Các loại bệnh truyền nhiễm hiện đang diễn biến khá phức tạp trên thế giới với số ca mắc ngày càng gia tăng. Ở nước ta, tình hình dịch bệnh tuy được kiểm soát tốt, nhưng vẫn xuất hiện rải rác các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm. Các ổ dịch sởi, ho gà, thuỷ đậu… bắt đầu có xu hướng gia tăng ở một số địa phương. Do đó, cần phải có giải pháp phòng, chống hữu hiệu, kịp thời đối với từng loại bệnh nói trên.
Ảnh tư liệu |
Tháng 4 vừa qua, khi thời tiết chuyển mùa và diễn biến thất thường, các loại bệnh truyền nhiễm có điều kiện phát triển. Ngoài bệnh sởi, ho gà, thuỷ đậu, cả nước đã ghi nhận nhiều trường hợp bị tay chân miệng, bệnh dại. Đặc biệt, có trường hợp đã tử vong do bị cúm A (H5N1), đây là trường hợp mắc thứ 2 trong năm nay. Đồng thời, cũng xuất hiện trường hợp đầu tiên mắc cúm A (H9N2). Để công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trong mùa Hè năm nay đạt kết quả cao nhất, Bộ Y tế khuyến cáo các địa phương phải sớm triển khai quyết liệt giải pháp phòng ngừa đối với từng loại bệnh. Khi phát hiện ổ dịch phải xử lý triệt để, không để bùng phát hoặc phát sinh mới các ổ dịch, nhất là các bệnh truyền nhiễm có số ca mắc và tử vùng cao.
Đối với bệnh sốt xuất huyết, các địa phương cần triển khai tốt chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch bệnh. Tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy; tuyên truyền để người dân hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải chứa nước đọng, nơi bọ gậy, muỗi phát triển, đậy kín nắp và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt. Xác định các điểm có nguy cơ cao và tổ chức phun hóa chất chủ động theo quy định của Bộ Y tế.
Đối với bệnh dại, cần bố trí các điểm tiêm chủng đảm bảo ít nhất mỗi đơn vị hành chính cấp huyện phải có một điểm tiêm, ở những nơi địa bàn rộng và địa hình khó khăn cần có thêm điểm tiêm phòng. Đảm bảo đủ và tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với vắc-xin phòng dại, huyết thanh kháng dại, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao.
Đối với bệnh tay chân miệng, cần giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh, lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh. Phổ biến biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục nhất là trường mẫu giáo, mầm non, nhà trẻ. Cần thiết phải bảo đảm vệ sinh lớp học, vệ sinh cá nhân và an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể; theo dõi chặt chẽ sức khỏe học sinh, phát hiện kịp thời những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh và thông báo cho cơ sở y tế để phối hợp xử lý kịp thời.
Với các loại bệnh sởi, ho gà, bạch hầu..., cần kiểm soát tốt việc triển khai kế hoạch tiêm chủng năm 2024; tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho các trường hợp chưa được tiêm chủng đầy đủ. Tăng cường hoạt động giám sát, xét nghiệm, phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng và các cơ sở khám chữa bệnh; triển khai xử lý triệt để ổ dịch mới phát sinh.
Theo Bộ Y tế, muốn kiểm soát tốt nhất các loại bệnh truyền nhiễm, cần nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp. Bố trí đầy đủ kinh phí cho hoạt động phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo phương châm 4 tại chỗ. Cơ quan y tế địa phương phải giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chủ động phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ mắc bệnh ngay từ cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế. Cần thiết phải xây dựng, triển khai phương án cụ thể sẵn sàng đáp ứng với tình huống dịch bệnh vào cao điểm du lịch hè 2024…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin