Chống buôn lậu chưa hết gian nan

Minh Quân 16:50, 13/03/2024

Trước, trong và sau Tết Nguyên đán vừa qua, các lực lượng chức năng của tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện và xử lý hàng trăm vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm. Đặc biệt là đã khởi tố hình sự 36 vụ với 59 bị can, xử phạt hành chính trên 350 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước gần 18 tỷ đồng. Điều này cho thấy, nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại vẫn chưa hết gian nan.

Lực lượng chức năng huyện Phú Lương kiểm tra một cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn dịp trước Tết Giáp Thìn 2024. Ảnh: T.L
Lực lượng chức năng huyện Phú Lương kiểm tra một cơ sở kinh doanh thực phẩm dịp trước Tết Giáp Thìn 2024. Ảnh: T.L

Trưa 30/1/2024, Công an xã Cổ Lũng (Phú Lương) phối hợp với các lực lượng lập biên bản đối với Hoàng Minh Thám (sinh năm 1970, trú tại xóm Cổ Lũng, xã Cổ Lũng) về hành vi "buôn bán hàng cấm". Tang vật thu giữ là 1.300 bao thuốc lá điếu nhập lậu. Khám xét khẩn cấp nhà ở của đối tượng này, lực lượng chức năng thu giữ thêm trên 28.400 bao thuốc lá nhập lậu. Cơ quan Công an đã tạm giữ tang vật và ra quyết định khởi tố vụ án.

Tiếp đó, tối 6/2/2024, Công an phường Tích Lương (TP. Thái Nguyên) phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông dừng xe mô tô do Dương Quang Đại (sinh năm 2005, thường trú tại phường Lương Sơn, TP. Sông Công) điều khiển để kiểm tra. Kết quả phát hiện trên xe có một số tang vật để sản xuất pháo tự chế. Cơ quan chức năng đang tiến hành giải quyết theo quy định.

Trước đó, ngày 9 và 26/1/2024, lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra 2 hộ kinh doanh là bà Lê Thị Nhung, trú tại xã Yên Ninh và bà Hà Thị Hương, trú tại thị trấn Đu (Phú Lương), phát hiện hộ bà Nhung bày bán quần áo giả mạo nhãn hiệu, hộ bà Hương kinh doanh bánh kẹo không rõ nguồn gốc, không đăng ký thành lập hộ kinh doanh. Lực lượng chức năng đã xử phạt hành chính bà Nhung 6 triệu đồng, tịch thu toàn bộ quần áo vi phạm và xử phạt hộ kinh doanh của bà Hương 8,3 triệu đồng, buộc tiêu huỷ hàng hóa vi phạm.

Đây chỉ là 5 trường hợp trong tổng số 391 trường hợp vi phạm quy định về chống buôn lậu, gian lận thương mại bị các lực lượng chức năng của tỉnh phát hiện, bắt giữ và xử lý trong đợt cao điểm trước, trong và sau Tết nguyên đán Giáp Thìn.

Trong số các vụ vi phạm bị xử lý, ngoài khởi tố hình sự, lực lượng chức năng đã tiến hành xử phạt hành chính 355 vụ với 394 đối tượng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là mua bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm (pháo nổ); khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, vi phạm quảng cáo để kinh doanh động vật rừng; kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ; vận chuyển, trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; kinh doanh hàng hóa vi phạm về nhãn, mác, quá hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn thực phẩm; vi phạm về kinh doanh xăng dầu, khai sai thủ tục hải quan, tên hàng hóa; kê khai sai, thiếu tiền thuế…

Thời điểm này, mặc dù thị trường không còn nóng như dịp Tết Nguyên đán, song theo nhận định chuyên môn, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại vẫn diễn biến khó lường.

Bởi vậy, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại luôn là nhiệm vụ thường trực của các cấp, các ngành. Ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và khuyến cáo người tiêu dùng thông thái hơn trong lựa chọn sử dụng hàng hóa, tích cực phát hiện, tố giác các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, cần yêu cầu các tổ chức, cá nhân ký cam kết không vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng không có nguồn gốc xuất xứ… Thường xuyên kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm, tránh tình trạng chỉ thực sự quan tâm khi có đợt cao điểm hoặc khi thị trường diễn biến phức tạp.