Kỳ vọng về một tương lai 'xóa sổ' HIV nhờ phương pháp cấy ghép tế bào gốc

Theo Tiengchuong.vn 10:16, 27/02/2023

Ít nhất đã có 3 trường hợp trên thế giới đã được chữa khỏi HIV sau khi ghép tế bào gốc để trị một căn bệnh khác. Trên cơ sở đó, các chuyên gia khoa học đang kỳ vọng về một tương lai “xóa sổ” HIV nhờ phương pháp cấy ghép tế bào gốc.

 

Xét nghiệm phát hiện sớm HIV và sớm tiếp cận điều trị và tuân thủ điều trị vẫn đang là phương pháp tối ưu cho những bệnh nhân HIV/AIDS. Ảnh: Thùy Chi
Xét nghiệm phát hiện sớm HIV và sớm tiếp cận điều trị và tuân thủ điều trị vẫn đang là phương pháp tối ưu cho những bệnh nhân HIV/AIDS. Ảnh: Thùy Chi

Trường hợp mới nhất được chữa khỏi HIV nhờ ghép tế bào gốc trị ung thư máu mới đây, đó là một người đàn ông Đức 53 tuổi (được biết đến với tên gọi bệnh nhân Düsseldorf, nhiễm HIV từ năm 2008) là người thứ 3 khỏi HIV nhờ liệu pháp ghép tế bào gốc.

Các bác sĩ đã cấy ghép tế bào gốc để điều trị bệnh bạch cầu cho bệnh nhân Düsseldorf. Điều quan trọng là các bác sĩ đã sử dụng tế bào hiến với đột biến kháng HIV. Giờ đây, khoảng 4 năm sau khi ngừng dùng thuốc điều trị HIV, bệnh nhân không còn dấu hiệu dương tính với HIV.

Năm ngoái, các nhà nghiên cứu tuyên bố có thêm 2 bệnh nhân khác đã được chữa khỏi HIV (nâng tổng số lên 5 bệnh nhân trên thế giới khỏi bệnh HIV).

Sau khi chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu vào năm 2011, bệnh nhân Düsseldorf đã được điều trị bằng tế bào gốc vào năm 2013.

Phương pháp hóa trị đã được sử dụng để diệt các tế bào máu gốc trong tủy xương của người bệnh, bởi những tế bào gốc cũ này sản sinh ra các tế bào ung thư và thay thế bằng các tế bào gốc hiến.

Do các tế bào hiến này có chứa đột biến kháng HIV nên bệnh nhân đã ngừng điều trị ARV vào năm 2018 và kể từ đó không còn nhiễm HIV.

Dù phương pháp này đã chữa khỏi HIV cho một vài bệnh nhân trên thế giới, nhưng liệu pháp ghép tế bào gốc không có tiềm năng trở thành phương pháp điều trị đại trà.

Theo chuyên gia Sara Reardon của Nature News, bản chất của phương pháp điều trị này mang tính rủi ro cao, người nhiễm HIV nhưng không bị bệnh máu trắng dường như không thể dùng liệu pháp này được.

Tuy nhiên, chữa khỏi HIV cho một vài bệnh nhân cũng giúp các nhà khoa học hiểu hơn về cơ chế chữa khỏi HIV cho những người khác. Giúp các chuyên gia nghiên cứu có hướng đi tiến gần hơn mục tiêu "xóa sổ" HIV.

Theo chuyên gia bệnh truyền nhiễm Todd Ellerin tại South Shore Health, đây là bước tiến thúc đẩy khoa học và giúp chúng ta có thêm kiến thức về cách chữa khỏi HIV.

Có thể biến đổi gene tế bào gốc để chữa khỏi HIV?

Bệnh nhân đầu tiên được chữa khỏi HIV nhờ ghép tế bào gốc là Timothy Ray Brown, còn được gọi là bệnh nhân Berlin. Sau khi được cấy ghép tủy xương vào năm 2007 và cho đến khi qua đời vào năm 2020, ông Brown đã không còn virus HIV và không cần phải điều trị ARV.

Sau đó, các nhà khoa học báo cáo rằng Adam Castillejo, bệnh nhân ở London, đã được chữa khỏi HIV bằng phương pháp điều trị cấy ghép tế bào gốc để điều trị ung thư hạch Hodgkin vào năm 2019. Sau một năm được ghép tế bào gốc, Castillejo được cho biết trong cơ thể mình đã sạch virus và không bị tái nhiễm HIV.

Tháng 7/2022, bệnh nhân thứ 3 và thứ 4 lần lượt được công bố khỏi bệnh HIV. "Bệnh nhân Dusseldorf" là người thứ 3 được chữa khỏi HIV sau khi được các bác sĩ cấy ghép tế bào gốc tạo máu để điều trị bệnh bạch cầu.

Bệnh nhân thứ 4 được điều trị khỏi bệnh HIV là một phụ nữ người Tây Ban Nha. Bà được cấy ghép tế bào gốc từ họ hàng. Các nhà khoa học cũng cho hay họ ghi nhận hàm lượng virus trong cơ thể bà sụt giảm, dù đã ngừng sử dụng thuốc kháng virus (ARV) hơn 15 năm.

Bệnh nhân cuối cùng cho đến nay được tuyên bố đã chiến thắng căn bệnh HIV là "bệnh nhân của thành phố hy vọng". Ông mắc HIV năm 1988, được cấy ghép tế bào gốc đầu năm 2019.

Người đàn ông này được cho hay rằng đã không nhiễm HIV hơn 17 tháng sau khi ngừng điều trị bằng thuốc kháng virus. Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng nói rằng bệnh bạch cầu của ông đã có sự thuyên giảm.

Mặc dù 3 trong 5 bệnh nhân trên đã được chữa khỏi hoàn toàn HIV, tuy nhiên, BS. Sharon Lewin, Chủ tịch Hiệp hội AIDS Quốc tế (chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Melbourne, Australia) vẫn nhận định, cấy ghép tế bào gốc "chưa phải là một chiến lược hợp lý cho 38 triệu người sống chung với HIV".

Ngày nay, các nhà nghiên cứu đang thử nghiệm xem liệu họ có thể biến đổi gene tế bào gốc của một người để có đột biến kháng HIV mà không cần cấy ghép từ người hiến tặng hay không. Theo Chủ tịch Hiệp hội AIDS Quốc tế, đã có "một số tiến bộ thực sự lớn" trong 5 năm qua có thể khiến cho phương pháp điều trị này "rất khả thi".

Bjorn-Erik Ole Jensen, nhà virus học tại Đại học Düsseldorf ở Đức và là tác giả đầu tiên của nghiên cứu cho biết: "Tôi nghĩ chúng ta có thể hiểu được nhiều điều từ bệnh nhân này và từ những trường hợp chữa khỏi HIV tương tự. Kết quả này mang lại những hiểu biết sâu sắc, đồng thời gợi mở những tìm tòi mới giúp cho chiến lược điều trị HIV trở nên an toàn hơn".

Người nhiễm HIV có tuổi thọ như người bình thường nếu tuân thủ điều trị

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), từ khi bắt đầu đại dịch đến năm 2021, 84,2 triệu người đã nhiễm virus HIV và khoảng 40,1 triệu người đã chết vì HIV.

Tính đến năm 2021, thế giới có 38,4 triệu người đang sống chung với căn bệnh này, trong đó, số người trưởng thành mắc bệnh trong độ tuổi 15-19 chiếm khoảng 0,7%.

Châu Phi là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất với gần 1/25 người trưởng thành sống chung với HIV, chiếm hơn 2/3 số người sống chung với HIV trên toàn thế giới.

Theo số liệu thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), đến thời điểm hiện tại Việt Nam có khoảng 250.000 người nhiễm HIV, trong đó, gần 220.000 người nhiễm HIV đã được phát hiện và đang còn sống.

Trong những năm qua, Việt Nam đã giảm hơn 2/3 số người nhiễm mới và số người tử vong do HIV/AIDS so với 10 năm trước đây. Tuy nhiên, đại dịch HIV/AIDS vẫn còn diễn biến phức tạp, nguy cơ quay trở lại còn cao.

Đáng chú ý, số ca nhiễm HIV/AIDS tại Việt Nam trong 2 năm gần đây có nhiều sự thay đổi về hình thái lây nhiễm. Cụ thể, tỉ lệ nam giới nhiễm HIV tăng nhanh, trong đó, phần lớn có quan hệ tình dục đồng giới (MSM).

Trước đây, đường lây truyền HIV/AIDS chủ yếu qua đường máu, ở nhóm nghiện ma túy. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, tỉ lệ lây truyền qua quan hệ tình dục không an toàn đã tăng dần từ 65% lên 82,2% vào năm 2022.

Ngoài ra, theo một thống kê trên toàn thế giới, tỉ lệ bệnh nhân nhiễm HIV là những người trẻ trong độ tuổi 15-25 tới 40%. Mỗi ngày, khoảng 5.000 thanh niên trên thế giới nhiễm HIV, tương đương với gần 2 triệu ca mắc mới mỗi năm.

Để ngăn chặn sự phát triển của virus, người bệnh có thể dùng một viên thuốc chống phơi nhiễm HIV (PrEP) mỗi ngày trong khoảng thời gian lâu dài. Đây hiện được coi là phương pháp ngăn ngừa HIV rộng rãi ở hầu hết quốc gia trên thế giới giúp bệnh nhân nhiễm HIV sống khỏe mạnh.

Hiện nay, các liệu pháp kháng virus (ART, hay ARV) đã giúp cho HIV trở nên ít nguy hiểm hơn và dễ kiểm soát hơn. Vào những năm 1980, tuổi thọ của một người sau khi nhiễm HIV được chẩn đoán là chỉ kéo dài thêm 1 năm, nhưng hiện nay, tuổi thọ của người nhiễm HIV gần như giống với người bình thường nếu tuân thủ các liệu pháp điều trị kháng virus.