Việc thí điểm mô hình mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS do các tổ chức xã hội cung cấp giúp Việt Nam có kinh nghiệm thực tiễn, cũng như thông tin và bằng chứng phục vụ việc xây dựng cơ chế, chính sách mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS với các tổ chức xã hội từ nguồn ngân sách nhà nước.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Tống Nam |
Ngày 15/2, tại Cần Thơ, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) phối hợp cùng các đối tác quốc tế Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID), Trung tâm phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ), Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV và AIDS (UNAIDS) tổ chức hội thảo sơ hết 6 tháng triển khai mô hình thí điểm mua sắm dịch vụ HIV/AIDS do các doanh nghiệp xã hội cung cấp, giai đoạn 2022-2024.
Nâng cao năng lực trực tiếp cho các tỉnh, thành thực hiện thí điểm
Tại hội thảo, PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS đánh giá cao sự tham gia của khối các tổ chức cộng đồng tham gia vào cung cấp dịch vụ HIV/AIDS, đồng thời biểu dương sự nỗ lực của 9 tỉnh thành tham gia chương trình thí điểm (Điện Biên, Hải Phòng, Bình Dương, Nghệ An, Đồng Nai, Tây Ninh, Tiền Giang, Cần Thơ, Kiên Giang).
Theo ước tính của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, các tổ chức xã hội có thể đóng góp từ 25 - 50% trong việc cung cấp một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Chính vì vậy cần mở rộng việc thực hiện mô hình hợp đồng xã hội, thực hiện phòng, chống HIV/AIDS. Trong đó, Nhà nước cần đưa ra các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện và hỗ trợ để các tổ chức xã hội có thể tham gia cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Bố trí nguồn lực và tạo môi trường pháp lý thuận lợi để các tổ chức xã hội ký hợp đồng và sử dụng nguồn vốn trong cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.
Hợp đồng xã hội bước đầu thực hiện ký kết hợp đồng với 5 tỉnh thành trên tổng số 9 tỉnh tham gia thí điểm, bao gồm: Điện Biên, Nghệ An, Đồng Nai, Tây Ninh, Tiền Giang. Việc thí điểm mô hình này giúp Việt Nam có kinh nghiệm thực tiễn, cũng như thông tin và bằng chứng phục vụ việc xây dựng cơ chế, chính sách mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS với các tổ chức xã hội từ nguồn ngân sách nhà nước.
Trong giai đoạn chuẩn bị (2021-2022), Quyết định số 5466/QĐ-BYT ngày 29/11/2021 được phê duyệt Đề án thí điểm mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS do các tổ chức xã hội cung cấp giai đoạn 2022-2024, tiếp đến là Quyết định số 40/QĐ-AIDS ngày 10/3/2022 về việc ban hành hướng dẫn triển khai thí điểm mô hình Hợp đồng xã hội.
Trong thời gian này, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã phối hợp chặt chẽ cùng các đối tác thực hiện các cuộc họp kỹ thuật quan trọng, hoàn thiện tính giá các gói dịch vụ thí điểm, tổ chức hội thảo khởi động triển khai thí điểm chương trình, đồng thời Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng hỗ trợ kĩ thuật và nâng cao năng lực trực tiếp cho các cơ quan đầu mối tỉnh và các tổ chức xã hội/doanh nghiệp xã hội (CBO/DNXH) và xây dựng hệ thống theo dõi báo cáo trực tuyến.
Trong giai đoạn năm 2023-2024, Cục Phòng, chống HIV/AIDS sẽ tiếp tục tiến hành triển khai mô hình trên 9 tỉnh thành được lựa chọn, đặc biệt là 4 tỉnh mới triển khai (Hải Phòng, Bình Dương, Kiên Giang, Cần Thơ), liên tục theo dõi, đánh giá và chia sẻ kinh nghiệm thực hiện chương trình. Ngoài ra, các hoạt động vận đồng để các cấp thẩm quyền phê duyệt và ban hành các văn bản đã xây dựng.
Mô hình hướng đến kiểm soát dịch vào 2030
Trong quá trình triển khai mô hình thí điểm, điều thuận lợi là Đề án được Bộ Y tế phê duyệt tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai chương trình. Với các tỉnh mới, Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND tỉnh, thành phố đồng thuận phối hợp triển khai đề án thí điểm. Hướng dẫn chi tiết đã được phổ biến và chỉ đạo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS là cơ sở để các tỉnh và dự án lập kế hoạch triển khai. Định mức chi trả "không thấp hơn" một số định mức các dự án đang triển khai cũng được coi là một lợi thế quan trọng giúp các doanh nghiệp xã hội cân nhắc và đầu tư vào mô hình thí điểm này.
Các tỉnh được lựa chọn triển khai thí điểm cam kết cao, nhiệt tình, đặc biệt là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Sở Y tế. CDC các tỉnh có kinh nghiệm trong triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, có đủ năng lực để triển khai các hoạt động thí điểm. Đồng thời , các CBO/DNXH sẵn sàng tham gia thí điểm dù đây là hoạt động mới và có nhiều khó khăn. Có sự hỗ trợ cả về kinh phí và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế.
Bên cạnh những thuận lợi, thì cũng có nhiều khó khăn và rào cản, bao gồm: Việc phê duyệt kế hoạch của một số tỉnh mất nhiều thời gian. Tình trạng e dè, thận trọng trong "mua sắm, đấu thầu" hậu COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ triển khai đề án. Các hoạt động nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội tại một số tỉnh còn chậm so với tiến độ. Hầu hết các tỉnh đã triển khai đều thực hiện "đặt hàng" do vậy cơ chế "đấu thầu" chưa được thí điểm. Chỉ có Nghệ An và Bình Dương là triển khai mô hình "Đấu thầu".
Ngoài ra, việc xác minh "kết quả đầu ra" nhất là các trường hợp ca dương tính ngoại tỉnh mất rất nhiều thời gian, dẫn đến tiến độ chi trả hợp đồng hàng tháng bị chậm. Một số thủ tục thanh toán còn được các CBO/DNXH cho là "rườm rà" cần giảm bớt.
Đối với các tỉnh nhận hỗ trợ từ dự án EpiC/FHI 360: hiện không có cơ chế tạm ứng, mà DNXH phải tự tạm ứng chi phí để chi trước và hoàn ứng sau. Một số tỉnh vừa thực hiện thí điểm hợp đồng xã hội, vừa tiếp tục các dự án hỗ trợ (PEPFAR, Quỹ Toàn Cầu) với cơ chế chi trả khác nhau. Dự kiến các hoạt động "xây dựng cơ chế chính sách" giai đoạn tới sẽ còn gặp nhiều khó khăn.
Có thể nói, chương trình thí điểm mô hình hợp đồng xã hội đã cho thấy những bước tiến quan trọng của Việt Nam hướng đến kiểm soát dịch vào 2030, đồng thời cũng là một tiền đề quan trọng trong việc chuyển dịch từ nguồn hỗ trợ quốc tế sang nguồn ngân sách nhà nước trong những năm tới. Tuy nhiên, việc thực hiện mô hình thí điểm mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cũng còn những rào cản ban đầu, cần sự chung tay của các Bộ, ban ngành, các tổ chức quốc tế & DNXH vượt qua khó khăn trong giai đoạn này.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin