóc sức khỏe sinh sản, thực hiện các biện pháp tránh thai, nuôi con khỏe và không được cưới tảo hôn, cận huyết thống…

Theo chia sẻ của chị, 30 năm gắn bó với nghề y là từng ấy năm, chị đã vượt qua bao trông gai, trở ngại để vững tâm, tận tụy với công việc của mình đến ngày hôm nay. Chị cho hay: Sau khi tốt nghiệp y sĩ, năm 1993, tôi về công tác tại Trạm Y tế Thần Sa. Ngày ấy Trạm chỉ là nhà tạm, cơ sở vật chất đơn sơ. Điều kiện kinh tế của người dân trong xã cũng rất khó khăn, giao thông trắc trở, đi lại không thuận thiện. Từ Thần Sa ra trung tâm huyện Võ Nhai phải đi mất nửa ngày mới tới nơi. Thời điếm đó, mỗi lần ra huyện nhận vắc-xin theo Chương trình tiêm chủng mở rộng, tôi phải “địu” vắc-xin trên vai mang về Trạm để tiêm cho trẻ em đúng lịch. Có những hôm trời mưa, nước dâng cao, đường bị ngập, tôi phải đi đò qua suối nhưng lúc nào cũng ôm “cứng” ba lô vắc-xin vì sợ bị rơi xuống nước…

Kể về những ngày theo nghề đầy gian khó, y sĩ Lưu không hề cho chúng tôi cảm nhận về sự chán nản, mệt mỏi mà ngược lại, ở chị chỉ thấy nhiệt huyết và tình yêu nghề tha thiết.

Chị cho biết thêm: Ngày còn nhỏ, bố mẹ nghèo, phải chắt chiu từng đồng cho tôi được đi học. Sau này (cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ trước), được học ở Trường THPT Vùng cao Việt Bắc, rồi theo học trung cấp y là mình đã có nền tảng tốt hơn những bạn bè cùng trang lứa (đều nghỉ học sớm, ở nhà làm ruộng). Bởi vậy, tôi thấy mình càng phải nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để trụ vững với nghề. Khi theo nghề, “lương y” của người thầy thuốc cần phải đặt lên hàng đầu để phục vụ người dân tốt nhất.

Qua những câu chuyện của chị, chúng tôi hiểu, tình yêu nghề, sự nhiệt huyết của một y sĩ như chị Lưu chính là tinh thần làm việc không biết đến giờ giấc. Đó là những lần triển khai Chiến dịch cho trẻ uống vitamin A, cán bộ y tế xã phải vào tận xóm, bản trực tiếp cho từng trẻ bổ sung vi chất cần thiết này.

Trong khi đó, hơn chục năm trước, đường vào nhiều bản ở Thần Sa khó như đường “lên trời” vậy. Bản xa nhất là Thượng Kim, cách trung tâm xã 13 cây số đường mòn, chỉ có một cách di chuyển là đi bộ. Y sĩ Lưu bộc bạch: Để kịp giờ, tôi cùng các cán bộ của Trạm, xã phải đi từ 3 giờ để 8 giờ kịp triển khai chiến dịch. Khi xong việc cũng đã là xế chiều, tôi và mọi người lại đi bộ về Trạm. Đi làm từ 3 giờ sáng mà đến tận 21 giờ mới về đến nhà nhưng tôi vẫn thấy hạnh phúc vì lũ trẻ ở bản nghèo đã được bổ sung vi chất cần thiết cho cơ thể, giúp chúng lớn lên khỏe mạnh, trở thành người có ích cho xã hội…

Hoặc có khi tinh thần ấy được thể hiện ở sự chuyên tâm khi chị thực hiện biện pháp kế hoạch hóa gia đình (đặt vòng) cho phụ nữ nghèo của xã ngay trên chiếc bàn gỗ đơn sơ. Chị bảo: Làm việc trong điều kiện khó khăn, mình cần phải chia sẻ với đồng nghiệp, thích nghi với hoàn cảnh để có thể hoàn thành công việc tốt nhất.

Sau 20 năm tận tụy làm việc, năm 2013, y sĩ Lưu được phân công phụ trách công tac dân số - kế hóa hóa gia đình chuyên trách của Trạm. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, chị không ngần ngại đến tận các bản người Mông, người Dao… tuyên truyền cho bà con hiểu được tầm quan trọng của công tác dân số, để các cặp vợ chồng không đẻ dày, đẻ nhiều...

Chị nói: Trình độ dân trí của người Mông, người Dao ở Thần Sa còn nhiều hạn chế. Do đó, việc tuyên truyền cũng phải rất thực tế, gần gũi mới “lọt” tai bà con. Ngoài tiếng Dao, tôi cũng đã học thêm tiếng Tày, Mông để việc tuyên truyền ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được thuận lợi, hiệu quả hơn.

Từ những nỗ lực của y sĩ Lưu và các thành viên của Trạm Y tế Thần Sa, đến nay, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình của xã vùng cao này đã có những đổi thay rất tích cực. Bác sĩ Lê Thị Thảo, Trạm phó Trạm Y tế xã, cho biết: Sự tích cực của y sĩ Lưu đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc sinh đẻ có kế hoạch. Hầu hết các cặp vợ chồng trẻ trong xã đều sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại; tình trạng tảo hôn hầu như không còn. Đặc biệt, rất nhiều năm rồi, trên địa bàn xã không còn xảy ra hôn nhân cận huyết thống…

Có nhiều đóng góp cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở vùng cao, chị Lưu không nhớ mình đã được các cấp, ngành khen thưởng bao nhiêu lần. Hôm nay, chị và các đồng nghiệp đã được làm việc trong dãy nhà 2 tầng khang trang hơn. Đặc biệt, người dân ở xã vùng cao này khi ốm đau đã ra Trạm Y tế khám, chữa bệnh; luôn coi cán bộ y tế và y sĩ Lưu như người thân của mình…