Hội nghị giao ban công tác phòng, chống tham nhũng cụm 14 tỉnh Bắc Bộ và bắc Khu 4 cũ diễn ra ngày 25/11 tại Nam Định cho thấy các điều kiện để hoạt động của ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng địa phương còn thiếu, khiến cho ban chưa thực sự độc lập.
Hội nghị do Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức, nhằm kiểm điểm một năm thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng.
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương, đến nay, đã cơ bản hình thành bộ máy ban chỉ đạo cấp tỉnh với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động rõ ràng theo quy định. Bước đầu ban đã giúp cấp uỷ, chính quyền địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch; chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và phối hợp trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Tuy nhiên, báo cáo tại hội nghị nêu rõ: Hoạt động của một số ban chỉ đạo còn đơn điệu, việc tổ chức họp theo định kỳ chưa duy trì thường xuyên, việc phối hợp giữa ban và các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng, chống tham nhũng còn nhiều hạn chế.
Nhiều ý kiến thảo luận tại Hội nghị cũng cho thấy ban chỉ đạo phòng, chống cấp tỉnh vẫn khó khăn trong việc thực hiện tốt 6 nhiệm vụ và 7 quyền hạn mà Nghị quyết của UBTVQH đã quy định. Các điều kiện để hoạt động của ban chỉ đạo còn thiếu, chưa thực sự độc lập. Một số ban chỉ đạo còn lúng túng nên việc áp dụng, thực hiện có những khác biệt, hiệu quả chưa như mong muốn...
Ông Vũ Tiến Chiến, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng cho rằng, việc thực hiện Nghị quyết ở một số địa phương còn những vướng mắc vì đây là vấn đề mới nên nhận thức ở một số nơi còn chưa thực sự sâu sắc; trong quá trình thực hiện tại một số địa phương cũng có những đặc thù và điều kiện riêng.
Tới đây, Ban chỉ đạo TƯ sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể để các tỉnh tiếp tục hoàn thiện các quy chế, quy định trong ban chỉ đạo và tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ phận giúp việc để bộ phận này hoạt động hiệu quả hơn.