Thông qua đường dây nóng của Báo Thái Nguyên, nhiều công nhân làm việc tại Công ty CP Giải pháp công nghệ an ninh Bảo Lan (gọi tắt là Công ty Bảo Lan), trụ sở tại tổ dân phố Tân Thái, thị trấn Hóa Thượng (Đồng Hỷ), phản ánh về việc doanh nghiệp này có những dấu hiệu vi phạm Luật Lao động, như: Sử dụng lao động lâu dài nhưng không ký kết hợp đồng lao động (trong đó có những lao động chưa đủ 18 tuổi); không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; không thanh toán đầy đủ tiền lương cho công nhân sau khi họ nghỉ việc…
Em Nguyễn Văn Minh (sinh năm 2006, quê ở huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) phản ánh với phóng viên Báo Thái Nguyên việc bị Công ty Bảo Lan “quỵt” tiền lương sau khi nghỉ việc. |
Khốn đốn vì bị “quỵt” lương
Lần theo địa chỉ công dân phản ánh, phóng viên Báo Thái Nguyên tìm đến một xóm trọ nhỏ ở tổ dân phố (TDP) Sau, phường Lương Sơn (TP. Sông Công). Trong căn phòng trọ chưa đến 15m2, em Nguyễn Văn Minh (sinh năm 2006), quê ở Quảng Xương, Thanh Hóa, đang ở cùng với 2 người bạn khác.
Khi chúng tôi đến, Minh và 2 người bạn đang chia nhau gói mì tôm để ăn. Minh bảo: “Em xin nghỉ việc ở Công ty Bảo Lan được gần nửa tháng nay, nhưng bị Công ty “quỵt” tiền lương nên phải ăn mì tôm qua ngày. Bây giờ em chẳng biết phải làm thế nào vì không có tiền bắt xe về quê, mà ở lại thì không xin được việc, do em chưa đủ 18 tuổi nên không công ty nào nhận…”.
Theo lời kể của Minh, em được nhận vào làm thời vụ tại Công ty Bảo Lan từ ngày 13/2/2023 với mức lương cơ bản theo thỏa thuận miệng là 4,4 triệu đồng/tháng và trợ cấp 600 nghìn đồng/tháng (chưa tính tăng ca). Công việc của em là mài và đánh bóng vỏ điện thoại, tai nghe. Trong quá trình làm việc tại đây, em và những công nhân khác thường xuyên phải làm tăng ca, có những hôm làm liên tục từ 8 giờ sáng hôm trước đến 1-2 giờ sáng hôm sau (khoảng 13-14 tiếng một ngày).
Sau gần 2 tháng làm thời vụ, đến ngày 7-4, Minh được Công ty chuyển sang làm công nhân chính thức. Thời gian này, Minh và những công nhân khác vẫn thường xuyên phải làm thêm giờ nhưng không được Công ty chấm công theo đúng thời gian làm việc thực tế.
Nhiều lao động phản ánh thường xuyên phải làm tăng ca, thêm giờ nhưng không được Công ty Bảo Lan chấm công theo đúng thời gian làm việc thực tế. Ảnh: Bảng chấm công - người lao động cung cấp. |
Quá bức xúc, ngày 14-4, Minh viết đơn xin nghỉ việc, nhưng Công ty yêu cầu phải sau 1 tháng viết đơn mới được nghỉ việc (tức là đến ngày 14-5). Thực hiện đúng yêu cầu của Công ty, Minh tiếp tục ở lại làm việc. Tuy nhiên, sắp đến ngày được nghỉ việc theo quy định thì sáng 11-5, Công ty thông báo Minh bị đuổi việc và không được thanh toán tiền lương với lý do "không nghe lời quản lý".
Minh khẳng định: “Trong suốt thời gian làm việc, em không vi phạm bất cứ nội quy nào của Công ty..”. Sau đó, Minh đã nhiều lần đến Công ty Bảo Lan đề nghị trả lương nhưng đều bị Công ty từ chối và đuổi đi.
Tương tự là trường hợp của chị Trạc Thị Cúc, ở Làng Cả, xã Văn Hán (Đồng Hỷ). “Tôi làm việc ở Công ty Bảo Lan từ tháng 2-2022, nhưng do môi trường làm việc quá bụi, lại phải tăng ca thường xuyên, suốt từ 8 giờ sáng đến đêm nên sức khỏe của tôi không đáp ứng được. Cuối tháng 9-2022, tôi xin nghỉ việc nhưng Công ty không thanh toán đầy đủ tiền lương mà giữ lại tháng lương cuối cùng của tôi (khoảng 7 triệu đồng). Tôi rất bức xúc nhưng không biết phải làm thế nào.” - chị Cúc ngậm ngùi nói.
Ngoài 2 trường hợp nêu trên, phóng viên Báo Thái Nguyên còn nhận được phản ánh của nhiều lao động khác về việc bị Công ty Bảo Lan “quỵt” tiền lương sau khi họ nghỉ việc. Trong đó có anh Phùng Văn Tuyến, ở xã Khe Mo (Đồng Hỷ); chị Hứa Thị Mai, xóm Khuổi Chao, xã Bảo Linh (Định Hóa); chị Nguyễn Thị Lan, xóm Xuân Đám, xã Đồng Liên (TP. Thái Nguyên); anh Nguyễn Văn Dương, thôn Trúc Khê, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang; anh Nguyễn Thanh Tùng, xóm Đồng Khuôn, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang…
Thông tin tuyển dụng lao động của Công ty Bảo Lan đăng trên mạng xã hội. |
Dấu hiệu vi phạm Luật Lao động
Theo điều tra của phóng viên, Công ty Bảo Lan có trụ sở tại TDP Tân Thái, thị trấn Hóa Thượng (Đồng Hỷ). Công ty có một cơ sở gia công linh kiện điện tử (vỏ điện thoại, tai nghe…) đặt tại TDP Sau, phường Lương Sơn (TP. Sông Công). Cơ sở này đi vào hoạt động từ năm 2021, sử dụng khoảng 30 lao động.
Theo phản ánh, những công nhân làm việc tại đây chủ yếu là phụ nữ trung tuổi và một số lao động dưới 18 tuổi là người dân tộc thiểu số. Khi tiếp xúc với phóng viên, những lao động đã và đang làm việc tại doanh nghiệp này đều khẳng định: Dù là lao động thời vụ hay chính thức, họ đều không được Công ty ký kết hợp đồng lao động và cũng không được nộp bảo hiểm xã hội hay bất kỳ loại bảo hiểm nào khác…
Không chỉ có vậy, công nhân làm việc tại Công ty Bảo Lan còn phản ánh bị bóc lột sức lao động khi thường xuyên phải làm việc tăng ca, thêm giờ nhưng lại bị Công ty cắt bớt giờ làm, không chấm công theo đúng thời gian làm việc thực tế của công nhân.
Trao đổi với chúng tôi, bà B.T.B, một công nhân làm việc tại Công ty này, cho biết: “Không chỉ bị bóc lột sức lao động, mỗi khi công nhân làm không đúng yêu cầu còn bị Giám đốc chửi mắng thậm tệ, thậm chí dùng những lời lẽ sỉ nhục, xúc phạm, bôi nhọ danh dự… Sở dĩ, nhiều lao động vẫn chấp nhận bám trụ ở đây là vì “đâm lao thì phải theo lao”, nếu nghỉ việc sẽ không lấy được tiền lương. Hơn nữa, chúng tôi đều là phụ nữ lớn tuổi và lao động vị thành niên nên rất khó xin việc ở công ty khác.
Anh N.V.G, công nhân từng làm việc tại Công ty Bảo Lan, cho biết thêm: “Có những hôm Công ty chạy sản lượng, chúng tôi phải làm việc liên tục không được ăn cơm. Môi trường làm việc rất bụi bặm nhưng không ai được trang bị khẩu trang, tôi không chịu được nên phải nghỉ việc”...
Cơ quan chức năng sẽ vào cuộc
Để tìm hiểu rõ hơn những phản ánh của người lao động, chiều 27-5, phóng viên tìm đến cơ sở sản xuất của Công ty Bảo Lan. Tuy nhiên, ngay khi phát hiện có sự xuất hiện của phóng viên, cơ sở sản xuất này đóng cửa, dừng hoạt động và cho công nhân nghỉ việc.
Mấy ngày gần đây, cơ sở sản xuất của Công ty Bảo Lan (tại TDP Sau, phường Lương Sơn, TP. Sông Công) thường xuyên đóng kín cửa. |
Bà Dương Thị Lưu, Chủ tịch UBND phường Lương Sơn (TP. Sông Công), cho biết: Hiện chính quyền địa phương chưa nhận được phản ánh nào của người lao động liên quan đến Công ty Bảo Lan, chúng tôi sẽ cho cán bộ chuyên môn kiểm tra, xác minh và thông tin đến phóng viên.
Ông Phạm Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: Căn cứ vào phản ánh của người lao động và tài liệu mà phóng viên cung cấp, chúng tôi nhận thấy Công ty Bảo Lan có dấu hiệu vi phạm Luật Lao động. Sở sẽ sớm phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra đột xuất doanh nghiệp này, nếu phát hiện có vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định…
Báo Thái Nguyên sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này!
Theo Bộ luật Lao động năm 2019: - Trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản. - Hành vi giao kết hợp đồng lao động không bằng văn bản với người lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên thì bị phạt từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng. - Lao động chưa thành niên là người lao động chưa đủ 18 tuổi. Thời giờ làm việc của người lao động chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi không được quá 08 giờ trong 01 ngày và 40 giờ trong 01 tuần. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin