"Thông tin minh bạch, tiêu dùng an toàn"

Nguyễn San 08:34, 24/03/2024

Đó là chủ đề "Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024" được Bộ Công Thương tổ chức phát động mới đây. Trong bối cảnh quyền lợi người tiêu dùng (NTD) vẫn bị xem nhẹ, hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan trên thị trường hiện nay, thì việc Nhà nước có các hoạt động cao điểm và thường xuyên nhằm tri ân, bảo vệ quyền lợi chính đáng NTD thật sự cần thiết.

Lễ phát động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024.
Lễ phát động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024.

Thời gian qua, lực lượng chức năng trong cả nước đã phát hiện, xử lý rất nhiều trường hợp kinh doanh hàng hóa quy mô lớn có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu. Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, các đối tượng thường giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng, được bảo hộ tại Việt Nam để kinh doanh kiếm lợi nhuận cao.

Vụ giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng bị phát hiện tại Trung tâm mua sắm Sài Gòn Square (TP. Hồ Chí Minh) cuối năm 2023 vừa qua là một điển hình. Lực lượng chức năng đã phát hiện và tạm giữ gần 2.000 sản phẩm quần áo, phụ kiện trang sức, mắt kính, túi ví… giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng như: Gucci, Dior, Chanel, Louis Vuitton, Nike, Hermes… với giá lên tới hàng chục, hàng trăm triệu đồng/sản phẩm.

Sài Gòn Square được ví là "thiên đường" mua sắm tồn tại khoảng 20 năm nay. Với các chiêu trò giả mạo tinh vi, không ít hộ kinh doanh ở đây đã giàu lên nhờ buôn bán hàng giả siêu lợi nhuận.

Còn tại tỉnh Thái Nguyên, dịp cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện, xử lý trên 390 trường hợp vi phạm quy định về chống buôn lậu, gian lận thương mại, đáng chú ý có nhiều trường hợp kinh doanh hàng giả mạo nhãn mác nổi tiếng. Trong đó tiến hành xử lý vi phạm hành chính trên 350 trường hợp với gần 400 đối tượng.

Trong năm 2023, lực lượng chức năng còn phát hiện, xử lý hàng loạt trường hợp kinh doanh thực phẩm bẩn, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe NTD...

Thực tế này cho thấy, việc tăng cường các hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD là cấp thiết, cần được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm. 9 năm kể từ khi Chính phủ quyết định lấy ngày 15-3 hàng năm là "Ngày Quyền của NTD Việt Nam", lấy tháng 3 hàng năm là "tháng cao điểm" bảo vệ quyền lợi NTD đến nay, trách nhiệm bảo vệ NTD đã được nâng lên một bước.

Không chỉ tăng cường phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Bảo vệ quyền lợi NTD mà còn gia tăng các hoạt động tri ân, tuyên truyền, tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ, hiểu biết cho NTD, tổ chức các sự kiện công cộng, các cuộc thi hướng về NTD.

Với chủ đề "Thông tin minh bạch, tiêu dùng an toàn", "Ngày Quyền của NTD" năm nay nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của thông tin đối với sự an toàn của NTD. Thông tin làm sao để NTD lựa chọn sử dụng được hàng hóa, dịch vụ tốt nhất, an toàn nhất.

Để có được kết quả cao, ngoài kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD, ổn định thị trường; tổ chức ký cam kết không vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh hàng giả, hàng lậu, cần giúp NTD có những quyết định đúng, an toàn trong lựa chọn hàng hóa và đề cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Được biết, các hoạt động hưởng ứng "Ngày Quyền của NTD Việt Nam năm 2024" không chỉ dừng lại trong tháng cao điểm (tháng 3) mà kéo dài đến hết năm nay. Tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng và đang triển khai kế hoạch với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm mang lại hiệu quả cao nhất trong thực hiện các quy định về bảo vệ quyền lợi NTD.