“Hà Nội sẽ thay cán bộ yếu kém không cần hết nhiệm kỳ”

14:16, 19/09/2012

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định điều này khi trả lời báo chí về nội dung kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4.

Tại Hội nghị thông báo kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội theo Nghị quyết Trung ương 4 và triển khai nhiệm vụ tiếp theo đối với các tổ chức cơ sở đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội- Phạm Quang Nghị cho biết, ngoài những nội dung kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4, Hà Nội nội sẽ thực hiện 7 nhiệm vụ trước mắt, trong đó khắc phục ngay tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực tại các cơ quan của thành phố, nhất là đối với cán bộ trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính và tiếp dân.   



Chỉ rõ cá nhân, tập thể sai phạm

 

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái, trong nhiều nội dung thì vấn đề về công tác cán bộ và công tác quản lý đất đai, xây dựng đô thị trên địa bàn của thành phố được Ban thường vụ Thành ủy kiểm điểm hết sức nghiêm túc.

 

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc mở rộng địa giới hành chính của Thủ đô Hà Nội, vấn đề tổ chức, sắp xếp bộ máy cán bộ của Hà Nội đạt kết quả rất tốt, được Trung ương cũng như nhân dân ghi nhận. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Công Soái, trong quá trình thực hiện, có một số cán bộ từ cơ sở từ phường xã, cho đến quận huyện, các ngành có biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho nhân dân, cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình.

 

“Ban Thường vụ chỉ rất rõ đơn vị còn vấn đề cần kiểm điểm về công tác sắp xếp, tổ chức cán bộ và đồng chí ủy viên thường vụ phụ trách đơn vị này, sở ngành kia cũng có một phần trách nhiệm. Có những đơn vị thường vụ yêu cầu phải kiểm điểm vì sao mà để cán bộ ở đó nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Có đơn vị chúng tôi yêu cầu phải kiểm điểm về quy trình làm công tác cán bộ. Có quận huyện phải kiểm điểm về công tác quản lý xây dựng, đất đai…”, ông Soái cho biết.

 

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng nhấn mạnh, với những cá nhân, tập thể có hiện tượng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhân dân thì sau này sẽ phân công thành viên Ban thường vụ trực tiếp dự để kiểm điểm. Và sau khi kiểm điểm phải chỉ ra được những cá nhân, tập thể nào gây khó khăn, có biểu hiện không tốt.

 

Về những vấn đề gây bức xúc trong nhân nhân, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định: “Những tiêu chí rõ nét để xem xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, đơn vị là những cái mà cuộc sống đang đòi hỏi phải làm, nhân dân đang bức xúc. Nhưng mình không xác định thời gian, hạn mức phải hoàn thành và cuối cùng chưa đạt được, hay vấn đề phát sinh mà không xử lý kịp, đã gây bức xúc trong nhân dân. Nội dung này cần phải kiểm điểm làm rõ”.

 

Bí thư Thành ủy Hà Nội lấy ví dụ về chỉ số năng lực cạnh tranh các tỉnh thành chưa như mong muốn thì chắc chắn còn thiếu sót, khuyết điểm phải giải quyết. Từng tập thể, cá nhân liên quan trực tiếp phải giải trình, nhìn nhận sự việc một cách khách quan và cam kết khắc phục, có lộ trình cụ thể.

 

“Có những những việc có thể nói không yêu cầu cao lắm về trình độ năng lực, nhưng lâu nay giám sát không chặt, xử lý không nghiêm nên làm chưa tốt, gây bức xúc. Ví dụ bây giờ lát vỉa hè, kỹ thuật không có gì phức tạp lắm, giám sát cũng không khó khăn, phát hiện cũng dễ, thế thì sao vừa lát xong là hỏng? Sao không gọi đơn vị thi công yêu cầu khắc phục?”, ông Phạm Quang Nghị nhấn mạnh.

 

Ông Phạm Quang Nghị cũng chỉ rõ, có những sự việc phát hiện ra từ lâu nhưng xử lý rất chậm nên gây bức xúc, chứ không phải khó về khâu phát hiện. Ví dụ công viên Tuổi trẻ là để dành cho nhân dân, đặc biệt là thanh thiếu niên, trẻ em vui chơi giải trí, sao giờ lại có nhiều dịch vụ kinh doanh? Những vi phạm đó phải xử lý kịp thời.

 

Xử lý cán bộ không chờ hết nhiệm kỳ, độ tuổi

 

"Có lẽ chưa bao giờ chúng tôi thấy một đợt kiểm điểm lâu và kỹ như thế này. Nghiêm túc, sâu sát, tinh thần cởi mở, xây dựng. Ai có tồn tại, khuyết điểm thì tự nhận trách nhiệm và có những đảm bảo thực hiện"- Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái.

 

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhấn mạnh, qua việc kiểm điểm thấy rằng cán bộ uy tín thấp, nhân dân, dư luận kêu ca phàn nàn nhiều thì không chờ hết nhiệm kỳ, không chờ hết tuổi, có thể thay thế, sắp xếp vào công việc khác.

 

“Cán bộ yếu kém, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ thì chắc chắn phải thay thế, luân chuyển. Vừa rồi Hà Nội đã làm và sẽ làm mạnh hơn nữa. Cán bộ có thể bị luân chuyển từ ngành này sang ngành kia chứ không chỉ trong cùng một ngành. Cao hơn nữa thì kỷ luật”, ông Phạm Quang Nghị khẳng định.

 

Ngoài ra, theo tinh thần công tác cán bộ sắp tới về lấy phiếu tín nhiệm, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết: “Cán bộ nếu 2 năm liền không được tín nhiệm thì thay, tín nhiệm quá thấp thì thay, thậm chí một năm tín nhiệm quá thấp cũng thay, không chờ hết tuổi, hết nhiệm kỳ”. Còn quy trình thủ tục như thế nào tất nhiên phải có hướng dẫn, phải có đường lối chặt chẽ, đảm bảo tính khách quan.

 

Ngoài 3 nội dung theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, ở những đảng bộ trực thuộc, sở, ngành và địa phương, Ban thường vụ Thành ủy sẽ có gợi ý và kiểm điểm những vấn đề thiết thực, cụ thể./.