Muôn kiểu “cạm bẫy” góp vốn đầu tư siêu lợi nhuận, bài 1: “Vỡ mộng”

Quốc Tuân - Nguyên Ngọc 18:53, 23/07/2023

Thông qua chiêu bài kêu gọi góp vốn đầu tư kinh doanh với cam kết chi trả lợi nhuận “siêu khủng”, nhiều công ty đã thu hút một lượng lớn người dân tham gia với tổng số tiền huy động được lên tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, việc huy động vốn như vậy tiềm ẩn rất nhiều rủi ro đối với người tham gia và thực tế cũng cho thấy nhiều vụ việc đã được cơ quan chức năng xác định là lừa đảo, còn các nhà đầu tư thì “tiền mất, tật mang”.

Nhiều người dân Thái Nguyên tập trung phản ánh về các dấu hiệu lừa đảo của Công ty Nhật Nam với phóng viên Báo Thái Nguyên.
Nhiều người dân Thái Nguyên tập trung phản ánh về các dấu hiệu lừa đảo của Công ty Nhật Nam với phóng viên Báo Thái Nguyên.

Hơn 670 nhà đầu tư tại Thái Nguyên và hàng chục nghìn nhà đầu tư trên khắp cả nước đã góp vốn vào Công ty CP Đầu tư và Thương mại bất động sản Nhật Nam (viết tắt là Công ty Nhật Nam), có trụ sở chính tại số 54, đường Ngô Thị Thu Minh, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, đang như “ngồi trên đống lửa” vì gần một năm qua, doanh nghiệp này không thực hiện việc chi trả tiền gốc và lợi nhuận như đã cam kết. Sau nhiều lần kiến nghị đến Công ty nhưng không đạt kết quả, nhiều người đã gửi đơn đến cơ quan Công an.

Bạc tóc… chờ tiền

Một ngày trung tuần tháng 7/2023, rất đông người dân tại Thái Nguyên đã tập trung để phản ánh với phóng viên Báo Thái Nguyên về tình trạng nêu trên của Công ty Nhật Nam. Mọi người đều muốn giấu mặt, nhưng sự lo lắng, buồn bã, bức xúc đều không thể giấu nổi.

Bảng lợi nhuận hợp tác kinh doanh của Công ty Nhật Nam.
Bảng lợi nhuận hợp tác kinh doanh của Công ty Nhật Nam.

Người dân tố cáo Công ty Nhật Nam đã đưa ra những chương trình huy động vốn hấp dẫn để dụ đỗ các nhà đầu tư tham gia, với tên gọi “Chương trình hợp tác kinh doanh và phân chia lợi nhuận theo ngày”. Theo đó, Công ty cam kết chi trả lợi nhuận 68%/2 năm, hoặc 20%/2 năm kèm quà tặng bất động sản có giá trị tương đương với số tiền đầu tư. Sau khi ký hợp đồng và nộp đủ tiền, nhà đầu tư sẽ được chi trả tiền gốc và lợi nhuận hàng ngày vào tài khoản.

Công ty Nhật Nam liên tục đưa ra các chương trình ưu đãi để nhà đầu tư xuống tiền.
Công ty Nhật Nam liên tục đưa ra các chương trình ưu đãi để nhà đầu tư "xuống tiền".

Tuy nhiên, từ khoảng tháng 9/2022 đến nay, Công ty Nhật Nam đã ngừng chi trả tiền khiến các nhà đầu tư “đứng ngồi không yên”. Không ít người rơi vào cảnh nợ nần, phải bán đất, bán nhà, gia đình lục đục… vì trót dốc hết vốn liếng, tài sản, thậm chí vay tiền ngân hàng để đầu tư vào doanh nghiệp này.

Bà N.T.T (ở TP. Thái Nguyên) cho biết: Được một người quen giới thiệu, tôi đã tham gia đầu tư vào Công ty Nhật Nam từ tháng 9/2021. Lúc đầu tôi đầu tư 1 tỷ đồng. Sau thấy tiền về đều đặn, nhân viên Công ty lại mời gọi nhiệt tình, tôi tiếp tục đầu tư với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng. Sau đó, cứ nhận được tiền gốc và lợi nhuận là tôi lại vay mượn thêm để đầu tư vào Công ty. Đến cuối năm 2022, tổng số tiền đầu tư của tôi vào Công ty là 5,5 tỷ đồng. Tôi cũng giới thiệu và toàn bộ người thân trong gia đình tôi đã đầu tư vào Công ty khoảng 11 tỷ đồng. Số tiền đầu tư rất lớn mà từ tháng 9/2022 đến nay, Công ty không chi trả tiền gốc và lợi nhuận khiến tôi vô cùng lo lắng, suy nghĩ, cảm thấy đau đớn vì nguy cơ mất hết toàn bộ số tiền cả đời tích cóp. Anh em bạn bè có người còn nghĩ tôi lừa đảo, nhưng tôi cũng chỉ là nạn nhân của Công ty Nhật Nam...

Còn ông Đ.V.Đ (cũng ở TP. Thái Nguyên) chia sẻ: Tháng 4/2022, tôi đầu tư vào Công ty Nhật Nam 500 triệu đồng, sau đó tiếp tục đầu tư với tổng số tiền 3,5 tỷ đồng. Mấy tháng đầu, Công ty chi trả tiền gốc và lợi nhuận đúng theo hợp đồng, nhưng sau đó viện nhiều lý do như mất điện, lỗi phần mềm, ngân hàng đông quá… nên không chuyển được tiền. Gần 1 năm qua, tôi không nhận được một đồng nào cả gốc lẫn lãi. Mất khoản tiền này, tôi bị đảo lộn cuộc sống, ốm đau không có tiền chữa trị, gia đình lục đục…

Các nhà đầu tư trên cả nước tập trung kiến nghị tại trụ sở Công ty Sông Đà Nhật Nam ở số 79A-81 Xuân La, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội.
Các nhà đầu tư trên cả nước tập trung kiến nghị tại trụ sở Công ty Sông Đà Nhật Nam ở số 79A-81 Xuân La, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội.

Không chỉ có các nhà đầu tư tại Thái Nguyên, hiện nay, hàng chục nghìn người dân tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước cũng đang trong tình cảnh tương tự. Trực tiếp thâm nhập tìm hiểu, phóng viên Báo Thái Nguyên nhận được kiến nghị của nhiều người dân trên cả nước.

Ông Ngô Văn Khoái, ở huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, bức xúc nói: Bản thân tôi và rất nhiều người trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang chịu thiệt hại khi đầu tư vào Công ty Nhật Nam. Trong những người tôi biết, nhiều nhà đã xảy ra tình cảnh vợ chồng chia tay, bố con đánh nhau, thậm chí có người chưa nhận được tiền thì đã qua đời… Đến thời điểm này, chúng tôi nhận thấy Công ty Nhật Nam có dấu hiệu lừa đảo.

 

Rủi ro đã được cảnh báo trước

Đầu năm 2022, Báo Thái Nguyên đã đăng loạt bài điều tra về những dấu hiệu bất thường trong hoạt động huy động vốn của Công ty Nhật Nam và cảnh báo về những rủi ro mà nhà đầu tư có thể gặp phải khi tham gia góp vốn đầu tư vào doanh nghiệp này.

 

Sau đó, Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an), Văn phòng UBND tỉnh Hòa Bình và Công an một số tỉnh, thành phố cũng đưa ra cảnh báo về hình thức huy động vốn thông qua "hợp đồng hợp tác kinh doanh” của Công ty Nhật Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro…

Tuy nhiên, bất chấp những cảnh báo, hàng chục nghìn nhà đầu tư tại khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước vẫn tham gia góp vốn đầu tư vào Công ty Nhật Nam với niềm tin rằng số tiền đầu tư của mình sẽ tăng gấp nhiều lần trong thời gian ngắn.

Cơ quan Công an vào cuộc

Sau nhiều tháng không nhận được tiền gốc và lợi nhuận theo như cam kết, nhiều nhà đầu tư đã kéo đến trụ sở Công ty Nhật Nam để đòi tiền, nhưng chỉ nhận được những câu trả lời là "thông cảm", "mong khách hàng chia sẻ" và Công ty cứ khất lần. Nhận thấy sự việc có dấu hiệu bất thường, nhiều nhà đầu tư đã gửi đơn tố cáo đến cơ quan Công an. Riêng tại tỉnh Thái Nguyên, đến thời điểm này, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh) đã tiếp nhận đơn của 62 công dân tố cáo Công ty Nhật Nam và bà Vũ Thị Thúy, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc cùng một số nhân viên của Công ty có dấu hiệu "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Các nhà đầu tư tập trung yêu cầu Công ty Nhật Nam trả tiền.
Các nhà đầu tư tập trung tại trụ sở Công ty Sông Đà Nhật Nam ở số 79A-81 Xuân La, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội, yêu cầu Công ty trả tiền.

Sau khi tiếp nhận đơn tố cáo, Công an tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành xác minh, thu thập tài liệu để làm rõ vụ việc. Qua điều tra, tại Văn phòng đại diện của Công ty Nhật Nam tại Thái Nguyên, từ tháng 3/2022 đến tháng 3/2023 đã có 673 nhà đầu tư tham gia ký kết 780 hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty Nhật Nam, với tổng số tiền góp vốn trên 211 tỷ đồng.


Trước tình trạng nhiều người dân tập trung tại đây, Công an phường Xuân La đã có mặt bên ngoài trụ sở Công ty Nhật Nam để giữ gìn an ninh trật tự.
Trước tình trạng nhiều người dân tập trung tại đây, Công an phường Xuân La đã có mặt bên ngoài trụ sở Công ty Nhật Nam để giữ gìn an ninh trật tự.

Đại diện Công an phường Xuân La, quận Tây Hồ (TP. Hà Nội) cũng xác nhận, thời gian gần đây thường xuyên phải thực hiện công tác giữ gìn an ninh trật tự do người dân tập trung đông người trước trụ sở Công ty Nhật Nam để kiến nghị, đòi tiền. Nhiều người cũng đến trình báo, gửi đơn tố cáo tại phường. Công an phường đã hướng dẫn người dân gửi đơn đến Công an TP. Hà Nội. Đến nay, Công an TP. Hà Nội đã tiếp nhận đơn tố cáo Công ty Nhật Nam có dấu hiệu lừa đảo của hàng trăm người dân.

“Ve sầu thoát xác”?

Sau nhiều tháng không thực hiện việc thanh toán tiền cho nhà đầu tư, đầu năm 2023, Công ty Nhật Nam bất ngờ yêu cầu các nhà đầu tư chuyển sang ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty CP Tập đoàn Sông Đà Nhật Nam (viết tắt là Công ty Sông Đà Nhật Nam) và thu lại hợp đồng cũ. Đánh giá về việc Công ty Nhật Nam yêu cầu nhà đầu tư ký hợp đồng mới, một số luật sư cho rằng hợp đồng mới ẩn chứa rủi ro lớn hơn rất nhiều so với hợp đồng cũ.

Luật sư Nguyễn Đức Năng trao đổi với phóng viên Báo Thái Nguyên.
Luật sư Nguyễn Đức Năng trao đổi với phóng viên Báo Thái Nguyên.

Luật sư Nguyễn Đức Năng, Giám đốc Công ty luật TNHH Năng & Partner (TP. Thái Nguyên) nhận định: Rủi ro thứ nhất là khi các bên ký lại hợp đồng thì thời hiệu hợp đồng được tính tại thời điểm Công ty Sông Đà Nhật Nam ký với các nhà đầu tư. Như vậy, khoảng thời gian trước đó khi nhà đầu tư ký hợp đồng với Công ty Nhật Nam thì quyền lợi của nhà đầu tư mất hết, không được đảm bảo.

Rủi ro thứ hai là về dòng tiền. Công ty Sông Đà Nhật Nam không nhận tiền trực tiếp của các nhà đầu tư. Do vậy tiềm ẩn nguy cơ pháp lý trong trường hợp khởi kiện ra tòa, các nhà đầu tư không chứng minh được là mình đầu tư tiền vào Công ty Sông Đà Nhật Nam nên tòa án có quyền bác yêu cầu khởi kiện đòi tài sản hoặc tranh chấp hợp đồng.

Rủi ro thứ ba là Công ty Sông Đà Nhật Nam mới thành lập tháng 11/2022 thì liệu có khả năng tài chính lên đến hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng để trả cho các nhà đầu tư hay không? Thứ tư là có câu hỏi rất lớn mà cho đến nay đại diện Công ty Nhật Nam hay Công ty Sông Đà Nhật Nam không thể trả lời được là tại sao phải chuyển đổi sang Công ty Sông Đà Nhật Nam mới trả được tiền cho nhà đầu tư?

Công ty CP Tập đoàn Sông Đà Nhật Nam được thành lập và cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 21/11/2022, trụ sở chính đặt tại số 79 Xuân La, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội và 449 - 451 Tân Sơn, phường 12, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh.

Ông Đ.Q.T (ở TP. Hà Nội) lo lắng nói: Việc chuyển hợp đồng khiến tôi và hầu hết các nhà đầu tư nghi vấn liệu Công ty Nhật Nam có đang thực hiện chiêu trò “ve sầu thoát xác”? Chúng tôi đều mong muốn cơ quan Công an sớm vào cuộc làm rõ vấn đề này, bảo vệ quyền lợi chính đáng của chúng tôi.

(Còn nữa)