Những ngày gần đây, trên các diễn đàn, vấn đề quản lý, kiểm soát vũ khí, vật liệu nổ, nhất là vũ khí thô sơ, tự chế trở thành đề tài nóng, được nhiều người quan tâm. Thực tế hiện nay, việc kiểm soát các loại vũ khí nói trên không hề đơn giản, nhất là khi chúng ta chưa có chế tài phù hợp. Tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội đang diễn ra, chủ đề này tiếp tục được đưa ra bàn thảo, để bổ sung, sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan.
Ảnh minh họa |
Chỉ cần gõ từ khóa "súng tự chế" hay "dao, kiếm tự chế" trên công cụ tìm kiếm, người tìm sẽ nhận được hàng nghìn kết quả. Nếu quan tâm đặt câu hỏi trên mạng xã hội về nội dung tương tự thì một loạt địa chỉ giao bán các loại vũ khí thô sơ, tự chế sẽ gửi đến người yêu cầu để quảng cáo. Đó là một trong những cái khó cho công tác quản lý vì các đối tượng lợi dụng việc pháp luật chưa đưa súng tự chế hay các loại vũ khí thô sơ như dao găm, kiếm, giáo, mác, mã tấu… vào trong danh mục vũ khí quân dụng, bị cấm chế tạo, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng. Đây là những hung khí phổ biến được các nhóm thanh niên sử dụng để giải quyết mâu thuẫn. Thời gian qua, nhiều vụ xô xát, hành hung, gây án, trong đó có cả những vụ án nghiêm trọng xảy ra do các đối tượng sử dụng vũ khí thô sơ, tự chế.
Báo cáo của Bộ Công an cho thấy, 5 năm qua, cả nước phát hiện trên 28.700 vụ sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trong đó 94,5% tội phạm sử dụng vũ khí thô sơ, tự chế làm phương tiện, công cụ gây án. Riêng đối tượng sử dụng dao và phương tiện tương tự dao gây án chiếm trên 58,6% tổng số vụ. Đặc biệt, nhiều vụ đối tượng sử dụng các loại dao sắc, nhọn có tính sát thương rất cao, gây án manh động, tàn ác. Như vậy có thể thấy, tội phạm sử dụng các loại vũ khí này đang gia tăng và diễn biến hết sức phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân và tạo tâm lý lo lắng, bất ổn trong xã hội. Chính bởi thế mà kỳ họp Quốc hội lần này, Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ trình dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), trong đó bàn thảo đưa vào những quy định mới để quản lý chặt hơn các loại vũ khí thô sơ, tự chế.
Cùng với việc điều chỉnh, bổ sung các quy định pháp luật cho phù hợp, Chính phủ cũng đang chỉ đạo các ngành, địa phương siết chặt hơn công tác quản lý các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trong đó có các loại vũ khí thô sơ, tự chế.
Đối với Thái Nguyên, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, tỉnh đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát hiện, thu gom, giao nộp các loại vũ khí nói trên. Cụ thể, giao các ngành, địa phương có giải pháp, kế hoạch thu hồi triệt để các loại vũ khí còn trôi nổi ngoài xã hội, không để tội phạm sử dụng gây án; kịp thời phát hiện xử lý nghiêm đối tượng, băng nhóm, đường dây sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, nhất là trên không gian mạng.
Lực lượng công an, quân đội tổ chức tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy các loại vũ khí do các tổ chức, cá nhân giao nộp hoặc trong phạm vi quản lý theo quy định. Lực lượng quản lý thị trường ngăn ngừa, kiểm soát chặt hành vi sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép các loại vũ khí. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn, kiểm tra, rà soát việc quản lý, sử dụng các loại vũ khí trong huấn luyện, thi đấu thể thao; vũ khí, công cụ hỗ trợ làm đạo cụ hoặc để trưng bày, triển lãm trong các hoạt động văn hoá, nghệ thuật. Ngành Giáo dục và Đào tạo, Đoàn Thanh niên phối hợp với các ngành liên quan tăng cường công tác quản lý, giáo dục và tổ chức cho đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên ký cam kết không tham gia các hoạt động sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin