Thời gian qua, một số người dân thuộc xóm Tiến Thành và xóm Tiến Thành 1, xã Bình Thuận (Đại Từ) đã sử dụng tàu tự chế để hút cát trái phép ở hồ Núi Cốc. Điều này không chỉ gây thất thoát tài nguyên, mất an toàn giao thông mà còn ảnh hưởng tới môi trường sinh thái của hồ Núi Cốc.
Ông Trần Văn L. (nhà ở xóm Tiến Thành, xã Bình Thuận) phản ánh: Tình trạng một số người dân sử dụng tàu hút cát đã diễn ra từ lâu. Cát hút về được tập kết ở bãi nằm sát với bờ của hồ Núi Cốc, sau đó, xe ô tô từ nhiều nơi về chở cát đem đi bán. Các xe chạy qua tuyến đường chính của xóm, gây bụi, tiếng ồn, ảnh hưởng không nhỏ tới việc đời sống, sinh hoạt của người dân.
Còn bà Nguyễn Thị C., người dân xóm Thành Tiến 1, bức xúc: Tuyến đường các xe chở cát chạy qua 2 xóm Tiến Thành và Tiến Thành 1 hẹp, trong khi hằng ngày có hàng chục xe ô tô ra - vào lấy cát nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, nhất là đối với trẻ em. Cách đây khoảng 3-4 năm, chính quyền địa phương đã xử lý rất nhiều tàu hút cát trái phép, thậm chí đưa phương tiện về trụ sở, tiến hành cắt dỡ, nhưng hiện nay lại tái diễn.
Theo một người dân ở xóm Yên Thái, xã Tân Thái (Đại Từ), khi hồ Núi Cốc dâng nước, các tàu hút đi vào khu vực ruộng (nằm ở vùng bán ngập) của người dân trong xóm, sát với dòng sông chính để hút cát, khiến khi nước rút xảy ra tình trạng sạt lở ruộng. Các tàu này chủ yếu hoạt động vào ban đêm, nên rất khó phát hiện để ngăn chặn. Bên cạnh đó, các tàu hút cát chủ yếu thuộc bên xã Bình Thuận nên chính quyền địa phương xã Tân Thái cũng khó xử lý…
Theo đại diện Công ty CP Đầu tư bất động sản và khoáng sản Đại Việt Chi nhánh Thái Nguyên: Mặc dù đơn vị được cấp phép nạo vét và tận thu khoáng sản trong lòng hồ Núi Cốc, nhưng việc xử lý tình trạng hút cát trái phép lại thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương. Đơn vị cũng đã nhiều lần phản ánh thực trạng đến chính quyền các địa phương ven hồ, nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để. Nhiều khi, các tàu hút cát trái phép hoạt động cách tàu của đơn vị chỉ khoảng 100m khiến nhiều người lầm tưởng là tàu của Công ty Đại Việt. Các tàu hút cát chủ yếu là người dân tự đóng nên các yếu tố kỹ thuật hay bảo vệ môi trường không đảm bảo trong quá trình hoạt động…
Tìm hiểu thực tế tại khu vực xóm Thành Tiến, chúng tôi phát hiện có 5 tàu hút cát, với trọng tải từ 10-15m3/tàu, đang neo đậu tại khu vực rìa bờ. Cạnh đó là 5 bãi tập kết, mỗi bãi có hàng trăm m3 cát. Trong đó có 4 bãi tập kết được hình thành từ lâu, 1 bãi mới xuất hiện trong thời gian gần đây. Tại khu vực tập kết còn có các băng chuyền dùng để chuyển cát lên xe ô tô.
Trong vai một người đi mua cát, chúng tôi được ông Nguyễn Văn C. (chủ tàu hút cát ở đây) thông tin, cát được khai thác về rồi bán với giá 200 nghìn đồng/m3. Vào khoảng 18 giờ hằng ngày, tàu hút bắt đầu xuất bến và đi đến các khu vực có “luồng cát” để hút, đến khoảng 1 giờ sáng hôm sau thì đầy tàu và quay về. Sau khi các tàu khai thác về, cát được hút từ tàu lên bãi tập kết để chờ khách đến mua.
Ông Nguyễn Đình Tuân, Trưởng xóm Tiến Thành, xã Bình Thuận, cho biết: Một số hộ dân trong xóm có thuyền tự chế dùng để đánh bắt thủy sản trên hồ Núi Cốc, trong đó, có một số hộ dùng tàu để chở nước tưới cây trồng, rồi tận dụng hút cát về để xây xây dựng chứ không đem bán. Những bãi tập kết cát của tàu hút nằm trên địa phận của xóm Tiến Thành nhưng chủ tàu thuộc xóm Tiến Thành 1.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Văn Thức, Chủ tịch UBND xã Bình Thuận, thông tin: Chính quyền địa phương có nắm được thông tin trong xóm Tiến Thành có 2 tàu hút. Mỗi khi hoạt động, các chủ tàu hút cát thường bố trí người canh phòng, khi phát hiện lực lượng chức năng, các tàu tiến ra khu vực giữa hồ hoặc cho tàu chạy vào các eo, lạch để trốn. Trong khi đó, địa phương không có phương tiện đường thủy nên khó khăn trong việc phát hiện, bắt giữ. Vừa qua, chính quyền địa phương đã phối hợp với Công an huyện Đại Từ phát hiện và xử lý hành chính đối 1 trường hợp tàu hút cát trái phép. Hiện nay, chính quyền địa phương đang rà soát toàn bộ các hộ dân trên địa bàn có phương tiện hoạt động trên hồ Núi Cốc để có biện pháp quản lý và xử lý các phương tiện vi phạm.
Mặc dù xóm Tiến Thành và Tiến Thành 1 nằm trong vùng bán ngập hồ Núi Cốc, nhiều ruộng đất canh tác bị ảnh hưởng khi nước dâng, đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn, nhưng việc khai thác hút cát trái phép đã làm ảnh hưởng đến môi trường, nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy, vi phạm các quy định của pháp luật. Vì vậy, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân và tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm.